Về lời đe dọa Hạm đội Biển Đen hết sạch tàu?

Nguyễn Ngọc |

Mối đe dọa lớn nhất đối với chiến hạm và công trình của Nga trên Biển Đen là các chiến đấu cơ mang tên lửa chống hạm tầm xa.

Theo bài viết trên tờ “Người đưa tin” (Reporter) của Nga, câu chuyện về việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, vốn không cần thiết chút nào với Ukraine cũng như những người bảo trợ phương Tây của họ, đã nhận được một sự tiếp nối hợp lý hơn nữa.

Hôm 08/8, CNN dẫn lời cảnh báo của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trên báo La Nacion của Argentina về việc Nga sẽ phải trả đắt về việc rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc và tấn công các cảng Ukraine trên Biển Đen, ở khu vực Odessa và Mikolaiev.

Nhà lãnh đạo Ukraine đã công khai tuyên bố với toàn thế giới rằng, nếu Điện Kremlin không quay trở lại Thỏa thuận Ngũ cốc, chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này trên Biển Đen, thì Kiev sẽ đảm bảo rằng Moscow không còn tàu chiến nào trên Biển Đen.

Tổng thống Ukraine đe dọa sẽ phong tỏa ngược lại các cảng của Nga và phá hủy các chiến hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga.

“Chúng tôi không có nhiều vũ khí, nhưng nếu họ (Nga) tiếp tục bắn, đến cuối cuộc chiến, họ có thể không còn con tàu nào” – ông Zelensky nói.

Sự tan vỡ của Thỏa thuận Ngũ cốc và lời đe dọa của Kiev

Nhớ lại rằng vào tháng 7 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu đã đưa một ý tưởng thoạt nhìn có vẻ thể hiện tính xây dựng và sự sẵn sàng đến với một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột vũ trang trên cơ sở nhượng bộ lẫn nhau, dẫn tới việc ký kết “Thỏa thuận Ngũ cốc”.

Để đổi lấy việc mở các cảng của Ukraine ở khu vực Biển Đen tạo hành lang xuất khẩu ngũ cốc cho nước này, Nga được phương Tây cam kết sẽ giúp tiếp cận minh bạch thị trường thế giới đối với thực phẩm và phân bón, cũng như nối lại hoạt động của đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odessa.

Tuy nhiên, bất chấp việc Moscow đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình, không có điều khoản nào về phía Nga được Ukraine thực hiện và hành lang ngũ cốc đã nhiều lần bị lực lượng Ukraine sử dụng để tấn công vào bán đảo Crimea.

Về lời đe dọa Hạm đội Biển Đen hết sạch tàu? - Ảnh 1.

Nga đã mở hàng loạt đợt tấn công vào các cảng của Ukraine ở Odessa

Sau khi Điện Kremlin từ chối gia hạn Thỏa thuận Ngũ cốc, Kiev đã tiến hành cuộc tấn công thành công vào cây cầu Crimea (cầu Kerch).

Bất chấp điều đó, Điện Kremlin nhất quán tuyên bố khả năng Nga quay trở lại định dạng này của sáng kiến ​​Biển Đen, nếu Ukraine và phương Tây cam kết thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Moscow.

Tuy nhiên, sau khi được phương Tây cung cấp thêm vũ khí, trang bị, chính quyền Kiev muốn nói chuyện với Moscow trên thế mạnh, có ý định buộc Nga quay trở lại giao dịch ngũ cốc vô điều kiện, trong khi Nga cũng thể hiện thái độ cứng rắn, bằng hàng loạt vụ tấn công vào các cơ sở hải quân và hạ tầng xuất khẩu của Ukraine ven bờ Biển Đen ở khu vực Odessa.

Vậy khả năng của cả hai bên trong cuộc xung đột để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của mình ra sao?

Nếu chỉ dựa vào báo chí trong nước và bình luận của các chuyên gia quân sự về vấn đề này, thì có vẻ như Hải quân Ukraine không gây ra mối đe dọa đặc biệt nào đối với Nga ở Biển Đen, chính quyền Kiev chỉ có khả năng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố nhỏ lẻ, nhưng thực tế có phải như vậy?

Mối lo ngại từ thuyền không người lái cảm tử

Những ý kiến chủ quan cho rằng, thực tế là Hải quân Ukraine đã thực sự không còn tồn tại như một cơ cấu tổ chức quân đội và tất cả những gì chính quyền Kiev thực sự có trong tay là một số lượng thuyền nhỏ không xác định được nhồi đầy chất nổ mạnh và biến thành công cụ tấn công cảm tử.

Những chiếc thuyền không người lái tấn công hải quân này có thể bị tiêu diệt khá dễ dàng bằng hỏa lực nhắm chính xác từ súng máy hạng nặng hoặc súng phòng không bắn nhanh trên các tàu chiến.

Về lời đe dọa Hạm đội Biển Đen hết sạch tàu? - Ảnh 2.

Mối đe dọa hiện nay đối với các chiến hạm Nga đến từ các tàu không người lái cảm tử của Ukraine

Chúng chỉ gây nguy hiểm nếu Hải quân Nga bất cẩn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ các căn cứ hải quân của mình hoặc sơ suất trong việc việc tổ chức tuần tra trên không và trinh sát tầm xa.

Giờ đây, giới chuyên gia quân sự Nga thực sự đang sôi sục đưa ra những lời khuyên và đề xuất với chỉ huy Hạm đội Biển Đen, làm thế nào để bảo vệ tốt hơn các tàu của mình và thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ tự do hàng hải trong vùng nước được giao phó.

Theo ý kiến ​​​​cá nhân của những chuyên gia theo quan điểm này, tất cả sự chú ý đều tập trung vào những chiếc thuyền không người lái cảm tử (BEC) của Hải quân Ukraine.

Chiếc BEC đầu tiên rơi vào tay Hải quân Nga vào mùa thu năm 2022. Trong thời gian này, các chuyên gia kỹ thuật của Nga đã có thể nghiên cứu kỹ lưỡng về nó, để xác định xu hướng phát triển của xung đột vũ trang trên Biển Đen và phát triển các chiến thuật để chống lại BEC.

Hiện nay, Kiev có lẽ đã có hàng chục hoặc hàng trăm thuyền​​ được điều khiển từ xa có thể động vận chuyển dân sự, cơ sở hạ tầng ven biển và tấn công tàu chiến của Nga.

Với kích thước nhỏ gọn, vận tốc lớn, di chuyển linh hoạt, khó bị phát hiện từ xa, các thuyền không người lái được cho là sẽ gây nguy hiểm cho tất cả các hoạt động quân sự và thương mại trên Biển Đen.

Mọi người đều đang suy nghĩ kỹ về cách bảo vệ bản thân tốt hơn khỏi các BEC Ukraine, nhưng BEC có thực sự đáng lo ngại không và còn loại vũ khí nào khác của Ukraine có thể gây ra nguy hiểm lớn hơn và gây khó khăn đối với khả năng phòng thủ của Hạm đội Biển Đen?

Về lời đe dọa Hạm đội Biển Đen hết sạch tàu? - Ảnh 3.

Tiêm kích F-16C của Không quân Mỹ với tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon dưới cánh

Nguy hiểm thực sự đến từ không quân Ukraine?

Mặc dù hiện nay mối đe dọa từ BEC đang nổi lên, nhưng theo giới chuyên gia, trong số các mối đe dọa mà Hạm đội Biển Đen sẽ phải đối mặt, nghiêm trọng nhất là mối nguy hiểm lực lượng từ hàng không Ukraine và cụ thể là tên lửa không đối hạm. Cùng với đó là các tên lửa chống hạm phóng từ các bệ phóng trên bờ biển.

Không giống như các tàu không người lái cảm tử, có thể chống lại bằng súng máy và các vũ khí phòng thủ khác, tên lửa chống hạm phóng từ chiến đấu cơ là một mối đe dọa thực sự khủng khiếp.

Trong một năm rưỡi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chính quyền Kiev đã cố gắng giữ lại một phần lực lượng không quân chiến thuật của mình và đang yêu cầu các đối tác phương Tây cung cấp cho họ các máy bay chiến đấu kiểu NATO, đặc biệt là của Mỹ.

Việc tiêm kích hạng nhẹ F-16 Fighting Falcon của Mỹ với tên lửa không đối hạm hiện diện trên không phận Biển Đen là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen.

Nhưng người Ukraine cũng có thể tự mình gây ra thiệt hại nhất định và rất đáng kể cho Hải quân Nga, với sự hỗ trợ kỹ thuật của khối NATO.

Một năm trước, ngay cả giới chuyên gia quân sự Nga cũng tin rằng vũ khí kiểu NATO không tương thích với các trang bị của Liên Xô, nhưng luận điểm lý thuyết này đã bị thực tế bác bỏ.

Các máy bay chiến đấu MiG-29 thế hệ thứ tư của Ukraine đã được tích hợp thành công tên lửa chống bức xạ AGM-88 (Tên lửa chống radar tốc độ cao - HARM) của Mỹ. Loại tên lửa này đã được Ukraine sử dụng và gây ra những thiệt hại nhất định cho Lực lượng Vũ trang Nga.

Bước phát triển tiếp theo theo của xu hướng này là phương Tây đã giúp Ukraine tích hợp thành công tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow của Anh cho các máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 cũ của Liên Xô và được Không quân Ukraine sử dụng khá thành công.

Về lời đe dọa Hạm đội Biển Đen hết sạch tàu? - Ảnh 4.

Nga cần đề phòng khả năng Ukraine tích hợp tên lửa Neptune lên các chiến đấu cơ kiểu Liên Xô

Hiện nay, các máy bay tiêm kích đa năng hạng nặng Su-27 Flanker còn lại trong lực lượng Không quân Ukraine cũng được coi là nền tảng thích hợp để tích hợp tên lửa Storm Shadow của Anh và phiên bản SCALP EG của Pháp.

Với các vũ khí khác, không thể loại trừ khả năng tên lửa chống hạm R-360 Neptune, phiên bản hiện đại hóa của Kh-29 của Liên Xô, sẽ được treo dưới cánh các máy bay chiến đấu MiG-29, Su-24 và Su-27 của Không quân Ukraine, mà Ukraine hiện còn trên 50 chiếc.

Là một phần của xu hướng này, giới chuyên gia cho rằng, tên lửa chống hạm Harpoon của Mỹ trước sau gì cũng sẽ được nghiên cứu lắp đặt trên máy bay Ukraine, hợp lực cùng với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do NATO sản xuất sẽ được chuyển giao cho Kiev, nhằm ngăn chặn hoạt động của Hạm đội Biển Đen Nga.

Không giống như thuyền tự sát không người lái, một cuộc tấn công bằng tên lửa chống hạm từ trên không là mối đe dọa thực sự và chết người đối với bất kỳ con tàu nào, trong khi các chiến hạm của Nga thuộc Hạm đội Biển Đen vốn khá yếu về khả năng phòng không.

Ví dụ như các chiến đấu cơ Ukraine có thể nằm chờ thông tin tình báo từ phương Tây hoặc tự mình thu thập để và tấn công tàu tuần tra Dự án 22160, vốn không có bất kỳ hệ thống phòng không tiêu chuẩn nào trên biển, ngoại trừ một số bệ phóng tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Igla.

Những chiến hạm có hệ thống phòng không tốt nhất của Hạm đội Biển Đen là 3 khu trục hạm Dự án 11356R/M, lớp Đô đốc Grigorovich với hệ thống phòng không Shtil-1 (phiên bản hải quân của Buk) có tầm bắn xa khoảng 50km, nên các chiến đấu cơ mang sát thủ chống hạm của Ukraine vẫn ung dung phóng tên lửa ngoài phạm vi tấn công của các chiến hạm này.

Sau khi hàng loạt chiến hạm Nga, trong đó có soái hạm của Hạm đội Biển Đen là tuần dương hạm Moskva bị tên lửa chống hạm R-360 Neptune Ukraine đánh chìm, việc thêm những tàu khác bị thiệt hại sẽ là một đòn đánh đau đớn khác đối với Hạm đội Biển Đen của Nga.

Do đó, trong thời gian tới chắc chắn Moscow sẽ phải có sự tăng cường binh lực cho Hạm đội này, nếu không muốn lời cảnh cáo “Hạm đội Biển Đen không còn tàu chiến nào” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trở thành hiện thực, khiến Nga mất quyền kiểm soát Biển Đen.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại