Lê Hoàng chỉ ra thói quen nguy hại nhất của người nghệ sĩ

T.N |

(Soha.vn) - Với tựa đề Cuộc trò chuyện giữa một thầy giáo và một học sinh, Lê Hoàng vào vai thầy giáo khá ‘ngọt’. Vị đạo diễn còn khéo léo dạy học trò cách để trở thành 1 nhà văn. Truyện rút từ tập Phỏng vấn con bò.

Thầy giáo: Chào em, em đang làm gì đấy?

Học sinh: Dạ thưa thầy, em đang đọc 1 cuốn tiểu thuyết.

Hay lắm! Vì sao em đọc nó?

Thưa thầy, em muốn trở thành nhà văn.

Rất tốt!

Và em cho rằng, muốn thành nhà văn thì việc đầu tiên là phải đọc các nhà văn khác.

Rồi quên đi!

Sao ạ?

Thầy nói rồi đấy. Em đọc, rồi em phải quên ngay.

Nếu không…?

Nếu không em sẽ trở thành nhà văn…tương tự. Mà trong nghệ thuật, sự tương tự không khác sự…hỏng bét bao nhiêu đâu.

Ý thầy là?

Ý tôi là văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung đều không có mẫu.

Em tin thầy.

Tuy tin thầy, nhưng em vẫn hay làm theo mẫu, hay bắt chước mẫu. Đấy là 1 trong những thói quen nguy hại nhất của người nghệ sĩ.

Em chưa phải nghệ sĩ, thưa thầy!

Thế nghệ sĩ là gì nào? Là 1 cá nhân có khả năng sáng tạo. Thế sáng tạo là gì? Là làm ra 1 cái gí đó không giống với tất cả những cái đã từng có trước đấy, đúng không em?

Thưa thầy, đúng.

Muốn làm ra 1 thứ độc đáo, chúng ta có 2 cách: Một là tìm hiểu tất cả những gì đã có, hai là chả cần tìm hiểu gì hết, cứ làm theo trí tưởng tượng của mình thôi.

Thưa thầy, vậy thầy khuyên em nên theo cách nào?

Cách thứ ba. Em cứ đọc, em cứ học, nhưng khi sáng tác em phải quên hết đi.

Lê Hoàng đóng vai thầy giáo, dạy học trò cách trở thành nhà văn
 

Quên cả Tolstoy? Quên cả Gorki?

Đúng. Quên hết. Dù các nhà văn đó có vĩ đại đến đâu chăng nữa. Nếu em tên Tèo, thì tác phẩm của em là tác phẩm mang dấu ấn Tèo, không thể- dù là Sheakspear Tèo hay Victor Hugo Tèo gì cả.

Thưa thầy, em hiểu.

Em chưa hiểu hết đâu. Trong văn hoá không có gì khó hơn việc thoát ra khỏi ảnh hưởng của người khác đấy!

Vì sao ạ?

Bởi vì đầu tiên, những người khác đó quá hấp dẫn và nổi tiếng. Nổi tiếng đến mức chỉ cần giống như họ cũng là sang trọng lắm rồi. Thứ hai, người ta có thói quen dạy nhau bắt chước.

Khoan đã! Thưa thầy, chính bắt chước đã hình thành phản xạ. Chính phản xạ đã hình thành bản năng. Rồi chính bản năng đã tạo nên hành động cơ mà?

Rồi chính hành động tạo thành kinh nghiệm. Rồi chính kinh nghiệm lại dẫn dắt ta đi vào chỗ…kẻ khác đã đi qua.

Ô…!

Những điều tôi nói thật ra đâu có gì mới, nhưng trong thực tế cuộc sống, thói quen dạy, học và làm theo sự bắt chước đã trở nên trầm trọng, và nguy hiểm hơn nữa, sự trầm trọng này ngày càng mang dấu ấn…tự nhiên!

Nghĩa là…?

Nghĩa là người ta coi bắt chước thành chuyện đương nhiên, chuyện cần làm, và kinh khủng nhất: Thành tiêu chuẩn! Hậu quả của nó là trong văn học, phim ảnh, sân khấu đầy rẫy những nhân vật và những tình huống giống hệt nhau.

Thưa thầy, phải chăng đó là mặ trái của giáo dục?

Giáo dục không bao giờ có mặt trái, nhưng phương pháp giáo dục thì có. Phương pháp thuận tiện nhất, dễ làm nhất và đơn giản nhất của giáo dục là dạy học sinh phải làm giống cái này hoặc làm giống cái kia. Nó có cái lợi là tiện và nhanh, lại an toàn, nhưng phương pháp đó sẽ thủ tiêu sự sáng tạo- vốn là hành vi quan trọng nhất của con người.

Chính vì thế mà…

Thầy khuyên em nên đọc sách để biết thôi. Nhưng biết rồi phải quên đi. Thầy khẳng định rằng, sức mạnh của quên đôi khi còn cao hơn sức mạnh của nhớ. Bởi chỉ có dám quên, em mới dám có những trang viết của riêng mình.

Thầy có thể đưa ra dẫn chứng không?

Được chứ. Các nhà văn nổi tiếng mà em biết chả có ai học ở trường viết văn cả. Họ tự học trong cuộc sống là chính. Mà cuộc sống, chắc em cũng biết, rất ít khi kiểm tra bằng cách học thuộc lòng.

Vâng!

Không cứ gì văn học, rất nhiều môn nghệ thuật cũng phát triển theo cách đó, theo cách mỗi cá nhân khác nhau phải có 1 con đường khác nhau. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất nhưng cũng dễ bị quên nhất. Và suy cho cùng, quên còn chưa nguy hại bằng…vờ quên. Em thân yêu của thầy ạ.

Em xin cảm ơn thầy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại