Vén màn nhân vật đằng sau cú lột xác ngoạn mục: Từ một Dubai ‘khát’ điện, nước và đường nhựa đến thiên đường du lịch hàng đầu thế giới

Thiên Di |

Đế chế bất động sản của ông, bao gồm các trung tâm thương mại, cửa hàng và khách sạn sang trọng, đã biến Dubai thành một trung tâm du lịch toàn cầu.

Năm 1920, khi Majid Al Futtaim ra đời, Dubai là một thị trấn cảng nhỏ ở phía đông Vịnh Ba Tư. Nơi đây có một bến cảng tự nhiên dọc theo một con lạch nước mặn, là nơi ở của những thợ lặn tìm ngọc trai và những kẻ buôn lậu. Dubai khi ấy thiếu nước, thiếu điện và thậm chí là những con đường trải nhựa.

Năm 2021, khi Majid Al Futtaim qua đời, Dubai là nơi sinh sống của gần 4 triệu người và tiếp đón 16,6 triệu người đến mỗi năm. Tiểu vương quốc Dubai thu hút khách du lịch đến với các địa điểm tham quan như toà nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa, một chuỗi cửa hàng xa xỉ trải dài như bất tận và các trung tâm mua sắm như Mall of the Emirates với dốc trượt tuyết trong nhà.

Dubai phát triển được như ngày nay phần nhiều là nhờ có các trung tâm thương mại và nhiều điểm tham quan khác. Và người đứng sau thành quả đó chính là Futtaim. Vị tỷ phú quá cố là người có đế chế bất động sản và chuỗi bán lẻ khổng lồ. Khối tài sản hàng tỷ đô biến ông trở thành doanh nhân giàu có nhất Dubai và là một trong những tỷ phú giàu có nhất ở các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Một phát ngôn viên công ty của ông Futtaim đã thông báo rằng ông qua đời ngày 17/12/2021, nhưng từ chối tiết lộ vị trí hiện tại hoặc nguyên nhân cái chết.

Năm 1992, ông Futtaim thành lập công ty của riêng mình và mở trung tâm mua sắm đầu tiên - City Centre Deira - vào năm 1995. Ông mang trải nghiệm mua sắm theo phong cách phương Tây đến Vịnh Ba Tư, tạo thành khu phức hợp kết hợp mua sắm với ăn uống, nghỉ ngơi và giải trí. Một thập kỷ sau, Futtaim mở Mall of the Emirates trong thời kỳ đỉnh cao của sự bùng nổ kinh tế tại vùng vịnh.

Vén màn nhân vật đằng sau cú lột xác ngoạn mục: Từ một Dubai ‘khát’ điện, nước và đường nhựa đến thiên đường du lịch hàng đầu thế giới - Ảnh 1.

Mall of the Emirates ở Dubai

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, nợ chồng chất đẩy Dubai đến nguy cơ vỡ nợ cũng không cản trở được những bước tiến của vị tỷ phú. Sau đó, ông đa dạng hoá các trung tâm thương mại và siêu thị trên khắp Trung Đông và Bắc Phi.

Công ty ông còn có quyền vận hành độc quyền cho chuỗi đại siêu thị Carrefour của Pháp. Cuối thập niên 2010, công ty đã mở rộng phạm vi đến những nơi xa hơn như Kenya, Uzbekistan và có kế hoạch vươn xa hơn nữa.

Robert Mogielnicki, một học giả cấp cao tại viện Arab Gulf States Institute ở Washington cho biết: "Những gì Majid Al Futtaim và các công ty của ông đã làm không chỉ cho thấy cách Dubai và UAE chuyển mình mà còn là tầm nhìn mà các Tiểu vương quốc Ả Rập muốn hướng đến trong tương lai. Futtaim là một tấm gương sáng của tầng lớp thương gia ưu tú trở nên giàu có theo sự phát triển kinh tế nhanh chóng của UAE đầu thế kỷ 21".

Thông tin về những năm tháng niên thiếu của ông chưa được tiết lộ nhiều. Người ta cho rằng ông sinh ra ở Dubai năm 1934, trong một gia đình có uy tín trong giới thương nhân và kiểm soát hoạt động kinh tế ở đó. Trước khi tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, Futtaim từng là nhân viên ngân hàng.

Vén màn nhân vật đằng sau cú lột xác ngoạn mục: Từ một Dubai ‘khát’ điện, nước và đường nhựa đến thiên đường du lịch hàng đầu thế giới - Ảnh 2.

Ông Majid Al Futtaim

Sự chú trọng của Dubai vào thương mại và cuộc chuyển đổi sau cùng thành thiên đường của những người đam mê du lịch là điều thực sự cần thiết. Không giống như Tiểu vương quốc láng giềng Abu Dhabi và hầu hết các quốc gia khác trong Vịnh Ba Tư, Dubai hầu như không có dầu để khai thác. Những gì Dubai có chính là một bến cảng tự nhiên và vị trí đắc địa tại eo biển Hormuz. Đây chính là lối vào vùng vịnh, nơi các thuyền buôn từ Ấn Độ và Đông Á dừng chân sau một chuyến đi dài.

Sau khi Anh rút khỏi UAE vào năm 1971 và thành lập UAE như một quốc gia, gia đình hoàng gia cai trị Dubai, dưới thời Hoàng thân Sheikh Rashid bin Saeed al-Maktoum, đã thực hiện một cuộc trao đổi với các thương nhân. Để có được sự ủng hộ của họ, chính quyền sẽ cho họ quyền độc quyền đối với hàng hoá nhập khẩu và quyền giao dịch độc quyền với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ví dụ gia đình của Futtaim đã giành được một hợp đồng béo bở với Toyota, một thoả thuận mà ngày nay vẫn có phép họ kiểm soát khoảng 30% thị trường ô tô của tiểu vương quốc này.

Không giống một số gia đình đóng vai trò "gác cổng" cho các doanh nghiệp nước ngoài, gia đình của Futtaim có vai trò tích cực trong việc điều chỉnh hàng bán lẻ sao cho phù hợp với thị trường địa phương.

Trong nhiều thập kỷ, gia đình Futtaim đã thống trị như một tập đoàn thống nhất -Tập đoàn Al Futtaim. Nhưng đến thập niên 1990, tập đoàn bắt đầu tan rã do những rạn nứt gia đình. Có thời điểm, cuộc tranh chấp đã trở nên gay gắt và ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh đến nỗi hoàng gia phải can thiệp.

Alain Bejjani, giám đốc điều hành của Tập đoàn Majid Al Futtaim, cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Ông Futtaim tin rằng Dubai là một trung tâm toàn cầu, nơi mọi người sẽ đổ xô đến. Tầm nhìn của ông ấy và tầm nhìn của Dubai song hành với nhau".

Ngày nay, tập đoàn Futtaim có mặt tại 17 quốc gia, bao gồm 13 khách sạn, 29 trung tâm thương mại và 375 siêu thị Carrefour. Tập đoàn cũng quản lý các khu phức hợp với 29.000 căn hộ.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tập đoàn Futtaim vào tháng 10 đã công bố khởi công sự án tham vọng nhất Mall of Saudi, siêu dự án 4,3 tỷ USD ở Riyadh, Ả Rập Xê Út. Dự án bao gồm 600 cửa hàng, 6 khách sạn, 1.600 căn hộ và một con dốc trượt tuyết lớn hơn con dốc hiện tại ở Dubai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại