Vào ngày 24-2-1987, các nhà thiên văn đã chụp được một vụ nổ sao cực sáng xảy ra bên ngoài thiên hà chứa Trái Đất Milky Way. Đó là vụ nổ siêu tân tinh rực rỡ đến nỗi có thể quan sát được bằng mắt thường từ Trái Đất.
Hình ảnh từ CHANDRA (trái) và ảnh đồ họa mô tả vật thể đáng sợ là sao neutron nằm giữa một tinh vân tuyệt đẹp - Ảnh: NASA
Theo Phys.org, các nhà khoa học từ NASA và nhiều viện, trường trên thế giới đã mất 34 năm để truy tìm ngôi sao phát nổ đó, nhằm quan sát xem nó sẽ tiến hóa như thế nào. Cuối cùng, vừa qua, dữ liệu từ Đài quan sát tia X CHANDRA và Mảng kính viễn vọng quang phổ hạt nhân (NuSTAR) của NASA và kính viễn vọng ALMA đặt tại Chile đã hé lộ những chi tiết xác thực nhất về thế giới sau vụ nổ ở siêu tân tinh SN 1987A.
Theo giáo sư Emanuele Greco từ Đại học Palermo (Ý), trưởng nhóm nghiên cứu, một sao neutron đã ra đời giữa vụ nổ. Để tìm được nó, họ đã phải sàng lọc dữ liệu hỗn độn của các mảnh vụn sao suốt hơn 3 thập kỷ.
Bất ngờ hơn, họ nhận thấy sao neutron này dường như phát ra nhiều năng lượng hơn dự kiến, cho thấy nó có thể là một sao xung (plusar). Sao xung là dạng sao neutron quay nhanh và có độ từ hóa cao, tạo ra chùm bức xạ giống ngọn hải đăng cùng các cơn gió sao giàu năng lượng, có thể được phát hiện dưới dạng một tinh vân plusar tuyệt đẹp.
Bài công bố trên Astrophysical Journal cho biết họ dự kiến khoảng 10 năm nữa sự phát xạ từ sao xung sẽ rõ ràng hơn, giúp xác nhận được sự tồn tại của ngôi sao neutron đặc biệt.
Sao neutron có thể hiểu là một dạng "xác sống" đầy năng lượng của một ngôi sao. Khi ngôi sao như Mặt Trời cạn năng lượng, nó sẽ phình to thành ngôi sao đỏ khổng lồ rồi sụp đổ lần 1 thành sao lùn trắng, nhỏ và giàu năng lượng hơn. Sao lùn trăng tiếp tục tiến hóa rồi chết lần 2 trong một vụ nổ siêu tân tinh, mà kết quả có thể là sự ra đời của một sao neutron, bán kính chỉ 10-20 km, nhưng cực giàu năng lượng và là một trong những vật thể mạnh nhất vũ trụ.