Chiều 2/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Đắk Nông có báo cáo nhanh liên quan đến tình hình mưa lụt trên địa bàn. Theo thống kê sơ bộ, tính đến 11 giờ ngày 2/8, mưa lũ đã làm ngập, ảnh hưởng 159 căn nhà, ngập úng khoảng 359 ha cây trồng các loại; khoảng 150 ha ao nuôi thủy sản của người dân bị ngập, tràn bờ; di dời 79 hộ dân tại những khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở.
Các vết nứt ở xã Quảng Trực tiếp tục lan rộng
Hiện tình hình mưa ngập, sụt lún, sạt lở đất ở địa phương này vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm nhiều vị trí sạt lở đe dọa đến đời sống của người dân.
Cụ thể, hiện tượng nứt gãy, sạt lở đất tại khu vực bon (buôn) Bu Krắc (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) tiếp tục nứt rộng hơn và xuất hiện 1 số vết nứt mới. Đến sáng nay, các vết nứt kéo dài khoảng 1,5km (kéo dài đến phía dưới đập Đắk Ké).
Hiện chính quyền địa phương đã phối hợp lực lượng công an, quân đội,… di dời 45 hộ/145 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời tiếp tục vận động thêm 10 hộ/44 nhân khẩu Bu Prăng (phía dưới đập).
Chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan khảo sát vị trí xuất hiện các vết nứt nguy hiểm
Trước đó, khoảng 23h ngày 31/7 và 1h sáng 1/8, trên địa bàn Bon Bu Krắc (xã Quảng Trực) bất ngờ xuất hiện 2 tiếng nổ lớn từ lòng đất. Đến sáng 1/8, người dân phát hiện đất bị nứt gãy nên báo chính quyền. Theo ghi nhận, các vết nứt có chiều dài khoảng 200m, đe dọa đến đời sống của 17 hộ với 53 nhân khẩu nên cơ quan chức năng đã tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Trước diễn biến phức tạp trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.
Một địa phương khác ở tỉnh Đắk Nông cũng xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng đó là Đắk Song. Theo Chủ tịch UBND huyện này, mưa lớn kéo dài làm sạt lở đất, sụt lún tại một số khu vực. Trong đó, có khu vực đồi thôn 8 (xã Trường Xuân) xuất hiện một vết nứt đất dài khoảng 300m, đã làm sạt trượt đất đá xuống khu vực phía sau nhà dân.