Venezuela thành "đòn bẩy béo bở": Mỹ trả giá đúng, TT Putin sẽ ngưng ủng hộ ông Maduro?

Hải Võ |

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng cấp Mỹ Mike Pompeo đang hướng tới cuộc gặp nóng bỏng vào tuần này tại Phần Lan, xoay quanh cuộc khủng hoảng Venezuela và nhiều vấn đề khác.

Hạ nghị sĩ Mỹ nói tên lửa hạt nhân Nga đã ở Venezuela

Hồi tuần trước, chính quyền tổng thống Venezuela Nicolas Maduro - được Nga ủng hộ - tuyên bố đánh bại âm mưu đảo chính do thủ lĩnh đối lập Juan Guaido phát động. Chính phủ tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định họ dành sự ủng hộ toàn diện cho Guaido.

Khi cuộc binh biến đang diễn ra hôm 30/4, ngoại trưởng Pompeo bất ngờ lên tiếng rằng ông Maduro đã sẵn sàng lên máy bay để chạy sang Cuba, nhưng đã bị phía Nga khuyên ngăn và thuyết phục ông ở lại. Cả ông Maduro và Moskva cùng bác bỏ thông tin này. Ông Lavrov cũng tỏ thái độ bất mãn với các đồng sự phía Mỹ trong cuộc điện đàm với Pompeo ngày 1/5.

Ngày 3/5, tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với đồng cấp Nga Vladimir Putin, trong đó ông chủ Nhà Trắng nêu quan ngại của Mỹ về "vai trò quấy rối" của Moskva tại Venezuela, đồng thời nhấn mạnh Washington quyết tâm bảo đảm đất nước Nam Mỹ trở lại với quỹ đạo dân chủ.

Tuy nhiên, báo Moscow Times mô tả, ông Trump nhanh chóng đánh mất lập trường trong cuộc trao đổi cá nhân với lãnh đạo Nga và cho phép cuộc thảo luận rẽ theo chủ đề "mềm hơn" về viện trợ nhân đạo.

Ông Putin cho biết Nga không hài lòng với sự can thiệp của Mỹ tại Venezuela, cũng như thuyết phục ông Trump rằng Moskva "hoàn toàn không tìm cách dính líu vào Venezuela".

Venezuela thành đòn bẩy béo bở: Mỹ trả giá đúng, TT Putin sẽ ngưng ủng hộ ông Maduro? - Ảnh 1.

Thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido được giới chức chính phủ Mỹ tuyên bố ủng hộ toàn diện (Ảnh: AP)

Mâu thuẫn địa chính trị về Venezuela lúc này đang đe dọa làm đổ vỡ những kênh hợp tác ít ỏi còn lại giữa Nga-Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton ngày 1/5 tuyên bố đanh thép: "Phía bên này là bán cầu của chúng tôi. Đây không phải nơi mà Nga nên can thiệp."

Ba tuần trước, luận điểm cứng rắn tương tự được bà Fiona Hill đưa ra trong chuyến công du bí mật tới Moskva. Bà Hill là giám đốc cấp cao của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) phụ trách khu vực châu Âu, Nga và Âu-Á.

Hill nhấn mạnh với Kremlin về ưu tiên của Mỹ trong vấn đề Venezuela, rằng Nhà Trắng xem đây như vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ song phương, bởi tình hình ở quốc gia này sẽ tác động trực tiếp đến chính trường Mỹ cũng như diễn biến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 tại Florida - một "bang chiến trường" có ý nghĩa rất quan trọng với cả đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Hôm 30/4, hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Mario Diaz-Balart tham gia phỏng vấn trên kênh Fox News, ám chỉ Nga các tên lửa hạt nhân của Nga đã xuất hiện tại Venezuela.

"Lần gần đây nhất mà Mỹ tiến sát đến chiến tranh hạt nhân là bởi người Nga đã đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba," ông Balart nói. "Điều tôi ngụ ý là chúng (tên lửa hạt nhân Nga) đã ở đó (Venezuela) rồi."

Nghị sĩ Mỹ không cung cấp bằng chứng nào về đánh giá của mình, song việc một máy bay ném bom hạt nhân Nga hạ cánh vào cuối năm ngoái cùng việc triển khai cố vấn quân sự Nga gần đây ở Venezuela đã làm dấy lên nhiều nghi vấn và cáo buộc từ phía Mỹ rằng Nga "can thiệp quân sự" tại đây.

Venezuela - "Đòn bẩy" để Nga trao đổi vấn đề Ukraine?

Nhà phân tích Vladimir Frolov (Nga) nhận định, trên cơ sở lợi ích của Mỹ về Venezuela, Moskva xác định rằng họ có thể tìm ra "đòn bẩy" để buộc Mỹ nhượng bộ, ví dụ như Ukraine.

Theo ông, Nga tin rằng khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela là thấp, bởi chính quyền Trump không muốn bị sa lầy trong một cuộc chiến không được chào đón khác. Dù việc giới chức cấp cao Mỹ đồng loạt ra mặt ủng hộ phe đối lập Venezuela phần nào đẩy Mỹ vào thế "đâm lao phải theo lao", song Moskva vẫn khá chắc chắn vào đòn bẩy ảnh hưởng của mình tại đây.

Venezuela thành đòn bẩy béo bở: Mỹ trả giá đúng, TT Putin sẽ ngưng ủng hộ ông Maduro? - Ảnh 2.

Các binh sĩ quân đội Venezuela trung thành với tổng thống Nicolas Maduro trấn giữ bên trong căn cứ không quân La Carlota, Caracas, Venezuela, ngày 30/4/2019 (Ảnh: AP)

Sự hậu thuẫn của Nga đối với chính quyền Maduro được thúc đẩy bởi lợi ích tài chính và năng lượng, bên cạnh tầm nhìn của Moskva về trật tự thế giới đa cực - mà Nga cần ngăn chặn những ý đồ làm thay đổi chính quyền ở những nhà nước có quan hệ hữu nghị với Nga.

Hàm ý trong tuyên bố của ông John Bolton về vị thế và lợi ích của Mỹ tại Mỹ Latinh khiến Nga tin là nếu ứng xử trên cơ sở bình đẳng thì Nga cần được công nhận quyền lợi và ảnh hưởng tại Ukraine cũng như các khu vực "cận biên" khác.

Để đánh đổi thỏa thuận giúp Mỹ bình ổn cuộc khủng hoảng ở Venezuela thông qua hoạch định một cuộc chuyển giao quyền lực theo hiến pháp, Nga sẽ cần Mỹ tiến hành thỏa hiệp tương tự bằng cách gây sức ép buộc chính phủ Ukraine tuân thủ đầy đủ thỏa thuận Minsk 2.0, trong đó hạn chế chủ quyền của Ukraine và cho phép Moskva tác động phần nào lên những chính sách an ninh của Kiev. Đó là điều mà ông Putin đã đề cập cụ thể trong điện đàm với ông Trump. Rút hỗ trợ quân sự Nga tại Venezuela sẽ tương ứng với rút viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine - Frolov phân tích.

Tính đến nay, Moskva không hài lòng khi Mỹ từ chối tiếp cận với giải pháp "trao đổi" cân xứng như vậy thông qua kênh liên lạc song phương cấp cao về Venezuela do Mỹ khởi xướng. Cuộc gặp đầu tiên tại Rome hồi tháng 3 giữa thứ trưởng ngoại giao Nga Ryabkov và đặc phái viên Mỹ về vấn đề Venezuela Elliot Abrams kết thúc mà không có đồng thuận nào, trong khi Mỹ chỉ lặp lại yêu cầu Nga chấm dứt ủng hộ ông Maduro.

Hai ngày sau cuộc gặp trên, hai máy bay quân sự Nga xuất hiện tại Caracas được cho là tín hiệu về lập trường cứng rắn của Moskva nếu Mỹ không cân nhắc thỏa hiệp một cách nghiêm túc.

Hội nghị ngoại trưởng Nga-Mỹ: Cơ hội thỏa hiệp

Frolov bình luận, lòng tin là điều không tồn tại giữa Nga và Mỹ trong lúc này. Không bên nào có thể chắn chắn sẽ đạt được thỏa thuận, hay đối phương sẽ tuân thủ đầy đủ phần của mình.

Cuộc gặp sắp tới tại Phần Lan giữa Lavrov và Pompeo nhiều khả năng sẽ "khó nhằn" giống như chuyến công du Nga của bà Hill, nếu như không bên nào tỏ thái độ sẵn sàng đàm phán. Ngoài ra, không loại trừ những thỏa thuận thực chất chỉ có thể đạt được bằng kênh đối thoại bí mật, hay nhờ một hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin.

Về phần mình, Moskva nhìn nhận vụ binh biến do Juan Guaido kêu gọi hồi tuần qua không phải là dấu hiệu tốt cho hoạt động quản lý đất nước của chính phủ Maduro. Moscow Times nhận xét, quân đội Venezuela - dù tuyên bố trung thành với tổng thống - vẫn duy trì thế trung lập, và các lãnh đạo quân sự đang cân nhắc những lựa chọn.

Thỏa thuận do phe đối lập đưa ra (không chỉ gồm ân xá, mà còn bảo đảm quyền lực của các lãnh đạo quân đội trong chính phủ chuyển tiếp) là điều có thể được cân nhắc nghiêm túc hơn bất kỳ thảo luận nào trước đó. Moskva không đủ khả năng ảnh hưởng đến lực lượng vũ trang tại Venezuela giống như cách họ làm được tại Syria.

"Moskva đã sẵn sàng từ bỏ ông Maduro, nhưng chưa rõ liệu Mỹ đã sẵn sàng trả giá đúng hay chưa?" - Frolov kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại