Venezuela: "Trong đối đầu, ngoài chi phối" và 3 lí do cản trở Mỹ can thiệp quân sự giúp ông Guaido

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tình hình ở Venezuela hiện tại không chỉ là cuộc đấu tranh quyền lực giữa phe ủng hộ ông Maduro và phái hậu thuẫn ông Guaido mà còn là sự đương đầu giữa các nước lớn trên thế giới.

Tương quan lực lượng tại Venezuela

Venezuela hiện đã trở thành câu đố chưa có lời giải về chính trị thế giới. Tổng thống nước này Nicolas Maduro đã bác bỏ tối hậu thư của EU. Tổng thống Mỹ Donald Trump doạ sẽ can thiệp quân sự vào Venezuela để lật đổ ông Maduro.

Trung Quốc và Nga vẫn đứng về phía ông Maduro. Tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaido không giấu giếm vai trò của Mỹ, Canada, Brazil, Columbia và một vài nước khác trong việc giúp mình công khai thách thức quyền lực của ông Maduro.

Cho nên không có gì là khó hiểu khi ông Guaido tin tưởng vào sự hậu thuẫn của Mỹ, EU và một số nước khác đến mức tính đến cả kịch bản các nước này sẽ can thiệp quân sự vào Venezuela để lật đổ ông Maduro và đưa mình lên cầm quyền.

Điều hiện có thể chắc chắn được là nếu không có sự hậu thuẫn từ bên ngoài này thì ông Guaido đã không thể và không dám hành động và ứng xử như trong những ngày vừa qua ở Venezuela.

Venezuela: Trong đối đầu, ngoài chi phối và 3 lí do cản trở Mỹ can thiệp quân sự giúp ông Guaido - Ảnh 1.

Ông Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời Venezuela ngày 23/1/2019. Ảnh: Reuters

Ở Venezuela hiện tại có cuộc đấu tranh quyền lực không khoan nhượng giữa phe ủng hộ ông Maduro và phái hậu thuẫn ông Guaido nhưng thực chất còn là cuộc đấu giữa những đối tác bên ngoài có lợi ích chiến lược ở Venezuela.

Giới quân sự ở Venezuela hiện vẫn đóng vai trò rất quyết định và chính vì thế trở thành đối tượng được các đối tác bên ngoài tranh thủ và tác động, chi phối và cả gây áp lực.

Một khi ở Venezuela đã loạn đến mức như hiện tại thì các phe phái ở bên trong Venezuela không còn có thể tự giải quyết chuyện được với nhau nữa. Trong khi ông Guaido dựa cậy chủ yếu vào bên ngoài để một mất một còn với ông Maduro thì ông Maduro phải khôn khéo để bên ngoài không có lý do tiến hành can thiệp quân sự vào Venezuela giúp ông Guaido.

Giới quân sự Venezuela đã bắt đầu có những biểu hiện phân rẽ nội bộ, nhưng sẽ nhìn thái độ và hành động của các đối tác bên ngoài để quyết định cuối cùng sẽ đứng về phía nào. Trong bối cảnh tình hình như thế, bên nào ở Venezuela hiện huy động được đông đảo dân chúng nhất thể hiện sự ủng hộ phe mình thì cuối cùng sẽ thắng.

Nga và Trung Quốc đều có lợi ích chiến lược thiết thực hiện tại cũng như lâu dài ở Venezuela. Không có quốc gia nào trên thế giới có trữ lượng dầu mỏ dồi dào như Venezuela. Theo số liệu không chính thức, Nga đã đầu tư 17 tỷ USD vào ngành công nghiệp dầu lửa ở Venezuela và Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp khoảng 70 tỷ USD vào nước này.

Venezuela lại còn về địa lý ở nơi được coi là "sân sau" của Mỹ. Cho nên hai nước này cần ổn định chứ không phải biến động ở Venezuela, muốn có chính thể thân thiết với họ chứ không theo Mỹ ở Venezuela.

Venezuela: Trong đối đầu, ngoài chi phối và 3 lí do cản trở Mỹ can thiệp quân sự giúp ông Guaido - Ảnh 2.

Ông Maduro phải khôn khéo để bên ngoài không có lý do tiến hành can thiệp quân sự vào Venezuela giúp ông Guaido. Ảnh: Bloomberg

Họ không thể hậu thuẫn ông Guaido không phải hoàn toàn vì người này là đối thủ chính trị của ông Maduro mà trước hết vì người này đã tự để cho Mỹ và EU cùng các đồng minh khác sử dụng làm con bài phục vụ cho lợi ích của họ ở Venezuela.

Ông Guaido dường như đã nhận ra và ý thức được về điểm yếu ấy nên đã chủ động có phát biểu ngỏ ý tranh thủ và xoa dịu Trung Quốc và Nga.

Cho dù công khai thể hiện đứng hẳn về phía ông Maduro, Nga và Trung Quốc cũng sẽ không dùng quân sự để ủng hộ ông Maduro trong trường hợp Mỹ và một vài đồng minh can thiệp quân sự vào Venezuela để giúp ông Guaido lên nắm quyền.

Lí do Mỹ chưa "ra tay"

Ông Trump vốn không ưa ông Maduro và coi hiện tại có cơ hội để lật đổ ông Maduro. Đối với người này, không phải vì muốn đưa ông Guaido lên nắm quyền nên chủ ý lật đổ ông Maduro mà vì muốn lật đổ ông Maduro nên sử dụng ông Guaido.

Phía Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm cô lập và trừng phạt ông Maduro nhưng ông Trump ý thức được rằng chỉ những biện pháp ấy thôi thì không thể lật đổ được ông Maduro chừng nào giới quân sự ở Venezuela chưa đóng vai trò "lập vua" và chuyển sang hậu thuẫn ông Guaido.

Venezuela: Trong đối đầu, ngoài chi phối và 3 lí do cản trở Mỹ can thiệp quân sự giúp ông Guaido - Ảnh 3.

Cũng không phải vì ngại Nga và Trung Quốc mà Mỹ chưa sẵn sàng tiến hành can thiệp quân sự vào Venezuela. Mà vì những nguyên do sau đây.

Thứ nhất, cục diện chính trị ở Venezuela chưa thật rõ ràng và tương quan lực lượng chưa thật sự có lợi cho ông Guaido và chưa hoàn toàn bất lợi cho ông Maduro.

Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ và đồng minh chưa chi phối và thao túng được giới quân sự ở Venezuela.

Thứ hai, can thiệp quân sự vào Venezuela trái ngược với quan điểm "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump. Dựa cậy vào tác động dân tuý của khẩu hiệu này mà hành xử lại trái ngược tinh thần và nội hàm của nó thì sẽ lợi bất cập hại đối với ông Trump.

Thứ ba, Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela sẽ kích hoạt làn sóng phản đối Mỹ trên khắp thế giới và khơi dậy bầu không khí chống Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh. Khi ấy, sân sau này của Mỹ sẽ còn loạn hơn và như thế chẳng thể có lợi cho Mỹ. Venezuela không như Grenada hay Panama đối với Mỹ.

Venezuela sẽ còn tiếp tục trong chưa thể yên, ngoài chưa thể ổn thêm một thời gian nữa.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại