Vị đại tá nói đúng sự thật về bom GLSDB Mỹ

Kiên Bùi |

GD&TĐ -Lực lượng phòng không Nga vừa lần đầu đánh chặn thành công Bom đường kính cỡ nhỏ Phóng từ Mặt đất (GLSDB) Mỹ cung cấp cho Ukraine.

Trong tuyên bố hôm 28/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, chỉ trong một ngày, lực lượng phòng không nước này tại Ukraine đã đánh chặn thành công 18 quả đạn rocket của hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS và lần đầu bắn hạ GLSDB của Ukraine.

"Các hệ thống phòng không của chúng tôi tiếp tục lập công khi đánh chặn thành công tới 18 quả đạn của hệ thống HIMARS và lần đầu bắn rơi một quả GLSDB khi chúng được Ukraine sử dụng tấn công vào lực lượng Nga", tuyên bố cho biết.

Vũ khí đánh chặn được xác định là tổ hợp tên lửa Tor-M2.

Trong khi đó bom GLSDB của Ukraine bị đánh chặn nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 2,2 tỷ USD Mỹ dành cho Kiev hồi đầu tháng 2/2023.

Khi quyết định chuyển GLSDB cho Ukraine, giới lãnh đạo Mỹ kỳ vọng chúng sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng tấn công tầm xa của Kiev nhằm vào lực lượng Nga trong xung đột.

Bom GLSDB là sự kết hợp giữa Bom đường kính cỡ nhỏ GBU-39 và động cơ tên lửa M26. Động cơ tên lửa М26 có giá thành rẻ, sản xuất bom GBU-39 tốn khoảng 40.000 USD, do đó GLSDB là một loại vũ khí rẻ tiền.

GLSDB được dẫn đường và định vị bằng GPS, có khả năng kháng nhiễu điện tử, sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết và có thể tấn công các mục tiêu như công sự, trung tâm chỉ huy, tăng thiết giáp của đối phương.

Đáng chú ý, bom GLSDB có thể được phóng từ dàn phóng M142 HIMARS mà Mỹ và một số nước thành viên NATO đã cung cấp cho Ukraine. GLSDB không phải là vũ khí tầm xa duy nhất mà Ukraine muốn được nhận.

Kiev từ lâu đã yêu cầu chính quyền Mỹ cung cấp tên lửa Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn 300 km. Nhưng chính phủ Mỹ không muốn cung cấp ATACMS vì lo ngại rằng nó sẽ làm leo thang xung đột.

GLSDB có đường kính thân đạn 155mm, sau khi quả đạn được bắn ra, động cơ tên lửa được kích hoạt và quả đạn được tên lửa đẩy tiếp tục bay lên trên; tên lửa sau khi cháy hết nhiên liệu sẽ tự động tách khỏi quả đạn, lúc này cánh trên thân đạn mở ra, tiếp tục kéo dài thời gian ở trên không bằng cách lượn tới mục tiêu, do đó tầm bắn được tăng lên tới 160km.

Khoảng cách này lớn gấp đôi tầm bắn 80 km của đạn tên lửa M142 HIMARS. Do đó, GLSDB được cho là sẽ giúp Ukraine tạo ra nhiều bước đột phá và giành được lợi thế trên chiến trường.

Việc Ukraine sử dụng GLSDB sẽ đặt tất cả các tuyến tiếp vận của Nga tại vùng Donbass, Zaporizhzhia và Kherson cũng như phía Bắc Bán đảo Crimea trong tầm bắn. Do đó, lực lượng Nga sẽ phải di chuyển các kho dự trữ đạn dược và nhiên liệu về phía sau, sâu bên trong lãnh thổ Nga để đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, ngay khi Mỹ quyết định chuyển GLSDB cho Ukraine, Đại tá Andrey Marochko thuộc lực lượng phòng thủ Nga khẳng định rằng, vũ khí này có vận tốc chậm và không ứng dụng công nghệ tàng hình nên sẽ nhanh chóng bị lực lượng chúng tôi đánh chặn.

"Tốc độ bay của GLSDB chỉ tương đương loại UAV tự sát và thấp hơn nhiều so với loại tên lửa của HIMSARS mà Ukraine hiện đang nhận được.

Do đó, các hệ thống phòng không của chúng tôi như Tor-M2 hoặc Pantsir sẽ có nhiều thời gian hơn để nhắm mục tiêu và tấn công chúng", ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại