Văn thần khiến Khổng Minh không dám bình định Nam Trung: Cứu Thục Hán chỉ bằng vài câu nói

Trần Quỳnh |

Nếu không có lời can gián từ văn thần này, rất có thể Khổng Minh sẽ mắc sai lầm, đi 1 nước cờ đầy hấp tấp và đẩy Thục Hán vào vết xe đổ như trận thảm bại ở Di Lăng từ thời Lưu Bị.

Chỉ chưa đầy 1 năm sau thất bại ở trận Di Lăng, Hoàng đế khai quốc nhà Thục Hán là Lưu Bị đã qua đời trong u sầu ở thành Bạch Đế. Trước lúc buông tay trần thế, ông đã ký thác con mình cũng như tương lai nhà Thục Hán vào tay Gia Cát Lượng.

Thế nhưng sự thực là từ sau khi vị tiên chủ họ Lưu ấy qua đời, một số nơi trên lãnh thổ Thục quốc liên tục phát sinh phản loạn. Điều đáng nói là đối mặt với tình trạng này, Thừa tướng Khổng Minh không lập tức bắt tay vào công cuộc bình định mà chờ tới vài năm sau mới có thể tiến hành.

Theo QQNews, nguyên nhân liên quan tới bước đi chần chừ này của Khổng Minh bắt nguồn từ sự cản trở của một văn thần nhà Thục Hán. Và chỉ sau khi vị quan này qua đời, Gia Cát Lượng mới thực hiện được nước cờ mà mình đã cất công toan tính từ lâu.

Nhân vật được Thừa tướng Khổng Minh nể trọng tới mức ấy chính là Vương Liên – một văn thần bị xem là không mấy tên tuổi của triều đình Thục Hán.

Đường quan lộ của văn thần họ Vương từng từ chối đầu hàng nhưng vẫn được Lưu Bị, Khổng Minh phá lệ trọng dụng

Văn thần khiến Khổng Minh không dám bình định Nam Trung: Cứu Thục Hán chỉ bằng vài câu nói - Ảnh 1.

Mặc dù không phải là người theo Lưu Bị từ những ngày đầu, nhưng Vương Liên lại rất được tập đoàn chính trị Thục Hán trọng dụng (Ảnh minh họa).

Tam Quốc được biết tới là một giai đoạn quần hùng tranh đấu không ngừng. Trong bối cảnh chiến tranh liên miên ấy, việc người đời thường biết đến tên tuổi của nhiều võ tướng kiêu dũng thiện chiến cũng là điều dễ hiểu.

Cũng bởi vậy mà vào thời đó, số các văn thần có thể lưu danh sử sách vốn không nhiều, chỉ có một số mưu sĩ kỳ tài xuất chúng như Khổng Minh, Bàng Thống, Quách Gia... mới được xem là ngoại lệ.

Tuy nhiên lúc bấy giờ, tập đoàn chính trị Thục Hán từng có một văn thần dù không mấy nổi danh nhưng lại nhận được sự nể trọng từ những người đứng đầu cốt cán như Lưu Bị, Khổng Minh. Nhân vật đặc biệt ấy chính là đại thần Vương Liên.

Vương Liên, tự Văn Nghi, vốn là người Nam Dương thuộc đất Kinh Châu và là quan viên nhà Thục Hán dưới thời Tam Quốc. Khi Lưu Chương còn làm chủ Ích Châu, ông đã rời quê nhà tới mảnh đất này làm quan và được phong là huyện lệnh ở Tử Đồng.

Văn thần khiến Khổng Minh không dám bình định Nam Trung: Cứu Thục Hán chỉ bằng vài câu nói - Ảnh 2.

Có lẽ vị văn thần họ Vương ấy chính là một trong số những nhân vật hiếm hoi có được sự tin tưởng của không chỉ Lưu Bị mà còn có cả Gia Cát Khổng Minh. (Ảnh minh họa).

Về mối lương duyên của vị quan họ Vương với nhà Thục Hán, "Tam Quốc chí" từng đề cập:

"Tiên chủ (Lưu Bị) khởi sự ở Hà Manh, tiến quân về nam, Liên (tức Vương Liên) đóng cửa thành không hàng, Tiên chủ cho rằng là người nghĩa khí nên không bức bách".

Sau khi Lưu Chương đầu hàng, Vương Liên cũng nghiễm nhiên trở thành thuộc cấp của Lưu Bị và được phong làm huyện lệnh Thập Phương rồi chuyển tới Quảng Đô.

Nhờ làm việc có thành tích, ông được thăng tới chức Diêm ti Hiệu úy, nghiên cứu cái lợi của  muối và thu được rất nhiều lợi nhuận về cho Thục Hán.

Thực chất, chức quan của Vương Liên vốn là một trong những đầu mối quản lý một phần quan trọng trong tài lực của Thục quốc. Vì vậy theo ý kiến của QQNews, nếu xét về cống hiến đối với phát triển kinh tế, tập đoàn chính trị này khó ai có thể thay thế vai trò của văn thần họ Vương ấy.

Bên cạnh năng lực làm việc xuất chúng, các sử gia còn đánh giá Vương Liên là một người có con mắt nhìn người độc đáo. Ông từng tuyển chọn được rất nhiều hiền tài về làm quan như Lữ Nghệ, Đỗ Kỳ, Lưu Can…

Dưới sự đề bạt của văn thần họ Vương, những người này sau đó đều làm quan to và cũng tạo dựng được không ít thành tựu.

