Vén màn trận đả lôi đài nhớ đời và màn mất tích bí ẩn của võ sĩ “khét” đất Sài Gòn

Tiểu Mã (ghi chép) |

Gặp đúng cao thủ nhà nghề, Cà Na ngay tức khắc bị giáng liền mấy đòn chí mạng, phải té ngửa ra sàn mấy lần, mặt mày bị ăn chỏ sưng vù, mũi rớm máu...

Đất Sài Gòn và các tỉnh lân cận cách đây nhiều thập kỷ từng chứng kiến không ít tay đấm khét tiếng, tạo nên những màn đả lôi đài vang danh giới võ lâm đương thời. Trong đó có Huỳnh Sơn (Cà Na), võ sĩ từng đấu hàng trăm trận, uy danh vang khắp chốn nhưng đột nhiên mất tích đầy bí ẩn. Cho đến nay, tất cả những gì về Huỳnh Sơn chỉ còn là miền ký ức.

Trận tỷ thí nhớ đời của gã du đãng và cơ duyên hội ngộ "đại cao thủ"

Huỳnh Sơn (còn có tên khác là Cà Na) vốn là tay đấm khét tiếng đất Sài Gòn khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước. Nhưng đến nay, chỉ còn một số ít nhân vật trong làng võ miền Nam còn lưu lại những kỷ niệm về Huỳnh Sơn và tận mắt chứng kiến những màn đả lôi đài nổi tiếng của Huỳnh Sơn năm xưa. Trong số đó có võ sư, tiến sĩ Hồ Tường – Chưởng môn phái Tân Khánh Bà Trà.

Trò chuyện với chúng tôi, võ sư, tiến sĩ Hồ Tường hồi tưởng lại những ký ức về Huỳnh Sơn, tay đấm lừng lẫy một thời. Chúng tôi xin được ghi chép lại những thông tin xoay quanh Huỳnh Sơn thông qua lời kể của võ sư Hồ Tường.

Theo võ sư Hồ Tường thì Huỳnh Sơn sinh khoảng những năm 1930. Trước khi nổi danh với tên gọi Huỳnh Sơn, ông có tên khác là Cà Na, một tay anh chị du đãng chỉ nổi tiếng ở vùng chợ Tân Định, (nằm trên đường Hai Bà Trưng, nay thuộc phường Tân Định, vẫn thuộc quận 1, TP.HCM).

Cà Na vốn là đứa con lai Ấn, nhưng cha vô thừa nhận, sống với mẹ buôn tảo bán tần ở chợ Tân Định. Thời đó, xe ngựa thường chở hàng hóa từ Hóc Môn vô đậu sau chợ Tân Định, giới bốc xếp mới tranh nhau vác xuống, trong đó có Cà Na. Nơi xe ngựa đậu gọi là Mã Lộ, nay thành đường Mã Lộ vẫn còn sau chợ Tân Định. Ngày ấy, Cà Na thường xuyên trải qua những màn đánh lộn, cũng chỉ để kiếm miếng cơm qua ngày.

Bản thân làm nghề khuân vác nhưng không đủ kiếm sống, Cà Na bèn đi bắt nạt những phu yếu thế hơn để đòi tiền bảo kê. Cà Na bắt họ phải nộp tiền cho gã hàng tháng trích từ tiền kiếm được, nếu không nộp tiền bảo kê sẽ bị đánh và không được hành nghề ở khu vực chợ Tân Định nữa. Tuy vậy, Cà Na vẫn chẳng đủ ăn tiêu.

Vén màn trận đả lôi đài nhớ đời và màn mất tích bí ẩn của võ sĩ “khét” đất Sài Gòn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa về trận đấu của võ sĩ Huỳnh Sơn (Cà Na).

Bữa nọ, tại một kỳ võ đài (không nhớ cụ thể là tổ chức ở Chợ Lớn, Q5 nay hay Thị Nghè, Bình Thạnh ngày nay), Cà Na trước đó có nghe nói đánh võ đài thắng thua gì cũng có tiền, nên gã đã đăng ký thượng đài.

Mặc dù đã dùng cái liều lĩnh của một tên du đãng để thi đấu, lúc nào cũng nhào vô để... "cố đấm ăn xôi", thế nhưng lần đó, Cà Na đã gặp một đối thủ thuộc loại nhà nghề. Đây có thể nói là trận đấu nhớ đời của Cà Na năm xưa.

Khi bước lên đài tỉ thí, Cà Na với bản tính hiếu thắng đã toán tính tấn công ào ạt hòng đánh phủ đầu để giành chiến thắng một cách mau lẹ. Thế nhưng, vị cao thủ kia với thân pháp điêu luyện đã gạt đỡ, tránh né, hóa giải hầu hết mọi đòn tấn công của Cà Na một cách dễ dàng. Vị cao thủ còn giáng trả lại cho Cà Na mấy đòn chí mạng, khiến cho Cà Na phải té ngửa ra sàn đài mấy lần, mặt mày bị ăn chỏ sưng vù, mũi rớm máu...

Kết quả là Cà Na bị tuyên bố thua điểm. Thất vọng, mệt mỏi, Cà Na ngồi thất thểu bên cạnh mấy đứa đàn em. Đột nhiên, Cà Na được một người đàn ông trung niên đến hỏi thăm: "Em học võ với ai vậy?". Cà Na không suy nghĩ, đã trả lời ngay: "Huỳnh Tiền!".

Người đàn ông trố mắt nhìn Cà Na hỏi lại: "Phải em học với Huỳnh Tiền không?". Cà Na nói chắc nịch: "Võ sư Huỳnh Tiền đã dạy tôi mà"! Sở dĩ nói như vậy bởi vì Cà Na lúc đó nghe nhiều người nói rằng Huỳnh Tiền đấu võ hay lắm, được ca ngợi là một đại cao thủ.

Lúc này, người đàn ông trung niên mới cười và nói: "Em ơi, ta chính là Huỳnh Tiền đây!"... Cà Na mới giật mình ngã ngửa. Cà Na vội xin lỗi bậc tiền bối. Trong lòng Cà Na bỗng vui mừng khôn xiết vì được diện kiến đại cao thủ.

Đó là lần đầu tiên Cà Na nhờ đánh đài gan lì, mặc dù là bại trận và cũng nhờ nói láo mà được võ sư Huỳnh Tiền thu nhận là đệ tử. Cũng chính từ cơ duyên này mà về sau, Huỳnh Tiền đã đào tạo Cà Na trở thành một trong những đệ tử giỏi của ông. Cũng kể từ đây, Cà Na dần nổi danh với tên gọi Huỳnh Sơn.

Cuộc đả lôi đài bất phân thắng bại với cao thủ môn "Võ đả hổ" và màn mất tích đầy bí ẩn

Khoảng thập niên 1960, Huỳnh Sơn là một trong những võ sĩ đấu võ đài nhiều trận nhất tại các tỉnh thành phía Nam, khoảng trên dưới 100 trận, nhờ vậy mà cuộc sống kinh tế của hai mẹ con Huỳnh Sơn đã thay đổi.

Thập niên 60 của thế kỷ trước cũng là giai đoạn mà các trận đấu võ đài được tổ chức rất thường xuyên ở Sài Gòn và những địa phương lân cận. Suốt một thời gian dài, mỗi khi võ đài tổ chức ở đâu, võ sư Huỳnh Tiền luôn dẫn Huỳnh Sơn theo để tỉ thí. Lý do là bởi Huỳnh Sơn vừa đánh tốt vừa lì đòn cho nên thường gặt hái rất nhiều chiến thắng, làm rạng thêm danh cho võ sư Huỳnh Tiền mà một thời người ta gọi là "con hùm xám".

Vén màn trận đả lôi đài nhớ đời và màn mất tích bí ẩn của võ sĩ “khét” đất Sài Gòn - Ảnh 2.

Huỳnh Sơn (Cà Na) là võ sĩ khét tiếng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, từng đấu hàng trăm trận với rất nhiều cao thủ (Ảnh minh họa).

Có một lần Huỳnh Sơn đấu với Từ Khánh (học trò của cố võ sư Hồ Văn Lành, bố võ sư Hồ Tường) tại võ đài Lái Thiêu (nay thuộc thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Nhờ vậy võ sư Hồ Tường mới biết thêm về thân thế của Huỳnh Sơn.

Huỳnh Sơn và Từ Khánh cao ngang nhau, nhưng khác nhau hoàn toàn. Huỳnh Sơn có nước da đen xì (Ấn lai), còn Từ Khánh trắng nhách vì anh này xuất thân là thợ kim hoàn. Cả hai đều cao khoảng 1,70m.

Trận tỉ thí giữa Huỳnh Sơn và Từ Khánh diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Hai bên ăn miếng trả miếng vô cùng căng thẳng. Từ Khánh tuy là thợ kim hoàn nhưng là dân chơi ở Cầu Ông Lãnh (con nhà khá giả, nhưng chơi với du đãng Cầu Ông Lãnh, nay thuộc phường Cầu Ông Lãnh, Q1) nên rất ngang tàng và bản lĩnh.

Trận đấu diễn ra nghẹt thở tới những giây cuối cùng. Sau 3 hiệp đấu, cả 2 võ sĩ Từ Khánh và Huỳnh Sơn đều mồ hôi nhễ nhãi, mắt mày sưng húp do dính nhiều đòn thế của nhau. Cuối cùng, hai bên bất phân thắng bại do trọng tài quyết định xử hòa.

Nói một chút về Từ Khánh thì đây là người từng rước cố võ sư Hồ Văn Lành, khoảng năm 1950, từ Bình Dương xuống dạy võ ở Sài Gòn và mở võ đường Từ Thiện đào tạo học trò đánh đài từ đó. Từ Khánh cũng là võ sĩ rất giỏi của môn phái Tân Khánh Bà Trà, môn phái mà ngày nay được một số người gọi là "Võ đả hổ". Từ Khánh hơn võ sư Hồ Tường mười mấy tuổi (sinh khoảng năm 1937).

Hiện nay Từ Khánh đã ở gần ngưỡng tuổi cửu tuần, đang sống tại khu vực hồ thủy điện Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, có 2 đứa con trai từng đoạt chức vô địch về môn Boxing ở TP.HCM.

Nhưng trận đấu với Từ Khánh năm đó cũng là lần cuối cùng võ sư Hồ Tường được chứng kiến tận mắt Huỳnh Sơn thi đấu. Đến những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 thì Huỳnh Sơn không còn đấu nữa. Có lẽ do bệnh tật vì ăn chơi, nghiện ngập nên Huỳnh Sơn hoàn toàn biến mất khỏi giới võ lâm.

"Không ai còn thấy Huỳnh Sơn tỉ thí võ đài nữa. Mọi thông tin về Huỳnh Sơn đều là một ẩn số" - võ sư Hồ Tường tiếc nuối.

(Bài viết được ghi chép theo lời kể của võ sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường – Chưởng môn phái Tân Khánh Bà Trà).

Vén màn trận đả lôi đài nhớ đời và màn mất tích bí ẩn của võ sĩ “khét” đất Sài Gòn - Ảnh 3.

Võ sư, tiến sĩ Hồ Tường - Chưởng môn phái Tân Khánh Bà Trà là người từng trực tiếp chứng kiến các trận đấu của Huỳnh Sơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại