Vết sẹo trên tay và lời cầu cứu không thể nói thành lời của những đứa trẻ: Con đau lắm!

Tiểu Lam |

Nếu cha mẹ vô tình nhìn thấy những vết thương trên tay con, đừng vội bỏ qua vì có thể bạn đã bỏ lỡ lời cầu cứu của con trẻ.

Năm 2020 một bài đăng trên NetEase, Trung Quốc đã thu hút được rất nhiều bình luận của cộng đồng mạng.

Theo đó, nội dung bài đăng chỉ ngắn gọn trong 3 dòng nhưng lại chạm đến trái tim của rất nhiều người. Tạm dịch nội dung của bài đăng như sau:

“Tối hôm qua lúc đi tắm, tôi quên mang khăn, vì vậy đã nhờ mẹ lấy giúp tôi một cái. Lúc đó, tôi vô tình đưa tay trái ra để nhận khăn, sau khi ngây người một lúc thì vội vàng đổi sang tay phải để nhận khăn. Thật hy vọng các bạn sẽ không hiểu được ý nghĩa của hành động này!”

Vết sẹo trên tay và lời cầu cứu không thể nói thành lời của những đứa trẻ: Con đau lắm! - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đọc qua chắc chắn nhiều người sẽ cảm thấy tình huống đơn giản này có gì đặc biệt mà lại thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng đến vậy. Tuy nhiên, câu chuyện sau đó lại ẩn chứa những góc khuất không phải người làm cha làm mẹ nào cũng biết đến. Hành động “vội vàng đổi sang tay phải để nhận khăn” của cô gái trên mục đích là để che giấu đi những vết sẹo cũ chi chít trên cổ tay do từng bị rạch của mình.

Hành động rạch tay và những hiểu lầm của cha mẹ

Hành động tự gây thương tích cho bản thân như rạch tay, cào cấu, thậm chí là thiêu đốt da thịt của những đứa trẻ từng bị người lớn đánh đồng là đua đòi theo trào lưu thực chất là một biểu hiện của bệnh tâm lý. Các chuyên gia tâm lý đầu ngành và tổ chức y tế thế giới (WHO) đã nhận định những hành động làm tổn thương bản thân về mặt thể chất để giải tỏa cảm xúc là hội chứng tự hại (Self-harm).

Vết sẹo trên tay và lời cầu cứu không thể nói thành lời của những đứa trẻ: Con đau lắm! - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Theo thống kê, hành động tự hại này thường dễ gặp ở trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên, đặc biệt nhiều nhất là khoảng độ tuổi 12 - 15 tuổi.

Trong cuộc sống, có không ít những đứa trẻ không thể gồng gánh được những cảm xúc tiêu cực và nỗi đau về mặt tinh thần sẽ lựa chọn tự gây tổn thương cho chính mình để bộc lộ cảm xúc.

Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người cho rằng đây là hành động xốc nổi của con trẻ. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn lớn tiếng mắng chửi con cái vì có hành động dại dột và cho rằng trẻ con thì lấy đâu ra cảm xúc tiêu cực?

Nguyên nhân khiến con trẻ lựa chọn tự hại

Theo chia sẻ của những người từng mắc hội chứng tự hại chia sẻ, đa phần việc lựa chọn tự hại của họ khi ở độ tuổi vị thành niên là để bộc lộ những cảm xúc không thể nói bằng lời hoặc giải phóng những nỗi đau tinh thần. Bên cạnh đó có một số người cho rằng đây là hành động tự trừng phạt bản thân và là hậu quả của bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu…

Vết sẹo trên tay và lời cầu cứu không thể nói thành lời của những đứa trẻ: Con đau lắm! - Ảnh 6.

Ảnh minh họa

Khi còn ở độ tuổi vị thành niên, nhận thức và sức khỏe tinh thần của con trẻ vẫn chưa phát triển toàn diện và vững vàng. Chính vì vậy, đôi khi chỉ vì những lời mắng chửi của cha mẹ vì con không được danh hiệu học sinh giỏi, hay việc gia đình không yên ấm hoặc những hành động rất nhỏ của người xung quanh cũng có thể đem đến những cảm giác tự trách và cảm xúc tiêu cực cho con cái.

Cộng thêm sự thiếu quan tâm từ cha mẹ và việc các em không thể nói lên những vấn đề mà mình đang gặp phải. Từ đó dẫn tới nhiều hành động tự gây hại cho bản thân, thậm chí còn có những hành động tiêu cực bộc phát dẫn đến tự tử giống như vụ việc của nam sinh lớp 6 nhảy từ tầng 22 của chưng cư Goldmark City mới đây.

Làm thế nào khi con gặp vấn đề tâm lý

Đầu tiên, cha mẹ cần phải hiểu ra rằng, mỗi một độ tuổi, mỗi người lại có những áp lực vô hình riêng. Từ đó có một cái nhìn công bằng và không áp đặt những suy nghĩ cá nhân như “trẻ con thì có áp lực gì”, “trẻ con thì hiểu gì”... lên con trẻ.

Từ đó, để ý và quan tâm đến sức khỏe tinh thần của các con nhiều hơn. Và đặc biệt cần định hướng và dạy cho con biết cách quý trọng cơ thể mình.

Khi phát hiện những đứa trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý thì tốt nhất cha mẹ nên cho con đi khám và có phương án điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ tâm lý.

Những hành động tự gây hại cho bản thân là một lời cầu cứu không thể nói thành lời. Mong rằng bố mẹ đừng bỏ qua những chi tiết nhỏ này!

Lời nhắn nhủ đến những người bạn đã, đang và chuẩn bị tìm đến tự hại!

Tự hại chỉ là biện pháp tạm thời để giải tỏa cảm xúc nhất thời, điều này giống như việc bạn có 1 vết thương cần phải khâu lại nhưng bạn chỉ dán tạm một miếng băng vết thương. Vấn đề của bạn vẫn mãi ở đó, không thể giải quyết, vết thương tâm lý ngày một sâu khiến một ngày nào đó các bạn không thể gượng dậy được.

Vì vậy, hãy học cách chia sẻ và trân trọng bản thân hơn, vì các bạn xứng đáng được yêu thương!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại