Nhiếp ảnh là một trong những nghề khá nguy hiểm, đặc biệt đối với những nhiếp ảnh gia chụp hình động vật hoang dã. Để có được những bức hình sắc nét, bắt được những khoảnh khắc tuyệt vời của tự nhiên, họ đã lâm vào những tình huống nguy hiểm chết người.
Hãy cùng lắng nghe câu chuyện hay "tai nạn nghề nghiệp" của những nhiếp ảnh gia động vật hoang dã dưới đây:
1. Thoát chết kỳ lạ sau khi bị Mamba đen tấn công
Bức ảnh chụp Mamba đen.
Rắn Mamba đen là một trong những loài rắn độc, hung dữ nhất trên thế giới. Một vết cắn của loài rắn châu Phi được mệnh danh là "quan tài di động" này có thể giết chết một người trưởng thành trong vòng vài giờ nếu không được chữa trị kịp thời. Thực tế, không có nhiều người có khả năng sống sót sau khi bị rắn Mamba đen tấn công.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ vẫn có thể xảy ra. Đó là trường hợp của nhiếp ảnh gia Mark Laita. Anh là một trong số ít những người sống sót sau khi bị Mamba đen cắn. Điều thú vị là Mark Laita lại chụp được khoảnh khắc con rắn ngoạm vào chân anh.
Bức ảnh rắn Mamba đen cắn vào chân của nhiếp ảnh gia Mark Laita. Photo credit: Petapixel.com
Năm 2012, Mark Laita đang làm một cuốn sách viết về các loài rắn độc, anh đến vùng Trung Mỹ để chụp hình một số loài rắn độc với sự hỗ trợ của một người sưu tầm rắn lâu năm. Người này đã rút hết nọc độc của các con rắn chuẩn bị lên hình, ngoại trừ một con Mamba đen.
Trong khi chụp hình con Mamba đen, vì hung dữ, con vật đã thoát ra và tấn công vào chân trái của Mark Laita. Mark Laita đã chảy rất nhiều máu nhưng vẫn sống sót mà không cần điều trị. Người nhiếp ảnh gia cho rằng, mình may mắn thoát chết là vì rất có thể con Mamba đen tấn công anh hôm đó không phóng nọc độc cùng vết cắn.
2. Chụp hình sư tử tức giận ở khoảng cách 3 mét
Photo credit: Elitedaily.com
Đó trường hợp của nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Atif Saeed. Vụ việc xảy ra tại một công viên hoang dã ở Lahore, Pakistan. Khi lái xe quanh công viên, Atif Saeed phát hiện một con sư tử đực.
Atif Saeed nhanh chóng tiến về phía con sư tử, xuống xe và lấy bộ máy ảnh chuyên dụng tiến hành chụp hình con vật ở khoảng cách 3m.
Con sư tử đực như cảm thấy bị quấy rầy, nó đột ngột chạy về phía nhiếp ảnh gia. Atif Saeed may mắn thoát chết vì đã để mở cửa xe, kịp thời đóng cửa lại trước khi con vật hung hăng, khổng lồ lao tới.
3. Suýt chết vì bị bò bison châu Mỹ nặng 1 tấn tấn công
Photo credit: Fstoppers.com
Willis Chung là một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã. Trong một lần chụp hình tại Công viên quốc gia Yellowstone (Mỹ), anh bị một con bò rừng bison nặng 1 tấn tấn công.
Thay vì chạy đi, Willis Chung tiếp tục chớp lại khoảnh khắc con vật hung dữ đang lao về phía mình. Khi con vật ở rất gần, người nhiếp ảnh gia mới bắt đầu bỏ chạy. Tình huống nguy cấp đến mức anh phải bỏ lại toàn bộ máy ảnh ở lại.
Con bò tò mò dừng lại bên chiếc camera.
Con bò khổng lồ dừng lại vị trí của chiếc máy ảnh và xem xét với vẻ tò mò. Trong khi đó, Willis Chung tiếp tục chụp thêm hình ảnh của bò rừng với một chiếc máy ảnh khác.
4. Nhiếp ảnh gia bị một con Gorilla giơ nắm đấm và tấn công
Photo credit: Catersnews.com
Nhiếp ảnh gia Christophe Courteau gần như bị một con Gorilla đấm khi ông đang chụp hình tại Công viên Quốc gia Volcanoes ở Rwanda (châu Phi).
Mục tiêu các tấm hình mà nhiếp ảnh gia này nhắm đến là một con Gorilla có tên Akarevuro, nặng 250kg. Khi đang mải chụp hình, Christophe Courteau không chú ý đến việc con Gorilla tiến về phía mình và giơ nắm đấm chuẩn bị tấn công "khách lạ".
May mắn, nhiếp ảnh gia không bị thương nặng.
Sau khi nhận thấy sự đe dọa từ con Gorilla, Christophe Courteau né được cú đấm và ngã sang một bên. May mắn, anh không bị thương nặng, chỉ có một vết thương nhỏ trên đầu.
5. Tê giác lao về phía nhiếp ảnh gia rồi đột ngột chuyển hướng
Photo credit: Ethiogrio.com
Nhiếp ảnh gia Jonathan Pledger đang chụp ảnh động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Kruger ở Nam Phi thì bị một con tê giác trắng tấn công.
Anh không hề hay biết đang có một loài động vật to lớn tiếp cận mình. Anh chỉ nhận ra điều ấy khi nghe thấy tiếng xào xạc ở một bụi cây gần đó.
Vài giây ngắn ngủi sau, một con tê giác khổng lồ nhảy khỏi bụi cây và lao về phía anh. Pledger không chạy. Thay vào đó, anh tiếp tục chụp ảnh khi tê giác đến gần hơn.
Con vật bổng đổi ý, đổi luôn cả hướng, quay về phía bụi rậm thay vì tấn công nhiếp ảnh gia.
Kỳ lạ là, khi đến gần nhiếp ảnh gia, con tê giác dường như đổi ý, nó không tấn công nữa mà quay đầu chạy vào bụi cây trước đó. Jonathan Pledger về sau mới cảm thấy sợ hãi khi con tê giác lao đến mình giữa "đồng không mông quạnh".
Bài viết sử dụng nguồn: Listverse/Ảnh: Của chính nhiếp ảnh gia trong mỗi câu chuyện