Một nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ đang phóng hết tốc lực trên đại dương. Với máy bay chiến đấu, tầm chiến đấu của nó là 1.000 km.
Từ cách đó 1.200 km, một loạt tên lửa chống hạm siêu thanh của Trung Quốc được phóng lên bầu trời. Chúng bay lên độ cao hơn 200 km, sau đó hướng tới các tàu chiến Mỹ, đó là độ cao mà radar không phát hiện ra chúng cho đến tận 10 phút sau khi phóng. Lúc đó tên lửa chỉ còn cách tàu chiến 50 km.
Kiểm soát cao điểm luôn là chiến thuật then chốt trong chiến tranh
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), đây là cách một cuộc tấn công mô phỏng trên máy tính diễn ra tại phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Thành Đô - một cuộc diễn tập cho thấy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể sử dụng vũ khí không gian để tấn công một nhóm tàu sân bay Mỹ như thế nào.
Đứng đầu dự án là Liu Shichang - nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Kiểm soát Thông tin Điện tử. Phòng thí nghiệm bí mật này trực thuộc Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, chuyên nghiên cứu các thiết bị tác chiến điện tử cho quân đội Trung Quốc.
Liu cho biết, các tên lửa không bị phát hiện vì hệ thống vũ khí điện từ không gian của Trung Quốc đã vô hiệu hóa radar của các tàu hộ tống theo cách "từ trên xuống".
"Kiểm soát cao điểm luôn là một chiến thuật then chốt trong chiến tranh kể từ thời cổ đại", Liu và nhóm nghiên cứu viết trong bài "Các biện pháp đối phó điện tử trên tàu" trên một tạp chí của Trung Quốc vào tháng 12/2023.
"Với sự phát triển của hình thái chiến tranh và sự tiến bộ của công nghệ, không gian đã trở thành một cao điểm mới được các cường quốc quân sự trên thế giới cạnh tranh gay gắt để có thể kiểm soát", nhóm nghiên cứu viết.
Chỉ cần 2 hoặc 3 vệ tinh là đủ để tấn công một nhóm tàu sân bay
Trong nghiên cứu mô phỏng này, các tên lửa Trung Quốc được hỗ trợ từ một số vệ tinh tác chiến điện tử quỹ đạo thấp ở vị trí phía trên tàu sân bay Mỹ, theo bài báo.
Các vệ tinh phát hiện tín hiệu radar từ các tàu chiến Mỹ sau đó phản hồi bằng các tín hiệu tương tự, tín hiệu công suất cao - do đó ngay cả khi sóng radar va vào tên lửa, sóng phản xạ lại cũng không thể phân biệt được với những nhiễu động rất lớn xung quanh.
Nhóm của Liu cho biết, Trung Quốc đang "tiến hành các nghiên cứu và ứng dụng liên quan" và "tác chiến điện tử ngoài vũ trụ sử dụng các chòm sao vệ tinh có quỹ đạo thấp đã trở thành một phương tiện chiến tranh thông tin quan trọng".
Dựa trên nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Trung Quốc tin rằng 2 hoặc 3 vệ tinh là đủ để tấn công một nhóm tàu sân bay, trong khi một chòm sao với 28 vệ tinh sẽ hỗ trợ một cuộc tấn công toàn cầu.
Nghiên cứu mô phỏng tại Thành Đô dựa trên radar SPY-1D của quân đội Mỹ, chủ yếu được sử dụng bởi các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ để phát hiện tên lửa chống hạm tầm xa.
Theo SCMP, Lockheed Martin - hãng chế tạo radar SPY-1D - nói với truyền thông Mỹ vào năm ngoái rằng loại radar này có thể tiếp tục hoạt động cho đến năm 2060.
Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, các thế hệ radar SPY-1 đã đi vào hoạt động từ những năm 1970, nghĩa là quân đội Trung Quốc đã quen với khả năng của nó.
Họ tin rằng, hai vệ tinh có thể được sử dụng để ngăn chặn cùng một radar từ các góc khác nhau, tạo ra "cảnh báo sai trên không cho phía trước, bên hông và phía sau đối phương".
Vì vậy, khi tên lửa chống hạm của Trung Quốc ở cách mục tiêu trong bán kính 50 km, "các vệ tinh hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn, thiết bị gây nhiễu gắn trên tên lửa được kích hoạt, và tên lửa thực hiện các thao tác cuối cùng để xâm nhập sâu hơn cho đến khi tiêu diệt được mục tiêu", bài báo viết.
Tên lửa bị phát hiện ngay khi phóng nếu thiếu hỗ trợ của thiết bị không gian
Một cuộc tấn công tầm xa nhằm vào nhóm tàu sân bay tấn công được coi là có mức độ khó cao vì vệ tinh, tên lửa và tàu chiến đều là những mục tiêu di chuyển tốc độ cao. Nhưng nhóm của Liu tuyên bố rằng, nghiên cứu mô phỏng của họ – thiết lập dòng thời gian và phạm vi không gian cho một cuộc tấn công như vậy – cho thấy điều đó là có thể.
Họ lưu ý rằng, các quốc gia khác như Mỹ và Nga cũng đang tìm kiếm vũ khí không gian cho kịch bản này.
Loại tên lửa siêu thanh được sử dụng trong nghiên cứu mô phỏng tại Thành Đô không được tiết lộ nhưng bài báo nhấn mạnh rằng nó khác với tên lửa đạn đạo truyền thống ở khả năng cơ động trong giai đoạn cuối, nghĩa là nó có thể tiếp cận mục tiêu theo quỹ đạo không thể đoán trước.
Tầm bắn được công bố của loại tên lửa này tương tự như "sát thủ tàu sân bay" YJ-21 của Trung Quốc. Tên lửa chống hạm siêu thanh YJ-21 được cho là có thể đạt tốc độ lên tới Mach 10 (tương đương 12.250 km/h), khiến hệ thống phòng không của đối phương chỉ có chưa đầy 20 giây để phản ứng.
Theo SCMP, các chuyên gia quân sự cho rằng, YJ-21 đã được triển khai trên các tàu chiến như tàu khu trục Type 055 Nam Xương của Trung Quốc. Nhóm nghiên cứu ở Thành Đô không tiết lộ nền tảng phóng tên lửa trong nghiên cứu mô phỏng của họ.
Cũng theo SCMP, trong một nghiên cứu mô phỏng khác được thực hiện vào năm ngoái bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Trung Bắc (Trung Quốc), tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đã được phóng từ đất liền về phía nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ.
Hơn 20 tên lửa siêu thanh đã được triển khai để tấn công hạm đội hải quân Mỹ trong kịch bản đó, nhưng các thiết bị không gian không được sử dụng, và tên lửa Trung Quốc đã bị Mỹ phát hiện ngay khi phóng.