Tam đại mãng xà Việt Nam: Trăn gấm - Bậc thầy đi săn, có cú đớp "nhanh như điện"

Trang Ly |

Với sức mạnh nổi trội về cơ bắp, trăn gấm có thể tạo ra một cú đớp "nhanh như điện" khiến con mồi khó có cơ hội thoát.

Đọc các phần trước về trăn cộc và trăn đất, tại đây.

Trong bộ "Tam đại mãng xà" của Việt Nam, nếu như trăn đất Python molurus là quán quân về kích thước, cân nặng trong các loài rắn tìm thấy ở Việt Nam, còn trăn cộc Python brongersmai nổi tiếng với hoa văn tinh tế và là loài trăn hiếm có của Việt Nam thì loài trăn gấm Python reticulatus trong bài viết này lại nổi tiếng với kỹ năng săn mồi tuyệt đỉnh.

Theo ông Phùng Mỹ Trung (Vncreatures) cho biết trên VnExpress, sức mạnh về cơ bắp giúp trăn gấm tạo ra một cú đớp "nhanh như điện" với hàm răng sắc nhọn khiến con mồi khó có cơ hội thoát.

Một khi con mồi bị giữ chặt bằng chiếc hàm sắc khoẻ, trăn gấm dùng cơ thể khổng lồ của mình siết chặt nó cho đến khi tắt thở. Sau đó, trăn sẽ buông lỏng con mồi và bắt đầu thưởng ngoạn bữa ăn ngon lành của mình.

Tam đại mãng xà Việt Nam: Trăn gấm - Bậc thầy đi săn, có cú đớp nhanh như điện - Ảnh 1.

Hình ảnh một con trăn gấm Python reticulatus trên thế giới. Ảnh: Internet

Dữ liệu của website Sinh vật rừng Việt Nam (Vncreatures) trích từ Sách Đỏ Việt Nam mô tả rõ đặc điểm nhận dạng của loài trăn gấm Python reticulatus. Cụ thể:

Trăn gấm Python reticulatus cái trưởng thành có thể dài tới 6-7m, nặng đến 90kg; trăn gấm đực thì nhỏ con hơn, chỉ dài 4,5m, nặng 45kg. Website Animaldiversity cung cấp kích thước và cân nặng của cá thể trăn gấm lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại: Nặng 270kg và dài đến 9m. Cân nặng trung bình đạt 150kg.

Môi trường sống yêu thích của chúng là rừng thưa, nơi có đồi núi thấp hoặc savan cây bụi, đặc biệt nơi sống đều ở gần môi trường nước. Chính vì sống gần nước nên chúng cũng là "tay bơi" rất giỏi.

Loài trăn cơ bắp này ưa sống và săn mồi về ban đêm. Thức ăn khoái khẩu của chúng là các loài động vật hằng nhiệt, như chim, lợn...

Khác với loài trăn cộc hiếm có, trăn gấm Python reticulatus phân bố ở nhiều khu vực miền Trung và Nam Việt Nam, cụ thể ở Đà Nẵng, Kontum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hoà, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên thế giới, chúng được tìm thấy ở Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines.

Một số hình ảnh/đặc điểm khác về loài trăn gấm Python reticulatus:

Tam đại mãng xà Việt Nam: Trăn gấm - Bậc thầy đi săn, có cú đớp nhanh như điện - Ảnh 3.

Đầu trăn gấm nhỏ dài, phân biệt rõ với cổ. Bốn tấm vảy môi trên đầu tiên, ở mỗi tấm có một lỗ cảm giác (lỗ môi). Ảnh: Phùng Mỹ Trung (Vncreatures)

Tam đại mãng xà Việt Nam: Trăn gấm - Bậc thầy đi săn, có cú đớp nhanh như điện - Ảnh 4.

Trăn gấm có thể đẻ tới 100 trứng/ lứa, trăn mẹ có tập tính cuốn lấy trứng. Trứng nở sau khoảng hai tháng rưỡi đến 3 tháng. Con non mới nở dài khoảng 60 đến 75cm.

Tam đại mãng xà Việt Nam: Trăn gấm - Bậc thầy đi săn, có cú đớp nhanh như điện - Ảnh 5.

Mặt lưng trăn gấm có màu vàng be hay vàng nâu với những vân xám đen nối với nhau làm thành những mắt lưới. Ảnh: Phùng Mỹ Trung (Vncreatures)

Tam đại mãng xà Việt Nam: Trăn gấm - Bậc thầy đi săn, có cú đớp nhanh như điện - Ảnh 6.

Mặt bụng và dưới đuôi trăn gấm có màu trắng hoặc vàng nhạt với những chấm nhỏ màu nâu xám hay đen. Cá thể cái trưởng thành thường lớn hơn cá thể đực trường thành. Ảnh: Phùng Mỹ Trung (Vncreatures)

Bài viết sử dụng nguồn: Animaldiversity, Vncreatures

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại