‘Hạ Iran dễ dàng’- nước Mỹ đang lạc quan tếu

Trang Vũ |

Tổng thống Mỹ Donald Trump và giới chức Nhà Trắng tin tưởng rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Iran sẽ không đủ khả năng quân sự để đứng vững trước hỏa lực bão táp của Mỹ. Rằng, Mỹ có thể nhanh chóng tiêu diệt các cơ sở quân sự của Iran, các địa điểm hạt nhân và các cơ sở hạ tầng trọng yếu... Tuy nhiên, thực tế là Iran sẽ không dễ dàng bị hạ và lịch sử đang "quay lưng" với sự "lạc quan tếu" của Nhà Trắng.

Miếng bánh không dễ xơi

Kenneth Adelman, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và là một nhân vật nổi bật trong cộng đồng chính sách đối ngoại của Mỹ, đã đưa ra một dự đoán nổi tiếng vào năm 2002 rằng, một cuộc chiến để lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein sẽ “dễ như ăn bánh”. Tổng thống Mỹ Donald Trump quả thực đã không học được gì từ sự kiêu ngạo và lạc quan tếu của ông Adelman. Mặc dù đã hủy bỏ kế hoạch không kích Iran vào phút cuối, nhưng ông Trump sau đó vẫn liên tục đưa ra cảnh báo tới các nhà lãnh đạo Iran rằng các cuộc tấn công quân sự vẫn là những lựa chọn ưu tiên.

Ông chủ Nhà Trắng cũng nói thêm rằng, nếu Mỹ sử dụng vũ lực nhằm vào Iran, đó sẽ là một cuộc chiến tổng lực với cả sức mạnh bộ binh, hải quân và không quân hùng mạnh. Không có chút mảy may nghi ngờ hiện lên trong tâm trí của ngài Tổng thống về kết quả cuộc chiến nếu nó diễn ra. Ông Trump còn khẳng định rằng một cuộc chiến tranh như vậy sẽ không kéo dài lâu, và một cuộc chiến cũng đồng nghĩa với sự xóa sổ của người Hồi giáo ở Iran.

‘Hạ Iran dễ dàng’- nước Mỹ đang lạc quan tếu - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Nhưng lịch sử tràn ngập những minh chứng về các cuộc chiến tranh mà các nhà lãnh đạo chính trị và công chúng có những lầm tưởng nghiêm trọng về việc có thể dễ dàng “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Khi cố Tổng thống Abraham Lincoln chọn cách đối đầu với sự ly khai của các chính quyền miền Nam nước Mỹ bằng vũ lực, đoàn quân của ông chỉ lên kế hoạch tòng quân trong vòng 90 ngày. Người dân ở Washington, DC, đã tự tin đến mức cho rằng quân đội Liên minh sẽ đè bẹp quân ly khai mới nổi trong trận chiến Manassas sắp xảy ra. Nhưng cuộc chiến đã kéo dài 4 năm và hơn 500.000 lính Mỹ đã chết.

Năm 1914, các nhà lãnh đạo và người dân ở các thủ đô lớn của châu Âu cũng đã thể hiện sự lạc quan rằng cuộc chiến mới sẽ kết thúc sau vài tháng và tất nhiên phe của họ sẽ giành chiến thắng vẻ vang. Một lần nữa, tình hình không diễn ra như dự định. Cuộc xung đột tưởng như nhanh chóng và ít đổ máu đã trở thành một cuộc tàn sát kinh hoàng và kéo dài, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, lật đổ các hệ thống chính trị đã được thiết lập ở Đức, Áo-Hung và Nga, và mở ra những tai họa mà chủ nghĩa phát xít mang lại.

Ảo tưởng phổ biến trong các sai lầm ngớ ngẩn này là đánh giá rằng giai đoạn ban đầu của một cuộc xung đột sẽ hoàn toàn quyết định kết cục của nó. Đó cũng là lỗi mà ông Adelman mắc phải. Cuộc chạm trán quân sự của Washington với lực lượng của Saddam khá gần với việc “dễ như trở bàn tay”. Quân đội Iraq đã suy yếu đương nhiên không thể sánh được với đội quân do Mỹ lãnh đạo. Khi ông Saddam thất thủ, Tổng thống George W. Bush đã bay tới một hàng không mẫu hạm của Mỹ để tung hô với tấm biểu ngữ lớn “Nhiệm vụ đã hoàn thành”.

Tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu cho căn bệnh đau đầu kinh niên của nước Mỹ. Trong vài tháng, một cuộc nổi dậy đã chống lại lực lượng đồn trú của Mỹ và sự bất ổn chính trị gắn liền với nội chiến ở Iraq đã mở đường cho sự trỗi dậy của Lực lượng nhà nước Hồi giáo cực đoan ISIS. Ở lần tính cuối cùng, hơn 4.400 lính Mỹ đã thiệt mạng khi thực hiện nhiệm vụ ở Iraq và Mỹ đã phải chi hơn 1.000 tỷ đô la. Đó rõ ràng không phải là “chiếc bánh dễ xơi”.

Đối mặt với sự thật

Lịch sử cũng cho thấy, thái độ ung dung của Tổng thống Donald Trump về một cuộc chiến dễ dàng với Iran là rất đáng lo ngại. Ông Trump mặc nhiên cho rằng Mỹ có thể đồng thời kiểm soát được những hành động trả đũa và cả sự leo thang của cuộc chiến. Các quan chức Mỹ cũng đã đưa ra giả định sai lầm tương tự ở Iraq. Nhưng thực tế là, ngay cả những đối thủ kém hơn về năng lực quân sự, thông thường, cũng có thể có nhiều cách để tiến hành một cuộc chiến tranh bất đối xứng. Và chiến lược đó có thể khiến cuộc chiến trở thành công cụ tiêu hao, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Mỹ.

‘Hạ Iran dễ dàng’- nước Mỹ đang lạc quan tếu - Ảnh 3.

Vũ khí, khí tài của Iran

Sự vượt trội về quân sự của Iran có thể đặc biệt hiệu quả nếu áp dụng bài học đó. Cựu Đô đốc James Stavridis của Hải quân Mỹ đã lưu ý rằng Iran có khả năng tiến hành chiến tranh phi đối xứng cực kỳ mạnh mẽ ở một số khu vực. Tấn công mạng, chiến thuật tàu nhỏ, tàu ngầm diesel, lực lượng đặc biệt và tên lửa hành trình mặt đất đều là những tài sản quân sự cao cấp của đất nước Hồi giáo này. Hơn thế nữa, Iran cũng rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng chúng trong môi trường khắt khe ở Trung Đông.

Ngoài việc sử dụng khả năng quân sự trực tiếp của mình, Tehran có thể kêu gọi mạng lưới các đồng minh chính trị và quân sự người Shia ở Trung Đông để tạo thêm sự tàn phá cho Mỹ. Iran duy trì mối quan hệ rất chặt chẽ với Hezbollah ở Lebanon và dân quân người Shia ở Iraq.

Lực lượng của Mỹ được triển khai ở quốc gia này có thể đặc biệt dễ bị tấn công quấy rối và tổn thất nhân sự. Cũng không nên bỏ qua hoặc coi thường vai trò tiềm năng của đa số người Shia đang bị áp bức ở Bahrain. Nếu sự bất mãn của họ đối với chế độ do người Sunni kiểm soát do Washington hậu thuẫn bùng nổ thành xung đột, chính quyền ông Trump có thể thấy ngày càng khó khăn hơn để tiếp tục dựa vào Hạm đội thứ năm của Mỹ tại Bahrain.

Chiến tranh chống Iran sẽ không phải là vấn đề “nhỏ”, và Tổng thống Trump sẽ thật thiếu trách nhiệm khi hành động một cách thiếu sót như vậy. Tấn công Iran có thể gây ra cơn ác mộng kéo dài, tốn kém cả về của cải vật chất và con người. Tehran chắc chắn có vô số cách để trả đũa sự xâm lược của Mỹ và đẩy mạnh các cuộc đối đầu song phương. Sẽ là khôn ngoan nếu như các nhà lãnh đạo Mỹ không mạo hiểm đi xa hơn trên con đường nguy hiểm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại