Từ nửa thế kỷ nay, chiếc cốc sần sùi, màu xanh nhạt lốm đốm bọt khí bên trong, chuyên dùng uống bia hơi đã trở nên quen thuộc trong đời sống văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Ít người biết, những chiếc cốc này có nguồn gốc tại làng Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Cuối thập kỷ 70, thế kỷ 20, một người trong làng học nghề từ Trung Quốc về mở xưởng sản xuất rồi dạy những người trong làng làm theo.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Dương, một trong ba gia đình còn giữ nghề vào trưa một ngày đầu hè nắng như đổ lửa.
Ông Dương đang cặm cụi trong xưởng thổi thủy tinh. Kéo vạt áo lau mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ phừng phừng vì nóng, ông Dương kể: “Gia đình tôi làm nghề thổi thủy tinh từ năm 1980. Tôi là đời thứ hai, được cha truyền nghề. Cách truyền nghề của gia đình tôi không giống những gia đình khác, tức là không cầm tay chỉ việc, mà hàng ngày, các con thấy cha làm thì làm theo. Cứ như vậy rồi thạo nghề. Cha nghỉ, con vào làm và làm được luôn” .
Để thổi được chiếc cốc thủy tinh hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo.
Nguyên liệu là những mảnh kính vỡ được thu mua ở các nhà máy kính, sau khi sàng lọc bụi bẩn, đập vụn sẽ đưa vào lò nung chảy, nấu và ủ trong thời gian 7 tiếng với nhiệt độ gần 1.800°C.
Khi thủy tinh vụn được nung chảy thành chất lỏng đạt tiêu chuẩn, bằng đôi bàn tay đầy kinh nghiệm, từng người thợ đưa ống sắt dài lấy ra một lượng vừa đủ, liên tục lăn khối thủy tinh đó trên bề mặt phẳng có bôi chút mỡ để tạo độ trơn, nhẵn, bóng, sau đó đưa vào khuôn, và dùng hơi thổi trực tiếp tạo thành chiếc cốc. Hơi thổi phải giữ đều, vừa phải. Vì thế, người đảm nhận công đoạn này cần có sức khỏe tốt, chịu được nhiệt độ cao và môi trường độc hại.
Chiếc cốc định hình trong khuôn được chuyển ngay sang máy giảm nhiệt rồi cắt mép cốc. Người thợ phải nhanh và đều tay, nếu không cốc sẽ bị méo hoặc lệch lòng, phải đưa về lò nung chảy, thổi lại. Xong công đoạn này, người thợ mang cốc đi ủ nguội bằng tro rơm từ 12 - 15 tiếng, cốc hạ nhiệt từ từ, tránh vỡ nứt. Cốc nguội được dỡ ra khỏi lò ủ tro, đóng gói, chuyển cho khách.
Chia sẻ kỹ năng “bán hơi” suốt mấy chục năm nay, ông Phạm Văn Dương cho biết: “Quá trình thổi thủy tinh là công đoạn khó nhất, đòi hỏi kỹ năng điêu luyện của người thợ. Thời gian đạt độ nóng chuẩn của thủy tinh rất ngắn, người thợ phải biết được độ “chín” của thủy tinh và nắm bắt được thời điểm để cho ra lò chiếc cốc hoàn chỉnh”.
Hiện tại, xưởng sản xuất cốc uống bia của ông Dương có 10 thợ luân phiên làm việc, đều là người trong làng, từng gắn bó với nghề nhiều năm. Nhóm thợ chia thành từng ca, mỗi ca làm 5 giờ đồng hồ.
Riêng ông Dương mỗi ngày không dưới 10 giờ vừa trực tiếp làm, vừa kiểm tra hướng dẫn thợ. Mùa hè, nhiệt độ trong xưởng cao, không khác gì “hỏa ngục”. Không ít lần thợ bị bỏng vì sơ ý chạm vào thủy tinh nóng. Có người môi phồng rộp lên vì thổi quá nhiều.
Trung bình mỗi ngày, xưởng sản xuất cốc uống bia truyền thống của ông Dương xuất xưởng khoảng 2.500 - 3.000 cốc, giá bán 8.000 đồng/chiếc, tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn Hà Nội.
Mặc dù hàng làm không đủ bán, nhất là vào cao điểm mùa hè, nhưng vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình ở làng Xối Trì bỏ nghề vì sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng công nghiệp và sự khắc nghiệt của công việc.
Người làm nghề thổi thủy tinh rất hao sức, dễ bị bệnh phổi, giảm thính lực, thị lực…, thu nhập lại không ổn định, trung bình mỗi thợ chỉ được khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ngày trong thời gian cao điểm. Chính ông Dương cũng từng có ý định bỏ nghề, xin làm thợ cơ khí tại khu công nghiệp, nhưng rồi ông lại day dứt, trăn trở, tiếc công việc cha truyền con nối đã nuôi sống cả gia đình qua hai thế hệ. Và, đến hôm nay, ông vẫn giữ cho lò của gia đình luôn đỏ lửa.
Ông đau đáu tìm người truyền nghề và tìm hướng phát triển mới cho nghề. Tuy nhiên, tìm được người để truyền nghề giờ là câu chuyện khó. Làng Xối Trì hiện chỉ còn 3 hộ giữ lửa nghề truyền thống trong số hơn 250 hộ dân từng làm nghề. Những người thợ lo lắng một ngày nào đó cái tên làng nghề thổi thủy tinh truyền thống Xối Trì sẽ mất đi.
"Đời tôi là đời thứ hai làm nghề thổi thủy tinh. Tuy nhiên kéo dài đến đời thứ ba chắc không được nữa. Con cháu không chịu theo nghề do cực quá lại thu nhập thấp. Còn người học nghề thì mới có đệ tử, chứ giờ có ai học đâu mà truyền" , ông Dương tâm sự.
Cả làng chỉ có một thanh niên trẻ đang theo nghề là anh Phạm Duy Tiên (25 tuổi). Do đặc thù công việc, yêu cầu kinh nghiệm cao nên dù đã học nghề gần 5 năm, anh Tiên cũng chưa thể đảm nhận được công đoạn khó là thổi thủy tinh. “Để lên được thợ chính còn cả một chặng đường dài. Tôi cần cố gắng, chắc phải trên 10 năm gắn bó với nghề mới làm được”, anh Phạm Duy Tiên thổ lộ.
Thiếu người làm, ông Phạm Ngọc Hinh năm nay dù đã ngoài 70, mắt mờ, tai lãng nhưng vẫn tất bật sớm hôm ở phân xưởng. Ông tâm sự: “Nghề thổi thủy tinh là nghề bán hơi, còn thở được thì còn bán hơi. Bao giờ hết hơi, tôi mới ngừng thổi, bỏ nghề”.
Ở những góc nhỏ của đời sống bộn bề, hiện đại, không thể phủ nhận giá trị tinh thần mà các sản phẩm thủ công mang lại. Với ông Dương, nghề làm cốc “cóc gặm” chẳng mang lại cho ông cuộc sống sung túc, nhưng ông vẫn đam mê. Cảm giác sản phẩm do mình làm ra hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, phổ biến ở nhiều nơi tiếp thêm cho ông niềm say mê, nghị lực vượt qua khó khăn, giữ lấy nghề.
Ông không gọi thứ tình cảm thiêng liêng đó bằng những mỹ từ bóng bẩy như "đam mê", hay "sống chết với nghề", mà chỉ đơn giản là "còn sức thì còn thổi thôi".
Ông hiểu rõ, muốn phát triển làng nghề và quảng bá sản phẩm mình làm ra thì cần có nhiều hướng tiếp cận mới trên thị trường. Tuy nhiên, tuổi cao, sức yếu, lại không thành thạo về máy móc, công nghệ, nên việc mở rộng mô hình kinh doanh hay quảng bá sản phẩm ra thị trường đối với những người thuộc thế hệ ông ở làng thổi thuỷ tinh Xối Trì vẫn là một bài toán khó.