Bùi Anh Tấn là nhà văn công an. Anh bắt đầu sáng tác từ thập niên 90 nhưng mãi đến năm 1999, anh mới thực sự là cái tên nổi tiếng sau khi trình làng cuốn Một thế giới không có đàn bà. Cũng từ đó, anh được giới mộ điệu gọi là "nhà văn của gay".
Một vài lần chia sẻ trên báo chí, Bùi Anh Tấn cho hay sau khi cuốn sách đầu tiên viết về đề tài đồng tính ra đời, anh gặp rất nhiều thuận lợi. Ở những cuốn tiếp theo, anh nhận được sự ủng hộ và quan tâm của những người đồng tính trên cả nước. Họ tâm sự, trải lòng về những câu chuyện mà có năm mơ anh cũng chẳng thể nào hình dung ra được.
Một số người đến với Bùi Anh Tuấn và trở thành bạn bè thân thiết, nhưng cũng trong số đó, có nhiều người khiến nhà văn phải đau đầu đối phó. Thậm chí, có người còn không ngại bày tỏ tình yêu đối với nhà văn 57 tuổi.
Trên trang cá nhân của mình, nhà văn viết: "Bùi Anh Tấn này cầm bút viết văn đến nay cũng hơn hai mươi năm. Cũng có chút tên tuổi nho nhỏ và đặc biệt thành công từ tác phẩm ‘Một thế giới không có đàn bà’, được nhiều giải thưởng, dựng thành phim và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là nhà văn đầu tiên viết về lĩnh vực này.
Thế nhưng cũng có một thời gian dài mình từng ‘xa lánh’ đề tài đồng tính, viết các đề tài khác như lịch sử, chiến tranh, tôn giáo... và tự hào rằng cũng thành công, chứ không hẳn chỉ viết về đồng tính. Tuy nhiên đến giờ mình vẫn trung thành với đề tài đồng tính bởi thật lòng quý mến các bạn đồng tính, nguyện cùng đi hết con đường với các bạn, đấu tranh cho quyền lợi các bạn, vì tính nhân văn vì con người, bởi đến tận thế kỷ 21 này vẫn còn có những hiểu sai về đồng tính. Trong hơn 20 năm cầm bút viết về đồng tính, mình chưa bao giờ làm điều gì xúc phạm đến các bạn, nói xấu, lăng mạ kể cả lợi dụng lạm dụng tình yêu, tình dục... Nếu có, các bạn có thể chỉ mặt điểm tên và ‘tố cáo’ cho cả thế giới biết về một gã nhà văn chả ra gì, chỉ lợi dụng.
Vâng, vẫn biết có sự ‘nhầm lẫn’ quý mến từ tác phẩm sang tác giả, bản thân người viết tiếp xúc với rất nhiều, nhiều bạn đồng tính (mà mình luôn quý mến, kính trọng, thương yêu như bạn bè, anh em) để nghe tâm sự, chia sẻ... và sẵn sàng trong khả năng có thể ‘tư vấn’ giúp các bạn bằng cách này, cách khác để xác định bạn thân mình là ai, để có những bước tới trong tương lai. Chỉ thế thôi, nhưng than ôi, đã có sự lầm tưởng nào đó chuyển từ cung bậc bạn đọc, bạn bè, anh em sang thành tình cảm... và tấn công nhà văn quyết liệt, rất quyết liệt thậm chí là điên khùng khiến mình mệt mỏi.
Gần đây xảy ra một trường hợp như vậy? Thật ra trong đời viết, mình từng nhận rất-rất nhiều chuyện tình cảm như vậy, nhưng sau thời gian nhất định, từ sự từ chối của mình lẫn bạn đọc đã nhận ra những lầm tưởng và nay đều trở thành bạn bè, anh em tốt. Riêng trường hợp này quá cá biệt. Tại sao mình không chặn số điện thoại của anh ta lẫn ‘khóa’ cho xong, vì mình hiểu bạn đọc và thật tình ‘thương’ bởi anh ta đang vẫy vùng trong ‘cái lưới’ đồng tính mà không biết phải xử sự thế nào trong khi đang có gia đình vợ con, có công việc, thậm chí có danh vọng, thế nên chấp nhận giữ số điện hay trang cá nhân như một điều an ủi với anh, suy cho cùng đây là người tốt, nhưng có lẽ kém may mắn trong cuộc sống thôi.
Mình cố gắng phân định với bạn đọc này rằng không có chuyện tình yêu, lẫn không có sự lạm dụng nào khác, đây là mối quan hệ anh em bạn bè, rất bình thường trong sáng. Và sẵn sàng là anh em bạn bè tốt. Rất tiếc sau nhiều cách làm, nhiều phương án như liên tục nhắn tin trên điện thoại, trên trang cá nhân, gọi điện thoại hàng ngày... để tấn công, tỏ tình và giờ đây bạn đọc chuyển sang phương án mới sẵn sàng ‘tung hê’ chuyện mình... không chấp nhận yêu anh ta? Khôi hài và buồn cười thiếu điều muốn rụng răng.
Đồng tính ơi là đồng tính, hơn hai mươi năm cầm bút viết, sống, đồng hành và bảo vệ các bạn bằng tất cả tấm chân tình của một nhà văn, phải chăng đến hôm nay bị ‘trả giá’ bởi không đáp ứng tình yêu lẫn tình dục nên đáng bị vậy? Buồn quá, có lẽ sau cuốn ‘Thám tử yêu’ sắp in, từ nay mình sẽ mãi mãi phải ra rời xa đề tài này, rời xa những người bạn đồng tính đáng yêu, đáng quý của mình chăng?
Câu chuyện phiền muộn ngày chủ nhật, rất phiền muộn. "