Yonhap đưa tin hôm nay (7/5), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên cần dừng các hành động làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên , đồng thời bày tỏ sự quan ngại sau vụ việc Bình Nhưỡng cho phóng loạt vật thể bay được cho là tên lửa tầm ngắn hồi cuối tuần qua.
Hôm 4/5, Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc (JCS) cho biết, Triều Tiên đã cho “phóng vài quả đạn tầm ngắn” liên quan tới một loại vũ khí dẫn hướng chiến thuật mới. Những quả đạn này được phóng từ hệ thống phóng rocket đa nòng 240 mm và 300 mm về phía biển Nhật Bản từ đảo Hodo gần thị trấn biển phía đông Wonsan trong khoảng thời gian từ 9h06 – 10h55 (giờ địa phương).
Cũng theo JCS, những vật thể được Triều Tiên phóng đã bay xa từ 70 – 240 km và ở trên độ cao từ 20 – 60 km.
“Chúng tôi đặc biệt quan ngại về vụ phóng đạn của Triều Tiên . Đây là hành động vi phạm tinh thần trong các thỏa thuận quân sự liên Triều. Chúng tôi hối thúc Triều Tiên cần dừng những hành động làm gia tăng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên”, bà Choi Hyun-soo, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh.
Hồi tháng Chín năm ngoái, Hàn – Triều đã ký kết "Hiệp ước quân sự toàn diện" bên lề cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Moon Jae-in và Chủ tịch Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng.
Theo hiệp ước, hai nước cam kết triển khai các biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin cũng như chấm dứt những hành động thù địch chống lại nhau.
Trong ba ngày qua, giới chức quân sự Hàn Quốc vẫn đang khẩn trương xác định chính xác loại vũ khí dẫn hướng chiến thuật mới mà Triều Tiên phóng hôm 4/5 là gì. Một số ý kiến cho rằng, đây là tên lửa đạn đạo, song chính phủ Hàn Quốc vẫn không thừa nhận trước mối lo gây tác động xấu tới tiến trình đàm phán với chính phủ Triều Tiên.
Phân tích dựa trên những bức ảnh được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố, một số chuyên gia nhận định đây là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn. Cụ thể, đây là một phiên bản tên lửa của Triều Tiên dựa trê nguyên mẫu tên lửa Iskander của Nga.
Tên lửa Iskander do Nga sản xuất sử dụng nhiên liệu rắn và có thể bay xa 300 km. Với khoảng cách hoạt động 300 km, toàn bộ bán đảo Triều Tiên nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa Iskander. Thậm chí, Iskander còn có thể vô hiệu hóa Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại mà Mỹ triển khai ở Hàn Quốc. Ngoài ra, khả năng tiêu diệt Iskander trước khi tên lửa này được phóng là dường như không thể, bởi Iskander có tính linh động cao, theo giới chuyên gia.
Còn theo JCS, hệ thống radar ghi nhận các vật thể được Triều Tiên phóng hôm 4/5 đã bay xa khoảng 240 km và độ cao tối đa vươn tới là 60 km. Trong khi đó, các tên lửa đạn đạo có thể đạt độ cao là 80 km khi bay ở khoảng cách xa.
“Đường bay của các loại vũ khí chiến thuật mà Triều Tiên vừa phóng thử vẫn chỉ tương tự với loại pháo được phóng từ hệ thống phóng rocket đa nòng”, một quan chức quân đội Hàn Quốc nhận định.
Một số chuyên gia còn khẳng định độ cao tối đa mà tên lửa Iskander của Nga có thể đạt là khoảng 50 km.
Bên cạnh đó, việc Tướng Pak Jong-chon, người đứng đầu lực lượng pháo binh Triều Tiên bên cạnh Chủ tịch Kim Jong-un trong vụ phóng hôm 4/5 làm dấy lên mối nghi ngờ Bình Nhưỡng cho phóng thử pháo thay vì tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, Lực lượng Tên lửa chiến thuật của Triều Tiên do Tướng Kim Rak-gyom đứng đầu. Cơ quan này phụ trách kiểm soát các loại tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Song tên lửa tầm ngắn KN-02 của Triều Tiên lại đang được các binh sĩ thuộc lực lượng pháo binh quản lý và sử dụng.
Điểm đáng tranh cãi là ban đầu JCS thông báo Triều Tiên đã cho phóng “các tên lửa tầm ngắn”, nhưng sau đó sửa lại thành “đạn tầm ngắn”. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã từ chối đưa ra lời bình luận về việc vì sao JCS sửa đổi thông tin.
Và nếu vật thể Triều Tiên phóng hồi cuối tuần qua được xác định là tên lửa đạn đạo , điều này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đã vi phạm lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Theo đó, LHQ cấm Triều Tiên cho phóng thử mọi loại tên lửa đạn đạo.