Xuất hiện hiếm hoi trên chiến trường
Gần 2 tháng kể từ khi lô tiêm kích F-16 đầu tiên của phương Tây đến tay Ukraine, các chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất này vẫn thu hút sự chú ý, âm thầm hỗ trợ lớn cho các hệ thống phòng không của Kiev. Trong những ngày gần đây, các báo cáo chưa được xác nhận cho biết, một tiêm kích F-16 của Ukraine đã phá hủy một trong những chiến đấu cơ Su-34 của Nga.
Tuy nhiên, bất chấp sự kiện đánh dấu việc tiêm kích F-16 xuất hiện trên bầu trời Ukraine này, hầu như có rất ít thông tin được đưa ra về việc F-16 hiện đang nằm trong tay Kiev. Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis đã cho biết hồi cuối tháng 7 rằng các tiêm kích F-16 đã đến Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng chính thức xác nhận một vài ngày sau đó rằng các chiến đấu cơ này đang được lực lượng không quân Ukraine sử dụng. Ông không nói có bao nhiêu máy bay được chuyển giao và đang hoạt động nhưng ước tính có khoảng hơn 10 chiếc đã đến trong những tháng gần đây.
Đan Mạch và Hà Lan xác nhận họ đã gửi lô tiêm kích F-16 đầu tiên đến Ukraine. Các quan chức cho biết sẽ có thêm chiến đấu cơ từ 2 nước được chuyển đến trong vài tháng tới. Na Uy và Bỉ cũng đã cam kết sẽ cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.
Ukraine đã tổn thất ít nhất 1 tiêm kích F-16 vào cuối tháng 8. Không quân Ukraine thông báo phi công điều khiển chiến đấu cơ này - Trung tá Oleksiy Mes đã tử trận trong khi "đẩy lùi một cuộc không kích kết hợp tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga".
Tuy nhiên, những sự cố trên nằm trong số ít những đồn đoán được công khai thừa nhận về việc các tiêm kích F-16 hoạt động chống lại các lực lượng của Nga, mặc dù người đứng đầu quân đội Hà Lan - Tướng Otto Eichelsheim tiết lộ những tiêm kích do nước này chuyển giao là "đã làm tốt" nhiệm vụ ở Ukraine vào cuối tháng 8.
Phi đội F-16 hiện tại của Ukraine "có lẽ không đông đảo và thiếu khả năng cạnh tranh" khi so sánh với tiêm kích Nga nhưng đây "mới chỉ là khởi đầu", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk nói.
"Nếu chúng ta muốn Ukraine có thể đối phó với Nga một cách hiệu quả thì phải có những chiến đấu cơ có khả năng cạnh tranh. Chúng ta không thể phát triển bất kỳ chiến lược hoặc kế hoạch nào đối phó với Nga nếu không có sức mạnh trên không", ông Zagorodnyuk nhận định.
Theo ông: "Yếu tố then chốt trong vấn đề này là Ukraine đang chuyển sang các vũ khí thời NATO và tương ứng là các học thuyết cũng như khái niệm của NATO".
Hiện vẫn còn quá sớm để nói về tiêm kích này, Thống chế Không quân đã nghỉ hưu Greg Bagwell, cựu chỉ huy cấp cao của Không quân Hoàng gia Anh nhận định. Ông Bagwell cho rằng, Ukraine có thể đã áp dụng "cách tiếp cận thận trọng", đồng thời nói rằng điều này "có thể hiểu được vì họ biết họ sẽ là mục tiêu".
Các tiêm kích F-16 của Ukraine đang ở đâu?
Một chỉ huy của Ukraine cho biết vào tháng 6 rằng Kiev sẽ đặt một số tiêm kích F-16 bên ngoài đất nước để tránh các cuộc tấn công của Nga nhằm vào chiến đấu cơ thế hệ thứ tư này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quân nhân Nga đã được treo thưởng để tiêu diệt chiến đấu cơ F-16.
Trong những tuần gần đây, các tiêm kích F-16 của Ukraine phần lớn được sử dụng cho mục đích phòng không.
“Các tiêm kích F-16 đóng góp tương đối khiêm tốn nhưng rất hữu ích cho các hoạt động", đặc biệt là phòng không, ông David Jordan, giảng viên cao cấp về nghiên cứu quốc phòng và là đồng giám đốc Viện Hàng không và Không gian Freeman tại Cao đẳng Hoàng gia London nói.
Theo chuyên gia này, việc Ukraine sử dụng số ít tiêm kích F-16 cho hoạt động phòng không, giải quyết các cuộc tấn công UAV và tên lửa trong khi chờ đợi các đợt vận chuyển tiếp theo để các binh lính Ukraine quen với tiêm kích này là điều hợp lý. Ông Jordan cho rằng: "Điều này không phải là do dự mà là sự hợp lý khi bạn chờ đợi quy mô lực lượng tăng lên".
Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng cho Kiev là chiến dịch ném bom dồn dập của Moscow khi phóng những quả bom có sức hủy diệt cao từ bên ngoài nhằm vào các hệ thống phòng không của nước này. Tổng thống Zelensky cho biết hôm 13/10 rằng chỉ trong 1 tuần, Nga đã sử dụng hơn 900 quả bom dẫn đường trên không chống lại Ukraine.
Ukraine có thể đang sử dụng các tiêm kích thời Liên Xô như Su-24, Su-25 và MiG-29 để tiến hành nhiều hoạt động tấn công hơn trong khi F-16 phần lớn vẫn được giữ lại, ông Jordan cho hay. Theo ông, mặc dù có khả năng tiến hành những cuộc tấn công tầm xa nhưng Ukraine vẫn nên bảo quản F-16 và sử dụng chúng sau này.
James Black, Phó Giám đốc Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh chi nhánh châu Âu của tổ chức tư vấn RAND cho biết, việc sử dụng F-16 để phòng không giúp giảm bớt một số áp lực lên kho dự trữ hệ thống phòng không mặt đất khan hiếm của Ukraine. Các vũ khí được phóng từ F-16, chẳng hạn như tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder hoặc tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 "có thể tiết kiệm chi phí hơn khi sử dụng để đối phó với một số mục tiêu đang bay tới", ông Black nói với Newsweek.
"Điều này có nghĩa là F-16 có thể cung cấp một công cụ mới linh hoạt và tiết kiệm" cho mạng lưới phòng không của Ukraine.
F-16 là cam kết viện trợ quan trọng nhất từ phương Tây cho Ukraine sau khi được Mỹ bật đèn xanh vào tháng 8/2023. Đối với lực lượng không quân đã mệt mỏi của Ukraine, các tiêm kích này, dù là với số lượng nhỏ, cũng có thể mang lại lợi thế trước các phi đội Nga lớn hơn và vượt trội hơn. Tuy nhiên, các tiêm kích F-16 không phải công cụ thay đổi cuộc chơi, đặc biệt khi Ukraine đang vận hành tương đối ít chiến đấu cơ.
"Số lượng máy bay nhỏ sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn ngay lập tức, ngay cả khi mang theo nhiều loại vũ khí dẫn đường và được sử dụng một cách thận trọng", ông Jordan nói. "Theo những gì chúng tôi thấy cho đến nay, đó chính là những gì lực lượng không quân Ukraine đang làm”.