Bức ảnh "triệu tấm được 1": Vệ tinh bắt chính xác vị trí Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn

Hải Võ |

Hình ảnh vệ tinh mà đài CNN có được thể hiện rõ vệt khói từ tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên phóng thử nghiệm hôm thứ Bảy, 4/5.

Ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không Phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết: "Vị trí phóng, độ dày [đám khói], đuôi khói cùng thực tế chỉ có một vệt khói, tất cả đều thể hiện đây chính là tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Triều Tiên công bố trong thông tin tuyên truyền của họ."

Viện Middlebury đã cung cấp cho CNN hai hình ảnh vệ tinh vệt khói xuất hiện khi Triều Tiên phóng tên lửa.

Vụ phóng tên lửa hôm 4/5 là vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo đầu tiên mà Bình Nhưỡng tiến hành kể từ năm 2017, sau khi nước này tiến hành một loạt nỗ lực ngoại giao để hòa dịu tình hình bán đảo trong năm 2018, bao gồm 3 hội nghị thượng đỉnh liên Triều và 1 hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Động thái mới nhất được cho là cảnh báo rõ ràng từ lãnh đạo Kim Jong Un về sự bất mãn của Triều Tiên đối với Mỹ trong tiến triển đàm phán hạt nhân. Ông Kim và tổng thống Mỹ Donald Trump đã không đạt được thỏa thuận nào tại cuộc gặp song phương mới nhất hồi tháng 2 vừa qua.

Vụ thử tên lửa diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi ông Kim công du Vladivostok và gặp gỡ tổng thống Nga Vladimir Putin, và là tín hiệu sẽ còn nhiều vụ thử khác trong tương lai.

Lewis cho hay, vụ phóng tên lửa tầm ngắn bắt đầu vào khoảng 9h06 sáng 4/5 (giờ địa phương). Đến khoảng sau 10h, Bình Nhưỡng phóng tiếp một tên lửa nữa và hình ảnh đám khói của vụ phóng này đã được vệ tinh của Planet Labs - đơn vị hợp tác với Viện Middlebury - ghi lại.

"Đây là tấm hình 1 triệu mới được 1," Lewis nói với CNN. Tên lửa Triều Tiên "được phóng ra đúng thời điểm này" và bức ảnh được chụp "trong vòng vài giây, có thể và vài phút".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác nhận vũ khí mà Bình Nhưỡng thử nghiệm "có tầm bắn tương đối ngắn" và "rơi xuống vùng biển phía đông Triều Tiên, không gây đe dọa nào đối với Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật Bản".

Ông Pompeo vẫn cho thấy thái độ lạc quan, "tin rằng vẫn còn cơ hội" để tiến tới phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên và Mỹ hy vọng "chúng ta có thể trở lại bàn đàm phán để tìm ra lộ trình phía trước". Ông cho biết thêm, giới chức Mỹ vẫn kết nối với những đại diện của Triều Tiên từ sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cam kết với Mỹ về việc không thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, do đó vụ thử tên lửa tầm ngắn hôm mùng 4 không vi phạm thỏa thuận của ông với ông Trump, nhưng có đi ngược lại bản ghi nhớ giữa Bình Nhưỡng và Seoul về việc ngừng phóng tên lửa để xây dựng lòng tin.

Lewis nhận thấy khả năng "lịch sử lặp lại" giống như lời hứa của Triều Tiên hồi đầu thập niên 2000 về không thử tên lửa tầm xa. Bình Nhưỡng đã giữ lời trong vài năm, cho đến năm 2006 thì họ bắt đầu lại với việc thử tên lửa tầm ngắn.

"Đó là một lời cảnh cáo," Lewis phân tích. "Hiện nay đàm phán đang bế tắc. Họ thử một vụ phóng tên lửa tầm ngắn và đến tháng 7 thì thực hiện vụ thử lớn" sử dụng tên lửa tầm xa Taepodong 2.

"Đây là nước đi khá cổ điển từ Triều Tiên khi mở đầu bằng hành động nhỏ và tăng dần lên. Đó là lời cảnh báo rằng sẽ còn có thêm hành động."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại