Vợ: Thùy Dương - 62 tuổi - Thợ may
Chồng: Quang Bình - 67 tuổi - đã nghỉ hưu
Hiện tại hai vợ chồng sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.
Người đàn ông "không đẹp trai không giàu có" cưới được cô gái xinh đẹp
Người ta nói rằng sự lãng mạn đôi khi không thể hiện ở các câu nói. Lãng mạn và tình yêu dành cho nhau có thể xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày với những hành động quan tâm bình thường nhất.
Câu chuyện về một người bố suốt gần 40 năm hôn nhân vẫn thay vợ vào bếp đã nhận về nhiều sự chú ý. Câu chuyện của họ được kể qua lời của cậu con trai Hoàng Thái.
Chú Bình hồi còn trẻ làm nghề sơn mành trúc xuất khẩu. Sau này, nghề không còn thịnh hành nên bắt đầu lao động tự do để lo cho gia đình. Chú rất khéo tay, từng được giải "Bàn tay vàng" ở Nhà văn hóa Thanh Niên tại TP Hồ Chí Minh.
Cô Thùy Dương sinh ra trong một gia đình gia giáo. Hồi trẻ, cô xinh đẹp và học giỏi, nhưng qua nhiều biến động cuộc sống, cô chọn học nghề may gia công. Cô được rất nhiều người để ý đến vì xinh đẹp, dịu dàng và nền nã. Thế nhưng sau này, cô lại chọn và kết hôn với chú Bình.
"Bố mình là một người đàn ông không đẹp trai, không giàu có. Trước giờ mình vẫn thắc mắc tại sao mẹ chịu lấy bố dù mẹ rất đẹp, sinh ra trong một gia đình gia giáo, học thức và có nhiều người theo đuổi", Hoàng Thái chia sẻ.
Cô Dương có nhan sắc xinh đẹp khi còn trẻ tuổi.
Có lẽ, nhờ vẻ ngoài hiền lành, sự chân thành, mộc mạc mà chú Bình đã chiếm được cảm tình cô Dương.
"Hồi xưa đó mẹ ngoài đi làm còn về nhà làm hết công việc như quét dọn, lau nhà, dọn dẹp. Bởi thế nên bố thấy và đã đưa ra một lời hứa "bước ngoặt" rằng khi kết hôn xong, bố sẽ lo nấu ăn cho mẹ đỡ cực. Vì lời hứa đó, mẹ quyết định lên xe hoa luôn và đúng thật bố đã giữ lời đến gần 40 năm nay", Thái kể.
Đám cưới của vợ chồng cô Dương, chú Bình diễn ra vào năm 1984. Đó là những tháng ngày hai bên vẫn khó khăn, hôn lễ diễn ra vô cùng đơn giản. Trong ngày vui đó, chú Bình mặc vest, cô Dương diện váy cưới sánh bước bên nhau. Bây giờ nhìn lại những tấm hình, Thái và chị gái vẫn xuýt xoa vì mẹ mình thật xinh đẹp trong ngày trọng đại nhất của cuộc đời.
Ảnh cưới của bố mẹ Thái cách đây gần 40 năm.
Sau khi về chung một nhà, hai cô chú bắt đầu xây dựng cuộc sống. Mọi thứ ban đầu thật sự vất vả. Ngày ấy, hai bên gia đình nội ngoại cũng đều nghèo nên không giúp đỡ được nhiều.
Thái kể rằng ngay cả khi anh dần lớn lên, nhà cũng vẫn còn nghèo như thế bởi bố anh do sống thật thà, tin tưởng bạn bè nên bị người ta lợi dụng và lừa dối trong việc làm ăn khiến cho cuộc sống đã khó lại càng khó hơn.
"Qua những khó khăn vất vả ấy, mẹ vẫn luôn là người sát cánh bên bố, động viên bố và tìm cách đưa gia đình vượt qua những khó khăn ấy. Dù nhà nghèo nhưng mẹ vẫn thức khuya, dậy sớm để cố gắng lo cho hai chị em mình một cách đàng hoàng. Có thể nói rằng dù gia đình mình nghèo thật nhưng là nghèo vật chất nhưng lại rất giàu về tình cảm", Thái tâm sự.
Người đàn ông không bao giờ để vợ phải vào bếp nấu nướng
Và đúng như lời chú Bình đã nói trước khi cưới cô, suốt những năm qua, chú luôn là người chăm sóc căn bếp cho cả gia đình.
Thái kể: "Bố mình không phải là người cầu kỳ, khi mẹ đi Úc thăm chị gái, mình đi công tác dài ngày thì bố chỉ nấu kho quẹt, cá kho, ăn đồ hộp hoặc ăn mì. Nhưng khi mẹ về và mình ở nhà thì bố hỏi mẹ con thích gì để nấu, nào là bò kho, hủ tiếu, phở, bánh đa cua hay cả cà ri Ấn Độ nữa.
Dù bố đã gần 70 nhưng đều như vắt tranh ngày nào cũng sẽ hỏi mẹ ăn sáng cái gì, Thái ăn gì không. Bố chu đáo và tỉ mỉ đến mức mình với mẹ muốn giảm cân mà giảm không được. Dù dặn bố đừng nấu nhưng bố vẫn nấu đồ ăn ngon xong viện lí do: "Bố quên" khi mình và mẹ không kìm lòng nổi trước đồ ăn".
Cả gia đình anh chụp ảnh cùng nhau.
Đến hiện tại, Hoàng Thái cũng rất ngưỡng mộ những điều mà bố mẹ dành cho nhau. Từ sau khi kết hôn đến bây giờ, bố anh chẳng mấy khi đi đâu buổi tối, chỉ muốn làm việc xong là quây quần ở nhà với vợ con, nằm xem Tivi rồi nói chuyện cùng nhau. Họ chẳng bao giờ nói những câu thể hiện tình cảm như "Anh yêu em", "Anh thương em" mà luôn thể hiện bằng hành động, sự quan tâm trong cuộc sống hằng ngày.
Chú Bình cô Dương sinh được hai người con một trai một gái. Dù cuộc sống vất vả nhưng họ dạy con vô cùng chu đáo. Có những thời gian khó khăn, chú Bình phải đi lấy quần áo cũ về mặc, nhặt đồ hư điện tử về sửa để dùng. Cô Dương cũng có những thời gian may gia công rồi đạp xe cả 10km đi giao hàng. Và chị gái Thái, hồi lớp 9 cũng vì gia đình khó khăn mà quyết tâm tạm dừng việc học để đi làm phụ bố mẹ nuôi em trai học hành đến nơi đến chốn. Sau này, chị cũng cố gắng rất nhiều, đi học thêm bổ túc văn hoá, trải qua nhiều công việc và bây giờ có cuộc sống êm ấm, vui vẻ.
Cuộc sống viên mãn của bố mẹ Thái.
"Tình cảm bố mẹ khiến cho mình ngưỡng mộ thì tình cảm gia đình càng khiến mình hạnh phúc hơn. Cũng nhờ bố mẹ mà chị em đều lấy đó làm gương, cố gắng sống sao cho tốt để không phụ lòng dạy dỗ", Thái tâm sự.
Không chỉ trong chuyện cuộc sống mà với tình yêu hôn nhân, quan điểm cũng như cách dạy dỗ, truyền thụ kinh nghiệm của bố mẹ Thái cho con cái cũng rất đặc biệt.
Thái nhớ lại: "Bố mẹ luôn dạy mình và chị là yêu ai thì cưới người đó. Chỉ cần con yêu người đó là được. Bố mẹ chẳng bao giờ quản thúc hay thúc giục hai chị em lấy vợ lấy chồng. Ngày xưa chị gái mình đã hơn 30 tuổi nhưng chưa lập gia đình, mẹ không bao giờ hối, mà chỉ nói với mình: "Sau nếu Khánh không có chồng, con nhớ chăm sóc cho chị khi về già nhé". Ai ngờ đâu 33 tuổi chị lấy chồng, giờ còn có một đứa con trai ngoan và rất dễ thương nữa".
Đúng là đỉnh cao nhất của một cuộc hôn nhân là giúp cho mình hạnh phúc và dạy những đứa con có thể tìm thấy hạnh phúc. Chúc mừng cho cuộc hôn nhân của cô Dương, chú Bình. Hi vọng rằng gia đình của cô chú sẽ luôn luôn vui vẻ và viên mãn trong cuộc sống!