Có lẽ chính bởi cống hiến tận tâm của mình mà Vương Liên có được sự trọng dụng của Lưu Bị và đặc biệt là sự nể trọng từ phía kỳ tài Gia Cát Khổng Minh.

Và đây hẳn cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến ông chỉ dựa vào một vài lời can gián nhưng cũng đủ để khiến Ngọa Long tiên sinh phải trì hoãn nước cờ chính trị quan trọng của mình.

Khiến Khổng Minh phải lùi nước cờ quân sự đầy toan tính, Vương Liên cứu cả Thục Hán chỉ bằng vài câu nói

Văn thần khiến Khổng Minh không dám bình định Nam Trung: Cứu Thục Hán chỉ bằng vài câu nói - Ảnh 3.

Sau khi Gia Cát Lượng trở thành Thừa tướng và phò tá cho tân đế Lưu Bị, Vương Liên cũng trở thành một trong những cánh tay đắc lực trong việc triều chính của vị Thừa tướng này. (Ảnh minh họa).

Sau khi Tiên chủ Lưu Bị qua đời, bè lũ man di ở Nam Trung vừa nghe tin đã nổi loạn và không xưng thần với nước Thục nữa.

Bấy giờ Gia Cát Lượng đã phò tá tân đế tiếp quản cơ nghiệp, vốn muốn thân chinh dẫn quân đi phía Nam dẹp loạn, nhưng quyết định của ông lại bị Vương Liên ngăn cản hết lần này tới lần khác.

Về việc này, "Tam Quốc chí" phần "Vương Liên truyện" cũng có ghi lại:

"Khi các quận ở phương Nam dấy binh làm phản, Gia Cát Lượng muốn đích thân đi đánh dẹp, Liên can rằng:

- Đó là đất nghèo túng, ôn dịch lại nhiều, không xứng để một người được cả nước kính ngưỡng như Thừa tướng phải đích thân đi".

Bấy giờ, Thừa tướng Khổng Minh thấy rằng không ai trong số các tướng lĩnh có thể đảm nhiệm trách nhiệm nặng nề này nên vẫn muốn thân chinh dẹp loạn.

Tuy nhiên mỗi lần nhắc tới quyết định trên, Vương Liên đều khẩn thiết can ngăn. Gia Cát Lượng sau đó cũng đành tạm gác lại.

Phải tới năm Kiến Hưng thứ 3 sau khi Vương Liên qua đời, Gia Cát Lượng mới có thể thân chinh dẫn quân đi bình định phản loạn ở phía nam và thu về thắng lợi, cùng với đó là chiến tích lẫy lừng đã làm nên giai thoại "bảy lần bắt Mạnh Hoạch".

Văn thần khiến Khổng Minh không dám bình định Nam Trung: Cứu Thục Hán chỉ bằng vài câu nói - Ảnh 4.

Nếu không có lời khuyên của Vương Liên, rất có thể Khổng Minh đã có một bước đi hấp tấp đầy sai lần và đẩy Thục Hán vào một bi kịch khác sau kết cục thảm bại ở Di Lăng năm nào. (Ảnh minh họa).

Theo phân tích của QQNews, thực tế là lời can gián của Vương Liên năm xưa đã giúp Thục Hán thoát khỏi một kiếp nạn khác.

Bởi bấy giờ, quốc gia vừa kiệt quệ sau thất bại nặng nề của Tiên chủ Lưu Bị trong trận Di Lăng. Mặc dù việc bình định phản loạn không phải là một chiến dịch quá tầm cỡ, tuy nhiên nếu xét về thực lực của triều đình lúc bấy giờ thì dù có thu về thắng lợi cũng vẫn sẽ hao tốn không ít nhân lực, tài lực.

Bản thân Vương Liên cũng hiểu rõ hơn ai hết, Khổng Minh chính là trụ cột duy nhất của Thục Hán lúc đó, hơn nữa Nam Trung là mảnh đất có nhiều bất ổn, nếu Thừa tướng gặp bất kỳ bất trắc nào thì nội bộ triều đình sẽ sụp đổ, các thế lực bên ngoài ắt sẽ thừa cơ mà xâu xé.

Xét trên một khía cạnh khác, Vương Liên vốn không muốn Gia Cát Lượng thân chinh là để nhường lại cơ hội tôi luyện và thi triển tài năng cho các vị tướng trẻ trong triều.

Với con mắt tinh tường của mình, rất có thể vị văn thần họ Vương ấy đã nhận ra rằng, nếu Thục Hán không thể bồi dưỡng nên một thế hệ hổ tướng mới thì cơ nghiệp này sẽ nhanh chóng tiêu tan sau khi Gia Cát Lượng qua đời.

Có lẽ cũng bởi nhìn ra những điều này nên Gia Cát Lượng đã nghe theo lời can gián của Vương Liên và hoãn nước cờ bình định Nam Trung tới mấy năm trời.

Thế nhưng sự thực là bước đi trì hoãn của Khổng Minh chỉ giúp Thục Hán có thời gian khôi phục thực lực, đồng thời giúp triều đình bảo vệ được một trụ cột tạm thời.

Tuy nhiên đúng như nỗi lo sợ của Vương Liên khi xưa, Thục Hán sau đó vẫn không thể bồi dưỡng ra một thế hệ hổ tướng mới để thế chỗ những tên tuổi cốt cán năm nào.

Và rất có thể một trong những lý do khiến cơ nghiệp mà cả đời Lưu Bị - Khổng Minh gìn giữ đã trượt dài trên đà suy vong chính là bởi không tìm được những người kế nghiệp xứng tầm.

*Theo quan điểm của QQNews


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại