Vệ tinh Nga nổ tung thành trăm mảnh trên quỹ đạo, phi hành gia Mỹ khẩn cấp vào chỗ trú ẩn

Hữu Hiển |

NASA cho biết, vụ nổ xảy ra trên quỹ đạo gần trạm vũ trụ ISS, khiến các phi hành gia Mỹ trên đó phải trú ẩn trong tàu vũ trụ của họ trong khoảng 1 tiếng.

Hãng tin Reuters ngày 27/6 đưa tin, cơ quan vũ trụ Mỹ cho biết, một vệ tinh không còn hoạt động của Nga đã nổ tung và vỡ thành hơn 100 mảnh trên quỹ đạo, buộc các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) phải trú ẩn trong khoảng một tiếng, và làm gia tăng khối lượng rác vũ trụ đã có trên quỹ đạo.

Không có thông tin chi tiết ngay lập tức về nguyên nhân gây ra sự cố nổ vệ tinh quan sát Trái đất RESURS-P1 của Nga, mà nước này tuyên bố là "đã chết" vào năm 2022.

Vệ tinh Nga nổ tung thành trăm mảnh trên quỹ đạo, phi hành gia Mỹ khẩn cấp vào chỗ trú ẩn- Ảnh 1.

Vỡ vệ tinh quan sát Trái đất RESURS-P1 được Nga tuyên bố là "đã chết" vào năm 2022. Ảnh: NASA

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ - nơi có mạng lưới radar theo dõi không gian toàn cầu - cho biết, vụ nổ vệ tinh này ngay lập tức tạo ra "hơn 100 mảnh vỡ có thể theo dõi được". Cơ quan này cho biết, vụ việc diễn ra vào khoảng 10h sáng theo giờ miền núi Mỹ (tức 23h theo giờ Việt Nam) ngày 26/6, và không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với các vệ tinh khác.

Văn phòng Trạm vũ trụ của NASA cho biết, vụ nổ xảy ra trên quỹ đạo gần trạm vũ trụ ISS, khiến các phi hành gia Mỹ trên đó phải trú ẩn trong tàu vũ trụ của họ trong khoảng 1 tiếng.

Sáu phi hành gia Mỹ hiện đang ở trên trạm vũ trụ ISS đã được cơ quan kiểm soát sứ mệnh của NASA ở Houston cảnh báo vào khoảng 9h tối 26/6 theo giờ địa phương (tức 8h sáng 27/6 theo giờ Việt Nam) để thực hiện các thủ tục "trú ẩn an toàn", mà mỗi phi hành gia trú ẩn trong tàu vũ trụ mà họ đã đến, đề phòng trường hợp cần phải khởi hành khẩn cấp.

Các phi hành gia NASA Butch Wilmore và Suni Williams đã trú ẩn trong tàu vũ trụ Starliner của họ, con tàu do hãng Boeing chế tạo đã ghép nối với trạm vũ trụ ISS kể từ ngày 6/6 trong sứ mệnh thử nghiệm với phi hành gia đầu tiên của Starliner trên ISS.

Ba trong số các phi hành gia Mỹ khác và một phi hành gia người Nga đã trú ẩn trong tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX từng đưa họ lên trạm ISS vào tháng 3; trong khi phi hành gia thứ sáu của Mỹ đã cùng với hai phi hành gia còn lại trú ẩn trong tàu vũ trụ Soyuz của Nga từng đưa họ lên trạm vào tháng 9 năm ngoái.

Vệ tinh Nga nổ tung thành trăm mảnh trên quỹ đạo, phi hành gia Mỹ khẩn cấp vào chỗ trú ẩn- Ảnh 3.

Hai phi hành gia Butch Wilmore (trái) và Suni Williams (phải) trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Ảnh: AP

Khoảng một giờ sau đó, các phi hành gia đã bước ra khỏi tàu vũ trụ của họ và tiếp tục công việc bình thường trên trạm, NASA cho biết.

Theo Reuters, Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos - cơ quan vận hành vệ tinh RESURS-P1 - đã không trả lời yêu cầu bình luận hoặc công khai thừa nhận sự việc này trên các kênh truyền thông xã hội của mình.

Đến chiều 27/6, các radar của công ty theo dõi không gian LeoLabs (Mỹ) đã phát hiện được ít nhất 180 mảnh vỡ, công ty này cho biết.

Theo Reuters, các sự việc tạo ra mảnh vỡ lớn trên quỹ đạo là rất hiếm nhưng mối lo ngại ngày càng tăng khi không gian trở nên đông đúc với các mạng lưới vệ tinh quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày trên Trái đất, từ internet băng thông rộng và thông tin liên lạc đến các dịch vụ định vị cơ bản, cũng như các vệ tinh không còn được sử dụng.

Vụ nổ vệ tinh xảy ra ở độ cao khoảng 355 km trong quỹ đạo Trái đất thấp - một khu vực có hàng ngàn vệ tinh từ nhỏ đến lớn hoạt động, bao gồm mạng lưới Starlink rộng lớn của SpaceX và trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc - nơi có ba phi hành gia đang làm việc trên đó.

Các chuyên gia suy đoán, nguyên nhân của vụ nổ nhiều khả năng là do bản thân RESURS-P1 gặp sự cố, chẳng hạn như do nhiên liệu còn sót lại trong vệ tinh.

LeoLabs cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng: "Do quỹ đạo thấp của đám mây mảnh vỡ này, chúng tôi ước tính sẽ mất vài tuần đến vài tháng trước khi mối nguy hiểm qua đi."

Theo Reuters, Roscosmos đã ngắt hoạt động của RESURS-P1 do lỗi thiết bị trên vệ tinh vào năm 2021 và công bố quyết định này một năm sau. Kể từ đó, vệ tinh này dường như đang hạ thấp độ cao của nó qua các lớp vệ tinh đang hoạt động khác để cuối cùng quay trở lại khí quyển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại