Vận tải cơ An-124 có 'cuộc sống thứ hai' nhờ động cơ mới

Bạch Dương |

Nga sẽ cố gắng tự sản xuất động cơ D-18T dành cho máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan.

Vận tải cơ An-124 có 'cuộc sống thứ hai' nhờ động cơ mới- Ảnh 1.


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mới đây cho biết việc bắt đầu sản xuất hàng loạt động cơ D-18T "nội địa hóa" cho máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan dự kiến diễn ra trong thời gian tới.

Trước diễn biến trên, nhà báo nổi tiếng người Nga đồng thời là chuyên gia quân sự - ông Alexander Kots vào ngày 5 tháng 3 đã đưa ra một số bình luận trên kênh Telegram của mình.

Nhà báo lưu ý rằng vấn đề sản xuất động cơ phù hợp cho loại máy bay xuất sắc này đã được đặt ra từ lâu (mỗi máy bay được trang bị 4 động cơ phản lực cánh quạt đẩy D-18T).

Vào thời Xô Viết, D-18T được phát triển tại Cục thiết kế kỹ thuật Zaporozhye "Progress" và được sản xuất tại Nhà máy động cơ Zaporozhye (nay là Công ty cổ phần Motor Sich) ở Ukraine.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hoạt động sản xuất gần như dừng lại, công nghệ lạc hậu , các chuyên gia già đi và nghỉ hưu. Hàng nghìn chuỗi sản xuất đang vận hành tốt dựa trên sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp khác nhau cũng bị gián đoạn.

"Bây giờ chúng ta phải tạo ra rất nhiều thứ. Điều này khó khăn nhưng Liên bang Nga không còn lựa chọn nào khác vì Moskva cần máy bay vận tải hạng nặng", ông Kots nhấn mạnh.

Vận tải cơ An-124 có 'cuộc sống thứ hai' nhờ động cơ mới- Ảnh 2.

Nga có tham vọng sẽ tự chế tạo động cơ D-18T cho những chiếc máy bay vận tải An-124 Ruslan.

Nhà báo nói thêm: "Đúng, vẫn còn một ít dự trữ, nhờ đó một số máy bay đã được hoàn thiện ở Nga tại doanh nghiệp Ulyanovsk Aviastar-SP. Tuy nhiên kể từ năm 2004, những chiếc Ruslan mới vẫn chưa được chế tạo, chỉ những chiếc hiện có được nâng cấp".

"Nhà máy đã cải tiến hệ thống điện tử hàng không, thân máy bay, thiết bị hạ cánh và dẫn đường. Nhưng trên thực tế, động cơ vẫn là sản phẩm do Liên Xô chế tạo".

Ông Kots nhấn mạnh, động cơ là trái tim của máy bay, bộ phận cấu trúc khó phát triển và chế tạo nhất. Nếu không có nó, máy bay sẽ không cất cánh, nhưng với động cơ mới, những chiếc Ruslan của Nga sẽ tiếp tục bay trong nhiều năm nữa.

"Đây là phương tiện duy nhất có khả năng chở tới 120 tấn hàng hóa. Không còn nhiều phương tiện loại này ở nước Nga: 11 chiếc thuộc Lực lượng Hàng không Vũ trụ, 11 chiếc ở công ty Volga-Dnepr và 8 chiếc ở Đội bay 224 (một công ty con của Bộ Quốc phòng)".

"Bên cạnh đó, một số lượng máy bay nhất định vẫn được cất giữ, bao gồm cả do vấn đề với động cơ", nhà phân tích kết luận.

Vận tải cơ An-124 có 'cuộc sống thứ hai' nhờ động cơ mớiMáy bay vận tải An-124 Ruslan của Nga bên cạnh chiếc Boeing 787-8 của Mỹ.

Theo Reporter

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại