Một vật thể đâm xuyên qua một ngôi nhà ở Florida là một phần của một chiếc pallet được thả ra khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cùng với 2,9 tấn pin cũ vào tháng 3 năm 2021. Ngôi nhà này ở thành phố biển Naples, thuộc về Alejandro Otero.
Ngay sau sự cố ngày 8/3 vừa qua, Otero, chủ ngôi nhà bị mảnh rác vũ trụ rơi xuống, cho biết ông nghĩ vật thể này là một phần của pallet chở hàng chứa 2.630 kg pin cũ được vứt bỏ từ ISS vào tháng 3 năm 2021.
Và ông đã đúng, theo một phân tích mới của NASA về vật thể này, được thực hiện tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida.
Mảnh vỡ từ thiết bị hỗ trợ chuyến bay của NASA
“Dựa trên kết quả kiểm tra, NASA xác định mảnh vỡ là một vật cố định từ thiết bị hỗ trợ chuyến bay của NASA dùng để gắn pin lên pallet chở hàng”, các quan chức cơ quan viết trong bản cập nhật ngày 15/4.
Họ cho biết thêm, mảnh rác vũ trụ hình trụ được làm bằng hợp kim kim loại có tên là Inconel. Nó nặng 0,7 kg và cao 10 cm x rộng 4 cm.
Pin niken-hydrua đã bị vứt bỏ sau khi các phiên bản lithium-ion mới được chuyển đến ISS để nâng cấp nguồn điện. Các quan chức NASA cho biết trong bản cập nhật ngày 15/4 rằng, pallet và pin dự kiến sẽ bốc cháy hoàn toàn trong bầu khí quyển Trái đất - nhưng điều đó đã không xảy ra và cơ quan này muốn tìm hiểu lý do.
Các chuyên gia của NASA sử dụng các mô hình kỹ thuật để ước tính cách các vật thể nóng lên và vỡ ra trong quá trình quay trở lại khí quyển. Những mô hình này yêu cầu các thông số đầu vào chi tiết và được cập nhật thường xuyên khi các mảnh vỡ được phát hiện vẫn còn sót lại trong khí quyển và quay trở lại mặt đất.
Đây là một lời nhắc nhở rằng có rất nhiều mảnh rác vũ trụ đang lướt qua đầu chúng ta.
Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, quỹ đạo Trái đất chứa khoảng 36.500 mảnh rác vũ trụ có chiều rộng ít nhất 10 cm và con số khổng lồ là 130 triệu vật thể có đường kính ít nhất 1 mm. Ngay cả những mảnh vỡ nhỏ này cũng gây nguy hiểm cho vệ tinh và các tài sản quay quanh quỹ đạo khác do chúng di chuyển với tốc độ cực lớn.
Và đã được chứng minh, thỉnh thoảng một số rác này sẽ quay trở lại Trái đất. Ví dụ, các tầng lõi nặng 23 tấn của tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc thường xuyên rơi vào trạng thái mất kiểm soát khoảng một tuần sau khi phóng, khiến cộng đồng vũ trụ quốc tế lo ngại.