Vẻ đẹp 'thần kỳ tới từng chi tiết' của công viên Studio Ghibli

Hoàng Linh |

Sau 5 năm, công viên chủ đề của Studio Ghibli sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan trong sự háo hức của đông đảo người hâm mộ.

Vẻ đẹp thần kỳ tới từng chi tiết của công viên Studio Ghibli - Ảnh 1.

Studio Ghibli xây dựng công viên chủ đề dựa trên ý tưởng của Hayao Miyazaki - nhà đồng sáng lập hãng phim hoạt hình Ghibli như là một cách để tỏ lòng kính trọng với những đóng góp quan trọng của ông.

Studio Ghibli công bố kế hoạch xây dựng công viên chủ đề vào năm 2017 sau khi Miyazaki thông báo sẽ nghỉ hưu, dù vậy ông vẫn trở lại làm việc với các dự án sản xuất phim hoạt hình mới sau đó.

Cánh cửa bước sang xứ sở thần tiên

Công viên Studio Ghibli được coi là khu giải trí “tích hợp" đầu tiên của Nhật Bản, được xây dựng nằm trong khu vực công cộng nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường. Chú trọng tới tính bền vững khi thiết kế công viên, hãng phim đã tận dụng nhiều nguồn vật liệu lấy từ khu vực lân cận. Điểm tham quan chính của công viên chủ đề là khu Ghibli’s Grand Warehouse - được nâng cấp lại từ một tổ hợp bể bơi - sân băng trong nhà.

Vẻ đẹp thần kỳ tới từng chi tiết của công viên Studio Ghibli - Ảnh 2.

Một góc bên trong khu Grand Warehouse của công viên Studio Ghibli. (Ảnh: Shiho Fukada/The Washington Post)

Theo nhận xét của phóng viên Washington Post, phối cảnh bên trong công viên Studio Ghibli rất ấn tượng và chân thực, tạo ra cảm giác giúp khách tham quan hòa mình vào thế giới trong những bộ phim của Ghibli.

Khách tham quan sẽ thấy bản thân là nhân vật chính trong phim hoạt hình thay vì đang đi dạo quanh một công viên thông thường. Đây là một trải nghiệm choáng ngợp nhưng đầy bình yên.

Công viên dự kiến sẽ có 5 khu vực tham quan. Ba khu vực sẽ được mở cửa vào đầu tháng 11 tới. Khu vực chính Grand Warehouse là khu trưng bày, tái tạo lại khung cảnh từ 14 tác phẩm kinh điển của Ghibli. Trong khu rừng Dondoko, khách tham quan sẽ tìm thấy ngôi nhà của Satsuki và Mei trong phim “Hàng xóm của tôi là Totoro". Cửa hàng đồ cổ của Nishi trong “Lời thì thầm của trái tim" và Văn phòng mèo trong phim “Loài mèo trả ơn" sẽ có mặt trong khu Hill Of Youth (Ngọn đồi Tuổi xuân).

Mùa thu năm sau, hãng phim sẽ khai trương thêm khu làng Mononoke, dựa trên phim “Công chúa Mononoke". Mùa xuân năm 2024, công viên sẽ chào đón thêm khu Valley of Witches (Thung lũng Phù thuỷ), dựa trên phim “Lâu đài bay của pháp sư Howl" và “Dịch vụ chuyển phát của phù thuỷ Kiki".

Vẻ đẹp thần kỳ tới từng chi tiết của công viên Studio Ghibli - Ảnh 3.

Phòng ngủ của Arrietty và nhân vật Marco được trưng bày bên trong khu Grand Warehouse. (Ảnh: Shiho Fukada/The Washington Post)

Thần kỳ tới từng chi tiết

Khách tham quan sẽ phải ngạc nhiên với sự tỉ mẩn của hãng phim Ghibli. Địa điểm nào trong công viên cũng tràn ngập những bất ngờ nho nhỏ, đặc biệt là khu Grand Warehouse.

Trải dài khắp công viên là những bó hồng ẩn mình trong các góc, còn thường được gọi Makkuro Kurosuke. Rơi rớt khắp chốn là những tờ hợp đồng cùng với tên tuổi của nạn nhân bị phù thuỷ Yubaba đánh cắp trong phim “Sen và Chihiro ở thế giới thần bí”. Đâu đó chú Totoro nằm ngủ say trong một góc khu vui chơi trẻ em. Chú gấu trúc trong “Trận chiến gấu trúc” như đang sống dậy với nhiều biểu cảm rất chân thực. Những trái sồi nằm rải rác dọc đường tới khu rừng Dondoko. Bếp ga bập bùng cháy trong cửa hàng đồ cổ của Nishi. Từng giọt nước trở nên khổng lồ long lanh khi ngắm nhìn thế giới qua con mắt của Arrietty.

Du khách sẽ liên tục trầm trồ, thán phục sự sáng tạo không giới hạn và tỉ mỉ tới từng chi tiết của hãng phim Ghibli.

Trong các bộ phim hoạt hình Ghibli, từng món ăn đều hiện lên sống động, gần như một nhân vật có khả năng tương tác với người xem.

Vẻ đẹp thần kỳ tới từng chi tiết của công viên Studio Ghibli - Ảnh 4.
Vẻ đẹp thần kỳ tới từng chi tiết của công viên Studio Ghibli - Ảnh 5.

Một góc trưng bày những món ăn xuất hiện trong phim hoạt hình Ghibli. (Ảnh: Shiho Fukada/The Washington Post)

Biết được điều này, hãng phim dành một khoảng không gian riêng để trưng bày những món ăn đã thành biểu tượng trong lòng độc giả như bánh cá của Kiki, thịt xông khói cùng trứng rán trong “Lâu đài bay của pháp sư Howl", quầy thức ăn nơi bố mẹ Chihiro biến thành heo, mỳ ý bolognese trong “Porco Rosso” và nhiều món ngon khác nữa.

Khu vực này cũng sẽ đưa khán giả trải nghiệm quá trình vẽ nên những món ăn này cùng với hoạt cảnh mô phỏng kích thước thật của một số cảnh trong phim.

Góc trời hoài cổ

Từng góc trong công viên đều mang đậm chất Ghibli - rất đơn giản và hoài cổ. Trong công viên có một tiệm đồ ngọt với những loại kẹo đã không còn bán tại Tokyo, một máy bán hàng tự động kiểu cũ chứa đồ chơi trong viên con nhộng và một quầy đồ tráng miệng bán sữa đóng chai kèm bánh ngọt.

Những chi tiết này đều xuất phát từ truyền thống vẽ phim hoạt hình hoàn toàn bằng tay, không sử dụng máy tính của Miyazaki.

Công viên Ghibli nằm gọn trong khu kỷ niệm Aichi Expo 2005. Từ Tokyo, hành khách có thể di chuyển tham quan trong ngày bằng các phương tiện công cộng.

Vẻ đẹp thần kỳ tới từng chi tiết của công viên Studio Ghibli - Ảnh 6.
Vẻ đẹp thần kỳ tới từng chi tiết của công viên Studio Ghibli - Ảnh 7.

Khách tham quan sẽ phải ngạc nhiên với sự tỉ mẩn của Studio Ghibli khi từng cảnh phim được tái hiện một cách chân thực nhất. (Ảnh: Shiho Fukada/The Washington Post)

Công viên mở cửa với mọi lứa tuổi và dự kiến đón khoảng 5.000 lượt khách mỗi ngày. Vé vào cửa cho từng khu vực được mở bán trên website vào ngày 10 hàng tháng. Giá vé trẻ em dao động từ 3.5 USD đến 9 USD và từ 7 USD tới 17 USD đối với người lớn.

Du khách được khuyên nên đi giày thể thao vì quãng đường đi bộ khá nhiều. Sẽ có xe buýt đưa khách tới rừng Dondoko nhưng du khách nên đi bộ vì cảnh vật hai bên đường rất đẹp và thư giãn. Khách nên mang theo đồ ăn nhẹ và nước uống vì trong công viên không có nhiều máy bán nước tự động.

Các biển chỉ báo, chỉ dẫn và mô tả hầu như hoàn toàn bằng tiếng Nhật nên người không biết tiếng bản địa sẽ gặp khó khăn trong lúc tham quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại