Văn hóa "về nhà ăn cơm" của người Trung Quốc: Cuộc sống và con người có thể đổi thay nhưng bữa cơm gia đình thì không

Jia You |

Cũng giống như truyền thống gia đình ở Việt Nam, người Trung Quốc chú trọng sự đoàn tụ, gắn kết giữa các thành viên trong nhà. Đặc biệt, trong một ngày, bữa cơm tối được xem là quan trọng nhất và không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đây là nơi để mọi người thể hiện sự quan tâm, yêu thương và gắn kết với nhau.

Đối với truyền thống văn hóa của người Trung Quốc, có những điều thay đổi từng giai đoạn, hoặc được nâng cấp lên một tầm cao mới với nhiều thứ mới mẻ hơn, tuy nhiên có những phong tục, truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thậm chí thời gian có thay đổi, con người có thay đổi nhưng họ vẫn sẽ một mực giữ vững truyền thống này bởi tầm quan trọng đặc biệt, đó là bữa cơm tối gia đình.

Người Trung Quốc đề cao lễ nghĩa, đặc biệt trong văn hóa truyền thông cũng lấy đạo đức gia đình, sự hiếu thuận của con cái hay sự tôn trọng tổ tiên làm thước đo nhân cách con người.

Họ tin rằng, những người thành công trong cuộc sống đều hiểu được tầm quan trọng của truyền thông văn hóa này. Trong đó, bữa cơm gia đình là nơi để trau dồi và phát triển truyền thống ấy một cách toàn diện hơn.

Văn hóa về nhà ăn cơm của người Trung Quốc: Cuộc sống và con người có thể đổi thay nhưng bữa cơm gia đình thì không - Ảnh 1.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người bận rộn với công việc hằng ngày vẫn phải tranh thủ để về nhà dùng bữa cơm quây quần bên gia đình. Trong mắt người Trung Quốc, lòng hiếu thảo bắt nguồn từ tình yêu thương máu mủ ruột thịt, một tình cảm chân thành mà bố mẹ và con cái dành cho nhau.

Vì vậy, trong các bữa cơm gia đình, nếu như các thành viên đều dành thời gian để chia sẻ, nói chuyện quây quần cùng nhau, sẽ giúp tình cảm lớn dần lên từng ngày, giúp cuộc sống của họ thành công và tốt đẹp hơn, cũng như sẽ giải quyết được những vấn đề về trầm cảm, lo âu với những bộn bề trong cuộc sống.

Nếu như phương Tây chú trọng sự cá nhân riêng biệt thì người Trung Quốc lại càng quan trọng việc đoàn tụ bên nhau hơn. Trong làng phim Hoa ngữ, có rất nhiều bộ phim nói về đề tài gia đình và hầu hết đều nhận được nhiều sự đón nhận của khán giả.

Văn hóa về nhà ăn cơm của người Trung Quốc: Cuộc sống và con người có thể đổi thay nhưng bữa cơm gia đình thì không - Ảnh 2.

Bộ phim sitcom nổi tiếng của Hong Kong - Mái ấm gia đình nói về chủ đề đoàn tụ và bữa cơm gia đình.

Đơn cử cho bộ phim Mái ấm gia đình (Ái hồi gia) của đài truyền hình TVB - Hong Kong được sản xuất từ năm 2012 và kéo dài đến 2015 với gần 1000 tập phim xoay quanh đề tài bữa cơm gia đình và cuộc sống của từng thành viên trong nhà.

Nghe có vẻ buồn chán nhưng chủ đề cốt lõi về bữa cơm tối, sự đoàn tụ của gia đình 3 thế hệ vẫn có sức hút đặc biệt đối với khán giả, đặc biệt những người gốc Hoa.

Đối với những gia đình đông người, họ vẫn cố gắng duy trì truyền thống tốt đẹp này. Trừ những trường hợp con cái ở nơi xa không thể về ăn cơm với bố mẹ hằng ngày nhưng chắc chắn phải về nhà ăn cơm đoàn viên vào đêm giao thừa trước khi đón năm mới.

Bữa cơm đoàn viên có thể không quan trọng với những quốc gia khác, nhưng với người Trung Quốc không thể không có.

Low Choo, một người Hoa sinh sống ở Malaysia cho biết, cứ mỗi năm Tết đến, anh có thể quên làm bất cứ điều gì nhưng không thể quên rằng phải về nhà ăn bữa cơm đoàn tụ cùng mẹ.

Thậm chí đến khi mẹ anh qua đời, anh cũng phải duy trì bữa cơm này với gia đình nhỏ của mình, hay về quê để thăm hỏi những người lớn tuổi cũng như họ hàng xung quanh. Kể cả anh chị em họ có gia đình, thì tất cả vẫn phải hội tụ lại ăn một bữa cơm quây quần.

Văn hóa về nhà ăn cơm của người Trung Quốc: Cuộc sống và con người có thể đổi thay nhưng bữa cơm gia đình thì không - Ảnh 3.

Một bữa cơm gia đình cuối năm của người gốc Hoa sống ở Malaysia.

Low nói thêm, trước khi mẹ mất, năm nào bà cũng làm hơn 20 món ăn vào bữa cơm đoàn tụ trước khi bước qua năm mới. 

Đây là một truyền thống không bao giờ thay đổi của những người Trung Quốc, bởi lẽ họ tâm niệm rằng, bữa cơm đoàn tụ cuối năm sẽ giúp mọi người gặp được nhiều may mắn, đem đến nhiều hỷ sự trong năm mới, đặc biệt hơn hết là gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

"Tôi sẽ giữ gìn truyền thống này cho các con của tôi, không chỉ là những bữa cơm tối quây quần bên nhau mà cần phải duy trì bữa cơm đoàn viên cuối năm. Bố mẹ tôi đã dạy dỗ chúng tôi như thế và tôi nghĩ mình nên tiếp tục gìn giữ chúng. Dù cuộc sống bận rộn thế nào thì chúng ta vẫn không thể bỏ qua tục lệ này", Low chia sẻ.

Văn hóa về nhà ăn cơm của người Trung Quốc: Cuộc sống và con người có thể đổi thay nhưng bữa cơm gia đình thì không - Ảnh 4.

Giáo sư Y Khoa trường Đại học Hong Kong - Lâm Tiểu Linh.

Bất kể bạn sinh ra trong tầng lớp nào hay làm ngành nghề nào, truyền thống văn hóa gia đình là thứ không bao giờ có thể thay đổi được. Giống như giáo sư y khoa nổi tiếng của Đại học Hong Kong - Lâm Tiểu Linh từng tuyên bố: "Bữa cơm gia đình chính là liều thuốc giúp cân bằng cuộc sống và có thể đưa bạn lên đến đỉnh cao của thành công".

Được biết, giáo sư Lâm, 65 tuổi là một trong số ít những nữ giáo sư ở Hong Kong đứng đầu ngành y ở Hong Kong. Mang trên mình trọng trách to lớn như thế như bà vẫn đảm bảo bữa cơm tối với chồng và hai con nhỏ. Bà cho biết, mặc dù rất yêu nghề nhưng mọi thứ phải được nuôi dưỡng từ tinh thần và tâm hồn.

Bữa cơm tối trong gia đình đã giúp bà làm được điều đó. "Tôi không bao giờ cảm thấy tội lỗi về việc không làm đủ việc vì đằng nào cũng có nhiều việc phải làm, nhưng tôi sẽ cảm thấy có lỗi rất nhiều nêu không dành thời gian về nhà ăn cơm cùng chồng và các con", giáo sư chia sẻ.

Sau tất cả, bữa cơm gia đình luôn đóng vai trò quan trọng trong truyền thống văn hóa của người Trung Quốc. Dù xã hội đổi thay đến đâu, gia đình vẫn luôn nắm giữ những giá trị cốt lõi, là nơi để mỗi người hướng về, tìm sự thanh thản, ấm cúng cho tâm hồn.

(Nguồn: SCMP, Thestars, QQ)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại