Vệ tinh ERS-2 bắt đầu rơi chậm rãi về phía Trái Đất trong hơn 12 năm qua một cách không kiểm soát. Đến 0 giờ 17 phút ngày 22-1 (giờ Việt Nam), nó đã đi vào bầu khí quyển ở khu vực Thái Bình Dương, ở khoảng giữa đảo Hawaii và bang Alaska của nước Mỹ.
ERS-2 đã bị ma sát của bầu khí quyển làm cho bốc cháy dữ dội trên bầu trời.
Không có thiệt hại nào được các quốc gia báo cáo cho đến nay và không rõ liệu có mảnh vỡ nào còn sót lại hay không, theo Live Science.
ERS-2 là vệ tinh nghiên cứu khí hậu của ESA, có khối lượng gần 2,3 tấn. Nó được phóng vào năm 1995 và ngừng hoạt động vào năm 2011.
Hành trình rơi ngược về Trái Đất của ERS-2 bắt đầu bằng hoạt động phá hủy quỹ đạo có chủ ý vào năm 2011, sau khi nó sử dụng hết nhiên liệu còn lại để hạ độ cao từ 785 km xuống 573 km, để không làm ảnh hưởng đến các vệ tinh còn hoạt động trong quá trình rơi.
Quá trình "hạ cánh" này không thể kiểm soát về đường đi và tốc độ. Ban đầu nó rất chậm, nhưng từ tháng 1 năm nay tốc độ rơi tăng lên 10 km/ngày.
Vào thời điểm được phóng, ERS-2 là vệ tinh quan sát Trái Đất tiên tiến nhất của ESA, với các cảm biến tối tân nhất thời bây giờ.
Nhiệm vụ của nó là mở ra những hiểu biết mới về tính chất hóa học của bầu khí quyển, hoạt động của các đại dương và tác động của con người đối với môi trường.
Theo ESA, vệ tinh này lớn hơn hầu hết các mảnh rác không gian rơi ngược về Trái Đất - vốn đa số chỉ có chiều rộng nhỏ hơn 1 m - nhưng vẫn khó lòng gây rủi ro cho người và tài sản trên mặt đất.
Cơ quan vũ trụ này giải thích rằng rủi ro thấp là do phần lớn bề mặt hành tinh được bao phủ bởi nước hoặc các vùng không người nên xác suất mảnh vỡ còn sót rơi trúng ai đó là rất nhỏ.
Hơn nữa, các vệ tinh và thiết bị vũ trụ khác thường bị bốc cháy dữ dội khi lao vào bầu khí quyển dày đặc của Trái Đất, phần lớn tan biến hoàn toàn trước khi kịp chạm đến bề mặt hành tinh.
Theo một tính toán trước đó của ESA, nguy cơ bị mảnh vỡ vũ trụ rơi trúng nhỏ hơn khoảng 10 triệu lần so với bị sét đánh.