Văn hóa làm việc tới chết ở Nhật Bản bóp nghẹt những người làm công việc được mặc định là "thiêng liêng"

Yến Nguyễn |

30% trong số các bác sĩ được hỏi ở Nhật Bản cho biết họ đã có ý định tự tử.

Văn hóa làm việc tới chết ở Nhật Bản bóp nghẹt những người làm công việc được mặc định là thiêng liêng - Ảnh 1.

Ảnh: Japan Times

Bà Junko Takashima, 60 tuổi, nhớ lại những tháng ngày dẫn đến cái chết của con trai mình là Shingo Takashima. Trong quá trình đào tạo để trở thành bác sĩ chuyên khoa, Shingo đã được bổ nhiệm vào khoa tiêu hóa của Trung tâm Y tế Konan – một bệnh viện đa khoa ở Kobe kể từ tháng 2/2022. Người mẹ cho biết sức khỏe của anh bắt đầu xấu đi nhanh chóng sau đó.

Theo gia đình, anh nhiều lần kêu về việc ngập đầu trong công việc, chịu áp lực quá lớn và không có thời gian nghỉ ngơi. Vào tháng 4, khi Junko Takashima đến thăm căn hộ của con trai, bà thấy rác thải chất đống trong nhà bếp. Tháng sau đó, bà gọi điện cho anh để hỏi xem anh có muốn ra ngoài ăn cơm để nghỉ ngơi không, nhưng Shingo khóc và nói rằng điều đó là không thể.

Vài ngày sau, nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của bà Takashima ập đến. Vào ngày 17/5/2022, con trai bà đã tự kết liễu đời mình.

Sau cái chết của Shingo Takashima, một văn phòng thanh tra tiêu chuẩn lao động địa phương phát hiện ra rằng anh đã làm việc hơn 100 ngày liên tục mà không nghỉ một ngày nào và làm thêm 207 giờ trong một tháng tính đến ngày anh tự kết liễu đời mình. Văn phòng đánh giá rằng đây là một trường hợp karōshi, hay còn gọi là tử vong do làm việc quá sức.

Câu chuyện cho thấy điều kiện làm việc khắc nghiệt mà các bác sĩ trẻ ở Nhật Bản phải đối mặt, những người làm việc rất nhiều giờ và thường hy sinh sức khỏe của mình trong quá trình làm việc.

Vấn đề hiện đang được chú trọng hơn trước thời điểm tháng 4 thực hiện quy định pháp lý về thời gian làm thêm giờ của bác sĩ.

Một điểm gây tranh cãi chính là bao nhiêu thời gian các bác sĩ dành tại nơi làm việc nên được coi là công việc và bao nhiêu thời gian nên được coi là tự học hoặc tự trau dồi bản thân.

Là một phần trong cải cách tác phong làm việc, chính phủ Nhật Bản trong những năm gần đây đã đưa ra các giới hạn pháp lý về số giờ làm thêm cho người lao động.

Giới hạn cho hầu hết các ngành được đặt ở mức 360 giờ một năm - 30 giờ một tháng, không bao gồm các trường hợp đặc biệt. Người sử dụng lao động vi phạm các quy định có thể bị phạt lên tới 300.000 yên (khoảng 2.100 USD) hoặc sáu tháng tù. Những thay đổi này có hiệu lực vào năm 2019 đối với các công ty lớn và vào năm 2020 đối với các công ty vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, quy định này tạm không áp dụng cho bác sĩ và các nhà tuyển dụng công nhân xây dựng, tài xế xe tải và xe buýt trong 5 năm, cho đến tháng 4/2024 nhằm giảm bớt tác động đối với các ngành này.

Từ tháng 4 năm tới, số giờ làm thêm mà bác sĩ có thể thực hiện sẽ bị giới hạn tối đa là 960 giờ một năm, tương đương 80 giờ một tháng.

Nhưng một số bệnh viện sẽ được miễn giới hạn này, khi có thể cho phép bác sĩ làm việc ngoài giờ tới 1.860 giờ mỗi năm. Theo Bộ Y tế Nhật Bản, hiện tại, 10% bác sĩ bệnh viện phải làm việc ngoài giờ hơn 1.860 giờ, trong khi 40% phải làm việc hơn 960 giờ.

Bộ cho biết các bác sĩ đang được đào tạo cũng như nhân viên ở khoa cấp cứu, sản khoa và phẫu thuật là những người phải làm việc quá sức nhiều nhất. Các bác sĩ trẻ được đào tạo chuyên khoa cũng được trả lương thấp tại các trường đại học mà họ trực thuộc. Để bù đắp cho mức lương thấp, nhiều bác sĩ phải làm việc thêm giờ tại bệnh viện nơi chính mình công tác hoặc tại các cơ sở y tế thiếu nhân lực thường xuyên.

Yoshie Komuro, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Work-Life Balance Komuro, cho biết ngành y tế từ lâu đã phản đối những cải cách về phong cách làm việc, với quan niệm rằng các bác sĩ luôn tự hào về công việc của mình như một nghĩa vụ “thiêng liêng”. Kết quả là các bác sĩ, đặc biệt là những người trẻ đang được đào tạo, đã bị lợi dụng đến mức không có khả năng hành nghề y một cách an toàn, Komuro nói.

Kết quả của một cuộc khảo sát năm 2022 do hiệp hội bác sĩ công bố cho thấy hơn 30% trong số 7.558 bác sĩ được hỏi cho biết họ đã có ý định tự tử. Ý nghĩ tự tử phổ biến nhất ở các bác sĩ ở độ tuổi 20, với 8,8% những người được hỏi nói rằng họ nghĩ đến việc tự tử “vài lần một tuần”, trong khi 5,2% khác nghĩ về điều đó “vài lần một ngày”.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiệu quả và tác phong lỗi thời vẫn còn phổ biến tại các bệnh viện khi nhân viên vẫn dựa vào máy fax – một biểu tượng khét tiếng của văn hóa kinh doanh truyền thống của đất nước và các cuộc họp kéo dài không cần thiết, Komuro nói.

Cậu em trai 31 tuổi của Shingo Takashima, người đã kịch liệt vận động cải cách bệnh viện sau cái chết của anh trai mình, hiểu rõ những khó khăn mà các bác sĩ trẻ của bệnh viện phải đối mặt vì anh cũng là một trong số họ.

Anh nói đằng sau vụ việc của anh trai mình là một nền văn hóa cố hữu ở Nhật Bản – nơi coi việc làm việc nhiều giờ là một đức tính tốt và thường cau mày với những người yêu cầu được đãi ngộ thỏa đáng cho công việc của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại