Venezuela: Bước khởi đầu trắc trở "thai nghén" từ âm mưu đảo chính thất bại của phe đối lập

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Những nước đã công nhận Guaido là Tổng thống lâm thời đã bắt đầu xem xét lại chính sách của mình, trong đó có cả Mỹ vẫn duy trì các kênh đối thoại với chính phủ Venezuela.

Ngày 29/5/2019, tại thủ đô Oslo, dưới sự trung gian hoà giải của chính phủ Na Uy đã diễn ra vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa phái đoàn đại diện chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập của Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido.

Phái đoàn chính phủ do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Jorge Rodriguez dẫn đầu gồm Thống đốc bang Miranda Hector Rodriguez và Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza.

Phái đoàn phe đối lập do Phó chủ tịch thứ hai của Quốc hội Venezuela Stalin Gonzalez dẫn đầu gồm nhà lập pháp Gerardo Blyde, cựu Bộ trưởng Fernando Martinez Mottola và cựu quan chức Uỷ ban bầu cử Vicente Diaz.

Chọn Na Uy làm nơi đàm phán

Na Uy là nước có lịch sử lâu đời trong việc việc ủng hộ các hoạt động hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có Nam Mỹ. Na Uy là đất nước sinh ra Alfred Nobel. Giải thưởng hòa bình theo di chúc của ông và mang tên ông được trao cho những người có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh hoà bình và tình đoàn kết giữa các quốc gia.

Năm 1993, Na Uy đã tổ chức thành công các cuộc đàm phán thành công dẫn đến ký kết Tuyên bố về các nguyên tắc (DOP) giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Mới đây nhất, năm 2016 Oslo là nơi đạt được thoả thuận hoà giải giữa chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia–Fuerzas Armadas Revolucionarias de Colombia (FARC).

Trong khi nhiều quốc gia châu Âu công nhận Juan Guaido là Tổng thống lâm thời của Venezuela, Na Uy giữ thái độ trung lập, chỉ kêu gọi bầu cử tự do và mong muốn làm trung gian hòa giải giữa hai phe.

Ngay sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tại Venezuela, cuối tháng 1/2019, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide đã nói, đất nước của bà "sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào và nếu các bên muốn."

Vì sao phe đối lập chấp nhận đàm phán?

Ngày 21/1/2019, tại Venezuela đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại Tổng thống Nicolas Maduro ngay sau khi ông làm lễ tuyên thệ.

Ngày 23/1/2019, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tự tuyên bố là Tổng thống lâm thời. Nhiều nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ đã tuyên bố công nhận Guaido là Tổng thống lâm thời. Maduro gọi Guaido là bù nhìn của Mỹ. Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt các quốc gia khác ủng hộ ông Maduro là Tổng thống hợp pháp.

John Bolton, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, một trong những nhân vật "diều hâu" hiếu chiến nhất trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump trước đây đã đưa ra nhiều tuyên bố nảy lửa về Venezuela.

Ngày 28/1/2019, trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng về tình hình Venezuela, ông Bolton tuyên bố: "Tôi muốn tập hợp một liên minh lớn nhất để thay thế Maduro và toàn bộ chính quyền của ông" và không biết vô tình hay hữu ý đã để lộ dòng chữ "5.000 quân tới Clombia" trong cuốn sổ ghi chép cá nhân của mình.

Venezuela: Bước khởi đầu trắc trở thai nghén từ âm mưu đảo chính thất bại của phe đối lập - Ảnh 1.

John Bolton, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ. Ảnh: Reuters

Điều này có nghĩa là Washington đã từng có âm mưu tấn công Venezuela lật đổ Tổng thống Maduro.

Ông John Bolton còn phát biểu đe dọa "sẽ đưa Tổng thống Nicolas Maduro đến nhà tù Guantanamo hoặc phải đối mặt với số phận tương tự như nhà lãnh đạo Libya Muammar Qaddafi".

Ông cũng tuyên bố Washington sẽ tiến hành một cuộc can thiệp quân sự vào Venezuela nếu Nicolas Maduro không chịu rút lui và nhường lại chức Tổng thống cho thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido.

Ngày 30/4/2019, phe đối lập ở Venezuela đã mưu toan tiến hành đảo chính. Người đứng đầu Quốc hội Juan Guaido và những người ủng hộ ông đã tập trung tại căn cứ quân sự Carlota ở Caracas. Trước đó, Guaido đã kêu gọi người dân Venezuela và quân đội xuống đường để hoàn thành "Chiến dịch Tự do" nhằm lật đổ Tổng thống Maduro.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tuyên bố các lực lượng vũ trang Venezuela trung thành với chính quyền hợp pháp. Âm mưu đảo chính được Washington ủng hộ thất bại, Tổng thống Maduro ra lệnh điều tra những kẻ dính líu vào vụ này.

Hơn bốn tháng đã trôi qua kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra ở Venezuela, những tuyên bố của Bolton đã đi vào quên lãng.

Lầu Năm Góc đã không thực hiện bất kỳ một kế hoạch quân sự nào cho cuộc tấn công Venezuela. Không có bất kỳ tàu chiến nào của Mỹ được đưa tới vùng biển gần Venezuela và không hề có sự bàn bạc, phối hợp nào với các quốc gia láng giềng chống Maduro trong khu vực như Brazil và Colombia.

Âm mưu lật đổ Tổng thống Maduro thất bại. Ông Maduro bên trong được quân đội trung thành ủng hộ, bên ngoài được Nga, Cuba, Trung Quốc và một số nước khác hỗ trợ, tiếp tục củng cố quyền lực của mình. Trong khi đó, sau âm mưu đảo chính 30/4/2019 thất bại, Guaido đang mất dần sự ủng hộ của cả trong và ngoài nước.

Brazil là quốc gia thù địch nhất với chế độ Maduro đã rút lại sự công nhận đối với đại sứ do Juan Guaido bổ nhiệm. Các tổ chức phi chính phủ ngừng mọi chi phí cho những người lính Venezuela đảo ngũ chạy trốn sang Colombia - vốn được coi là những hạt nhân để thành lập một đội quân vũ trang quay về nước lật đổ chế độ Maduro.

Những nước đã công nhận Guaido là Tổng thống lâm thời đã bắt đầu xem xét lại chính sách của mình, trong đó có cả Mỹ vẫn duy trì các kênh đối thoại với chính phủ Venezuela.

Bước mở đầu

Đến nay vẫn chưa có thông tin nào về nội dung và kết quả của các cuộc đàm phán. Các bên đều đưa ra những tuyên bố hết sức thận trọng.

Phát biểu trên vô tuyến truyền hình sau kết thúc đàm phán, Tổng thống Maduro nói:

"Các cuộc đàm phán tại Oslo đã diễn ra trên tinh thần xây dựng. Tôi muốn một thỏa thuận hòa bình cho Venezuela. Tôi mong Tổ quốc và những người trung thành với Chavez ủng hộ tôi. Phái đoàn chính phủ sẽ thể hiện thiện chí để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Venezuela. Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất (ESP) cầm quyền sẵn sàng cho việc tổ chức sớm các cuộc bầu cử Quốc hội."

Ông Maduro cho hay: "Nếu mọi thứ được thực hiện nghiêm túc, chúng tôi sẽ được sự ủng hộ của người dân và chúng tôi sẽ chiến thắng. Con đường của chúng tôi là đối thoại, tôn trọng Hiến pháp, hoà bình, dân chủ, phát triển và giải quyết các vấn đề."

Trong khi đó, Trung tâm truyền thông của Juan Guaido nói rằng, chính phủ Venezuela và phe đối lập đã không đạt được thỏa thuận nào tại Oslo.

Venezuela: Bước khởi đầu trắc trở thai nghén từ âm mưu đảo chính thất bại của phe đối lập - Ảnh 3.

Tuy vậy, người phát ngôn của phe đối lập khẳng định "hòa giải là hữu ích cho Venezuela và điều đó cho phép chúng tôi tiến tới một giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Chúng tôi rất biết ơn chính phủ Na Uy về thiện chí giúp chấm dứt sự hỗn loạn của Venezuela".

Venezuela là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới với 297 tỷ thùng. Tuy nhiên, Venezuela đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế trầm trọng. Theo Liên hợp quốc, khoảng 30 triệu dân cần giúp đỡ khẩn cấp do thiếu lương thực, thực phẩm cà thuốc men. Hơn 3 triệu người đã phải rời bỏ đất nước. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự váo năm 2019, tỷ lệ lạm phát của Venezuela có thể sẽ lên tới 10 triệu phần trăm.

Các nhà quan sát tỏ ra lạc quan, nhưng hết sức dè dặt về triển vọng của các cuộc đàm phán.

Cuộc khủng hoảng Venezuela hết sức phức tạp, không dễ gì đạt được thoả thuận một sớm một chiều. Đây mới chỉ là bước mở đầu. Tuy chưa đạt được kết quả cụ thể, nhưng kết quả lớn nhất là cả phe đối lập và chính phủ của Tổng thống Maduro đều chấp nhận các cố gắng hoà giải của Na Uy, ngồi lại đàm phán trực tiếp để giải quyết tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết, hai phái đoàn của Guaido và Maduro sẽ quay lại Oslo vào tuần tới và chính phủ Na Uy cam kết tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp bằng đàm phán giữa hai bên ở Venezuela.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại