NATO đông tiến, tên lửa hạt nhân Nga tới châu Âu tính bằng giây

Nguyễn Ngọc |

Đáp trả Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga tuyên bố triển khai tên lửa hạt nhân sang Belarus, thời gian bay tới châu Âu chỉ tính bằng giây.

NATO thêm thành viên, cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine

Vừa qua, Vương quốc Anh đã tuyên bố sẽ cấp cùng với các lô xe tăng Challenger 2 cho Ukraine các loại đạn pháo xe tăng xuyên giáp có đầu đạn chứa uranium nghèo. Loại đạn pháo cho xe tăng này cũng có thể dùng trên các xe tăng khác của khối NATO.

Theo giới chuyên gia quân sự của Nga lẫn NATO, việc phương Tây cho phép Kiev sử dụng đạn uranium nghèo trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ đe dọa sức khỏe của dân thường, bởi nó sẽ làm nhiễm xạ ở khu vực này và bùng phát bệnh ung thư.

Đạn chứa uranium nghèo có nguy cơ biến khu vực xung đột thành vùng chết chóc con người không thể ở được do những hậu quả tàn khốc đối với cư dân và lãnh thổ. Đạn uranium sẽ ngăn cản cư dân trở lại vùng đất này, gián tiếp biến nó thành lãnh thổ trung lập, thành một “vùng đất chết”.

Trong bối cảnh đó, NATO đã bật đèn xanh chấp thuận việc kết nạp Phần Lan làm thành viên của khối, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cuối cùng đã sẵn sàng phê chuẩn đơn của Helsinki.

Mặc dù đơn của Thụy Điển vẫn chưa được phê duyệt, nhưng có lẽ việc quốc gia Bắc Âu này được chấp thuận gia nhập NATO cũng chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Phần Lan tuyên bố rằng, khi gia nhập NATO ở cấp độ chính trị thì Helsinki phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, thế nhưng tình hình có thể thay đổi rất nhanh, một khi đã vào khối, Phần Lan sẽ không thể cưỡng lại ý chí chính trị của Mỹ.

NATO đẩy mạnh “Đông tiến”, áp sát tứ bề biên giới nước Nga

Theo giới chuyên gia quân sự Nga, chiến lược “Đông tiến” của NATO đã uy hiếp nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Nga. NATO mở rộng lãnh thổ quốc phòng của mình từ nam chí bắc, từ tây sang đông, dần dần siết chặt vòng vây quanh biên giới nước Nga.

Đến thời điểm hiện tại chỉ còn khu vực bắc, đông bắc và phía đông của Nga là còn yên ổn, còn khu vực tây bắc, tây và nam Nga đều tiềm ẩn những nguy cơ nghiêm trọng.

Trước đây, đã có những cuộc bàn luận về việc Hoa Kỳ có thể triển khai vũ khí hạt nhân ở Romania, còn Ba Lan cũng không phản đối việc bố trí các loại vũ khí này trên lãnh thổ nước mình. Thế nên, việc Phần Lan và Thụy Điển sắp gia nhập NATO tiếp tục làm thay đổi nghiêm trọng bối cảnh chiến lược quân sự và tác chiến quân sự.

Mà bất kể việc vũ khí hạt nhân của Mỹ có được triển khai trên lãnh thổ các tân thành viên phương bắc của NATO hay không, cả Thụy Điển và Phần Lan vẫn sẽ tham dự hệ thống lập kế hoạch quân sự của khối này, bao gồm cả việc tham gia công việc của Ủy ban Kế hoạch Hạt nhân NATO.

Giới chuyên gia Nga nhận định rằng, nếu trước đây bản đồ lãnh thổ của NATO chỉ có sườn đông-nam thì nay còn thêm cả sườn phía bắc-đông bắc. Điều này làm tương quan cục diện thay đổi hoàn toàn. Tương ứng, Nga cũng phải thay đổi kế hoạch quân sự của mình, để phản ứng với điều kiện mới này.

Nga triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus để đáp trả

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/3 tuyên bố ông và người đồng cấp Belarus Alexandr Lukashenko đã nhất trí về việc Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở trên lãnh thổ quốc gia láng giềng thân thiết.

Điều này cũng tương tự việc Mỹ cất trữ và triển khai vũ khí hạt nhân ở các quốc gia đồng minh châu Âu như Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ…

Giới chuyên gia cho rằng, động thái gây sốc của Nga sẽ thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực theo hướng cân bằng hơn và là một kiểu phản ứng bắt buộc đối với việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

Theo kế hoạch này, Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng một cơ sở lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus vào ngày 01/7 năm nay.

Moscow và Minsk đã đồng ý rằng, điều này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế và ban hành quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Ngoài việc đối phó với sự bành trướng của NATO, việc Nga đưa tên lửa hạt nhân sang quốc gia đồng minh cũng là nhằm đáp trả việc Anh cung cấp đạn có chứa uranium nghèo cho Ukraine. Tổng thống Nga Putin trước đó cho biết, nếu phương Tây tập thể bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân thì Moscow sẽ buộc phải có phản ứng thích hợp.

Đồng thời, ông Putin lưu ý rằng, chính quyền Minsk từ lâu đã yêu cầu Nga đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình và Moscow đang làm đúng những gì Mỹ đã làm trong nhiều thập kỷ là cất trữ vũ khí hạt nhân của mình ở các căn cứ châu Âu và lắp đặt chúng trên máy bay của Mỹ và đồng minh.

Iskander Nga đặt ở Belarus thay đổi kế hoạch của NATO

Theo giới chuyên gia, giờ đây các nước NATO sẽ phải tính đến trường hợp xảy ra đụng độ hạt nhân với Moscow, các vũ khí Nga ở Belarus cũng sẽ tham chiến. Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Nga ở Belarus sẽ thay đổi các kế hoạch tác chiến và phương án đánh chặn của các nước NATO. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Toàn bộ sự bố trí binh lực và phương án tác chiến đang thay đổi. Giờ đây, NATO cần xem xét không chỉ khả năng quân sự của Nga, mà còn phải tính đến cả tiềm lực quân sự kết hợp, hậu cần phối hợp của Nga và Belarus.

Thứ hai: Khi vũ khí hạt nhân được cất giữ trên lãnh thổ khác nhau, thì phạm vi tấn công và thời gian bay sẽ khác nhau. Trong trường hợp tên lửa được phóng từ lãnh thổ Belarus thì bán kính tấn công sẽ xa hơn, thời gian bay tới mục tiêu cũng sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Được biết, phiên bản tên lửa đạn đạo tầm ngắn (hoặc tầm trung) Iskander-M (phiên bản dành riêng cho Quân đội Nga) có vận tốc lên tới 7500km/h, tầm bắn 500 -750km, với đầu đạn nặng tối đa 700 kg.

Ở phiên bản Iskander-K, tổ hợp được trang bị hai tên lửa hành trình tầm xa 3M-14, cho phép tiêu diệt không chỉ những cơ sở hạ tầng trên mặt đất của đối phương mà còn cả những mục tiêu trên biển ở cự ly tới 2.500 km.

Ví dụ như với vận tốc siêu thanh của mình, một tên lửa phóng từ tổ hợp Iskander đặt ở Nizhnie Zhary, vùng Gomel ở phía nam Belarus phóng tới thủ đô Kiev của Ukraine (cách biên giới Belarus hơn 90km) mất khoảng hơn 50 giây; một tên lửa phóng từ Brest ở phía tây nam sẽ mất chưa đầy một phút rưỡi để bay tới thủ đô Warszawa của Ba Lan (cách biên giới Belarus khoảng 185km), một tên lửa phóng từ phía tây tấn công vào thủ đô Vilnius của Litva (cách biên giới Belarus khoảng 30km) khoảng 15 giây, một tên lửa phóng từ phía bắc mất khoảng 1 phút 40 giây để đánh vào thủ đô Riga của Latvia (cách biên giới Belarus hơn 210km).

Như vậy, các tổ hợp Iskander đặt ở Belarus đã mở rộng rất nhiều phạm vi tấn công của tên lửa, rút ngắn cực đại quãng đường và thời gian bay tới mục tiêu. Với thời gian bay của tên lửa chưa đầy 2 phút, các hệ thống phòng thủ tên lửa chưa chắc đã đủ thời gian phát hiện mục tiêu chứ đừng nói là phóng tên lửa đánh chặn.

Rõ ràng là việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới lãnh thổ quốc gia đồng minh đã tạo ra sự uy hiếp rất lớn đối với các quốc gia NATO ở châu Âu, nhất là các quốc gia ở gần như Ba Lan, Đức, đặc biệt là các nước không có hoặc có hệ thống phòng thủ tên lửa yếu như các quốc gia Baltic.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại