Vật liệu bí ẩn chịu được cả nhiệt độ Mặt trời và bom hạt nhân - Kỳ 1

Thu Hằng |

Hãy tưởng tượng các ứng dụng vĩ đại của vật liệu có thể chịu được nhiệt độ 10.000 độ C. Đó là nhiệt độ bề mặt của Mặt trời hoặc vụ nổ bom hạt nhân. Một người tên là Maurice Ward đã sáng chế ra thứ vật liệu kỳ diệu này vào năm 1986.

PHÁT MINH CỦA ANH THỢ LÀM TÓC

Đó là một loại nhựa đặc biệt có thể chịu được ngay cả một đèn flash hạt nhân có khả năng làm tan chảy miếng thép dày trong phòng thí nghiệm. Vấn đề là phát minh của Maurice Ward chưa bao giờ được đưa ra thị trường.

Ward giữ bí mật công thức của mình do không thỏa hiệp được với các đối tác ứng dụng, và khi Maurice Ward qua đời vào năm 2011, những bí ẩn của vật liệu Starlite cũng chết cùng với ông.

Vật liệu bí ẩn chịu được cả nhiệt độ Mặt trời và bom hạt nhân - Kỳ 1 - Ảnh 1.

Từ một thợ làm tóc, Maurice Ward trở thành người phát minh ra vật liệu không thể bị đốt cháy và cũng không thải khí độc khi bị đốt.

Các nhà khoa học đã luôn có thể xác định các vấn đề và tìm ra những cách khéo léo để vượt qua chúng. Tuy nhiên, Maurice Ward không phải là nhà khoa học. Anh chỉ là một thợ cắt tóc ở Hartlepool, vùng Yorkshire, nước Anh, người luôn mong ước biến thế giới trở thành một nơi an toàn hơn, tốt đẹp hơn.

Cảm hứng cho phát minh của Ward xuất phát từ một bi kịch. Năm 1985, 55 người thiệt mạng trên một chiếc máy bay của hãng hàng không British Airtours trong vòng 40 giây sau khi một đám cháy bùng phát.

Nhưng không phải sức nóng hay ngọn lửa đã giết chết họ. Các nạn nhân tử vong vì hít khói và khói độc. Maurice đã xác định được vấn đề. Bước tiếp theo của anh là tìm câu trả lời.

Từ làm tóc đến Starlite

Là một thợ làm tóc, Maurice rất nổi tiếng ở địa phương. Anh đã dành nhiều năm để học thiết kế và pha trộn thuốc nhuộm tóc của riêng mình. Ward tự tin rằng những bộ tóc do anh cắt nhuộm không bao giờ có thể sao chép. Cùng với vợ Eileen và bốn cô con gái, Ward điều hành một tiệm chăm sóc tóc có tiếng, khách hàng đổ xô đến đây từ khắp miền bắc nước Anh.

Anh thợ làm tóc Maurice Ward chưa bao giờ theo học đại học, cũng như không được đào tạo chính thức về hóa học.

Người dẫn chương trình Steven Rinehart phỏng vấn Maurice Ward vào khoảng năm 2009, và đây là những gì Ward đã nói về cách nền tảng của anh dẫn đến Starlite: “Tôi nghĩ có lẽ tôi đã học hỏi một chút, tôi có thể đã đọc được một chút, nhưng tôi phải tìm cách tìm ra loại vật liệu mà chúng tôi cần sử dụng, điều đó không dễ.

Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm của tôi trong việc làm tóc thực sự có ích. Chúng tôi thường pha màu nhuộm. Tôi đã có khoảng 20 năm làm tóc và mất khoảng ba năm để học cách tạo màu. Đó thực sự là gốc rễ để tôi đi đến tạo ra các chế phẩm và công thức trong những vật liệu thực tế mà chúng tôi đã sử dụng trong Starlite".

Một rào cản nhiệt mới

Rồi một cơ hội mới mở ra khi Ward mở thêm một doanh nghiệp tái chế nhựa. Doanh nhân khéo tay mua một chiếc máy đùn từ tập đoàn Imperial Chemical Industries (ICI). Cỗ máy cồng kềnh này là một hệ thống tạo ra những khoang chéo bằng nhựa và chiếm nhiều không gian trong nhà máy của ông.

Gần như ngay lập tức Ward bắt đầu mày mò khám phá chiếc máy. Càng say sưa thử sức với "món đồ chơi" mới, Ward ngày càng mất đi niềm đam mê làm tóc. Cuối cùng ông đã đi đến tạo ra một vật liệu chẳng khác gì mấy so với... phế liệu.

Ward chán nản, quên luôn chiếc máy cho đến khi ông xem bản tin về chiếc máy bay Airtours bị cháy, cướp đi mạng sống của 55 hành khách vào năm 1985.

Maurice Ward đã bị sốc bởi thảm kịch này đến mức ông quyết tâm xem liệu có thể tạo ra một chất chịu được sức nóng dữ dội mà không phát ra khí hay khói độc không.

Ward lao mình vào việc, và cuối cùng đã phát hiện ra công thức cho một vật liệu mới, được ông đặt là Starlite theo tên cô cháu gái. Mặc dù từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào về cách chế tạo ra Starlite, Ward cũng đã tiết lộ một số bí mật về nó.

Chất bí ẩn này được dựa trên sự kết hợp của 21 polyme và copolyme với một số đồ gốm bổ sung. Ở dạng này, Starlite có thể dễ dàng chịu được nhiệt độ vượt ra khỏi những trí tưởng tượng điên rồ nhất mà không phát ra bất kỳ khói hoặc khói độc nào.

Ngoài ra, sức mạnh và độ bền của nó được cho là được tăng cường khi thử nghiệm. Starlite có thể chịu được sức nóng của một đèn flash hạt nhân, với nhiệt độ cao gấp ít nhất ba lần điểm nóng chảy của kim cương.

Nó còn được cho là linh hoạt và có thể được đúc thành các hình thù khác nhau.

Diện mạo thế giới của ngày mai

Tin tức về vật liệu Starlite đã đến tai các nhà sản xuất chương trình Tomorrow’s World của BBC. Vào tháng 3/1990, chương trình đã chứng minh Starlite có hiệu quả thực sự.

Họ dùng Starlite bọc lấy một quả trứng. Sau đó, một máy khò tạo ra nhiệt 1200 độ C xì lên quả trứng. Ngọn lửa không thể gây ra bất kỳ thiệt hại nào. Không chỉ là vỏ trứng không cháy, mà lòng đỏ bên trong vẫn còn nguyên ngay cả sau khi tiếp xúc liên tục trong 5 phút.

Xem thí nghiệm của BBC với Starlite:

Vật liệu bí ẩn chịu được cả nhiệt độ Mặt trời và bom hạt nhân - Kỳ 1 - Ảnh 3.

Bắt đầu bằng việc dùng máy hàn xì chiếu vào quả trứng bình thường, quả trứng vỡ ngay.

Vật liệu bí ẩn chịu được cả nhiệt độ Mặt trời và bom hạt nhân - Kỳ 1 - Ảnh 4.

Tiếp theo, dùng Starlite bọc lấy quả trứng và tiếp tục hơ lửa hàn xì. Quả trứng còn nguyên

Vật liệu bí ẩn chịu được cả nhiệt độ Mặt trời và bom hạt nhân - Kỳ 1 - Ảnh 5.

Thậm chí sau khi đập vỡ, lòng trứng vẫn lỏng như bình thường.

Người dẫn chương trình của BBC Peter Macann tắt ngọn lửa hàn. Anh cầm lấy quả trứng bằng tay trần, đập vỡ đôi, và chứng minh rằng Starlite có hiệu quả cao như một rào cản nhiệt: Bên trong vỏ chỉ khoảng 35 độ C - hầu như không ấm!

Macann thừa nhận rằng có những vật liệu chịu nhiệt khác, nhưng không thứ nào có thể hấp thụ nhiệt mà không thải ra khói độc. Maurice Ward bằng cách nào đó đã phát triển một loại vật liệu có khả năng và ứng dụng vô tận.

Đón xem Kỳ 2: Thử nghiệm với 10.000 độ C

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại