Vẽ tranh giả khét tiếng thế giới

Nhân vụ lùm xùm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM triển lãm loạt tranh giả mới đây, chợt nhớ thế giới cũng từng nhiều lần bị rúng động bởi các “thiên tài” trong làng tranh giả.

Có những kẻ làm giả tranh tài năng đến mức người ta không biết gọi là “tội phạm” nghệ thuật hay là “thiên tài” hội họa.

Kẻ vẽ tranh giả của thế kỷ

Chuyên gia làm giả tranh người Đức đã bắt đầu sao chép các bức danh họa bán ngoài chợ trời, chủ yếu để kiếm tiền ngao du vòng quanh châu Âu những tháng năm tuổi trẻ.

Chỉ đến khi Beltracchi cưới bà Helene vào năm 1992, kẻ được mệnh danh là “kẻ làm giả tranh của thế kỷ” mới có tham vọng kiếm tiền khủng từ những bức tranh giả của mình.

Trong hơn 35 năm qua, Beltracchi có lẽ đã thực hiện hơn 300 bức tranh giả được vẽ dưới phong cách của các danh họa bậc thầy trong lịch sử hội họa như Picasso, Gauguin hay Monet.

Hãng tin DW cho biết hai vợ chồng nhà Beltracchi thuyết phục những người mua rằng họ đang được chiêm ngưỡng những bức tranh chưa từng được biết đến của các danh họa nổi tiếng, từ bấy lâu qua được cất giữ trong một bộ sưu tập bí mật của gia đình Beltracchi.

Cặp đôi này còn làm giả cả ảnh chụp “cũ”, chụp lại các bức tranh làm bằng chứng.

Tờ Vulture thuật lại lời khai của Wolfgang Beltracchi cho biết đôi vợ chồng cũng phải lùng kiếm nhiều khu tranh cũ cho các bức tranh giả sao cho đúng với giai đoạn lịch sử mà các danh họa sáng tác nghệ thuật.

Có những lúc vợ chồng Beltracchi sẵn sàng chi đến hơn 5.000 USD chỉ để mua về một khung tranh phù hợp với “kiệt tác” giả mạo của mình.

Tuy nhiên, những tốn kém đó chẳng đáng là gì với số tiền mà đôi vợ chồng kiếm được từ các phi vụ làm tranh giả. Cùng nhau, cặp đôi tai tiếng này đã thu về hàng triệu USD từ các bức tranh giả của Beltracchi.

Sau mỗi phi vụ lừa đảo của đôi vợ chồng, Helene lại “rửa tiền” bằng cách “hóa phép” số tiền đó thành tài sản được kế thừa từ người ông giàu có.

Vẽ tranh giả khét tiếng thế giới  - Ảnh 1.

Wolfgang Beltracchi và vợ Helene đã kiếm được hàng triệu đôla nhờ vẽ và bán tranh “giả danh” những danh họa thế giới. Ảnh: DW

Đẹp và tinh vi hơn cả tranh gốc

Những sản phẩm của “kẻ làm giả tranh của thế kỷ” có độ tinh tế và chân thực đến mức khó tin. Các chuyên gia hàng đầu trong ngành thẩm định tranh cũng thường xuyên nhầm lẫn giữa các bức tranh giả của Beltracchi và các bức tranh gốc của những cố họa sĩ.

Ngay cả người vợ của họa sĩ Max Ernt, một cố họa sĩ được Beltracchi mượn tên bán tranh, cũng nói rằng các bức tranh Beltracchi vẽ theo phong cách của chồng bà thậm chí còn đẹp hơn tranh của ông ấy.

Theo tờ DW, kẻ làm giả tranh tài năng này có thể hoàn thành những bức tranh từ gần cả thế kỷ trước chỉ trong 3-4 ngày. Wolfgang

Beltracchi khẳng định không có danh họa nào trên đời mà ông không thể sao chép được phong cách vẽ.

Ông chỉ “khiêm tốn” thú nhận rằng: “Các danh họa thời Phục hưng sẽ có sao chép phong cách hơn các họa sĩ hiện đại”.

Nhưng rồi sự bất cẩn cuối cùng cũng khiến Beltracchi sa lưới. Trong bức tranh giả một tác phẩm của danh họa Heinrich Campendonk vẽ năm 1914 đã bị thất lạc, Beltracchi dùng màu trắng titan trong khi thời điểm Campendonk vẽ bức tranh ấy, thế giới còn chưa có màu trắng titan.

Năm 2011, Beltracchi bị tuyên phạt sáu năm tù giam, còn vợ ông lãnh án bốn năm tù.

Kiếm gần 60 triệu USD nhờ tài vẽ tranh giả

Với tài năng khó tin của mình, Wolfgang Beltracchi được xem là người xứng đáng nhất với danh hiệu “hậu bối” của Han van Meegeren, người được tờ The Telegraph ví von như là danh họa Leonardo da Vinci của giới làm tranh giả.

Vào tháng 5-1945, sau khi quân đồng minh giải phóng Hà Lan, hai sĩ quan thuộc Ủy ban Nghệ thuật đồng minh đã đến xưởng vẽ của Han van Meegeren, một họa sĩ ít tên tuổi và làm nghề buôn bán tranh.

Trước đó, trong bộ sưu tập của Thủ tướng phát xít Đức Hermann Göring, ủy ban này đã phát hiện một bức tranh của danh họa thế kỷ 17 người Hà Lan nổi tiếng Johannes Vermeer, được biết đến rộng rãi qua bức họa Cô gái với khuyên tai ngọc trai.

Bức tranh được bán bởi Meegeren. Các sĩ quan đến thẩm vấn Meegeren để tìm thông tin người chủ nhân ban đầu của bức tranh với mục đích trả bức tranh về lại tay của các chủ nhân đích thực.

Meegeren nhất quyết từ chối và bị buộc tội “phản quốc”, tội danh có án phạt tử hình.

Các sĩ quan khi đó không biết rằng bức tranh đó được làm giả bởi chính Meegeren và nếu khai thật thì ông sẽ phải tự thú hàng loạt bức tranh giả mà mình thực hiện trong suốt năm năm qua, mang về cho ông số tiền gần 60 triệu USD với tỉ giá hiện nay.

Chỉ bị phát hiện khi… tự thú

Han van Meegeren là một họa sĩ theo trường phái của các danh họa thời Phục hưng. Tuy tài năng nhưng Meegeren lại không được những người cùng thời công nhận.

Một nhà bình phẩm nghệ thuật đã từng đánh giá Meegeren “có đầy đủ mọi phẩm chất của một họa sĩ tài ba, ngoại trừ một cá tính riêng biệt”. Quá thèm muốn được mọi người biết đến tên tuổi của mình, Meegeren đã lên một kế hoạch “báo thù” đủ sức chấn động cả thế giới.

Ông vạch kế hoạch vẽ một bức tranh theo phong cách của Johannes Vermeer. Thế nhưng Meegeren không vẽ lại tranh của Vermeer mà là vẽ một bức tranh theo “hồn” của ông nhưng lại là một bức tranh hoàn toàn mới toanh.

Một khi bức tranh được chứng nhận bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới, triển lãm tại các bảo tàng nổi tiếng, ông sẽ công khai “trò lừa” của mình.

Bức họa của Meegeren mang tên Bữa tối tại Emmaus. Nó đã nhanh chóng qua mặt được nhà thẩm định nghệ thuật hàng đầu Hà Lan ngày đó là Abraham Bredius.

Bức họa nhanh chóng được nhà triển lãm Boijmans danh tiếng ở Rotterdam mua lại với giá trị hiện nay tương đương 6 triệu USD. Bức tranh trở thành “viên kim cương” của cuộc triển lãm “400 năm nghệ thuật châu Âu” ngay sau đó.

Thế nhưng rồi Meegeren đã không còn màng đến ý định “trả thù đời” của mình nữa, số tiền khổng lồ thu được từ bức tranh giả đã khiến tay họa sĩ tài năng đổi ý. Chưa đầy một tháng sau, Meegeren bắt tay vào sản phẩm thứ hai.

Chỉ trong vòng chưa đầy sáu năm, Meegeren vẽ thêm sáu bức tranh “giả danh” Vermeer, thu về khoản tiền tương đương với 60 triệu USD ngày nay.

Tiền nhiều đến mức kẻ làm giả tranh người Hà Lan phải mua hàng chục căn nhà rồi mang tiền giấu đủ mọi ngóc ngách trong các cơ ngơi mà hắn đã mua, theo The Telegraph.

Người ta kể lại hơn 30 năm sau khi Meegeren qua đời, những chủ nhân mới của các cơ ngơi này lâu lâu vẫn phát hiện một hộp tiền được giấu đâu đó trong căn nhà với những dòng ghi chú được viết từ trước Thế chiến thứ hai.

Không có một chuyên gia nào có thể phát hiện được Meegeren đã làm giả những bức tranh. Sự thật cuối cùng chỉ bại lộ sau khi Meegeren quyết định tự thú trong nhà giam, sáu tuần sau khi bị bắt giữ.

“Lũ ngốc! Các người nghĩ ta bán một bức tranh vô giá của Vermeer cho phát-xít à? Chẳng có Vermeer nào ở đây cả. Chính ta đã vẽ bức tranh đó!”.

Được theo dõi bởi hàng chục PV và nhân chứng của tòa án Hà Lan, Meegeren đã làm việc không ngơi nghỉ suốt sáu tuần liền để hoàn thiện bức tranh “mượn danh” Vermeer cuối cùng của mình để tự cứu bản thân khỏi án tử hình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại