Như đã thông báo và râm ran từ trước, từ ngày 1-8, ứng dụng Zalo bắt đầu hạn chế một số tính năng, đồng thời thu phí người dùng nếu muốn sử dụng đầy đủ tính năng.
Cụ thể, người dùng Zalo OA (một loại zalo cho doanh nghiệp) sẽ phải chọn một trong ba gói thuê bao hằng tháng là Dùng thử (10.000đ), Nâng cao (59.000đ) và Cao cấp (399.000đ).
Những người dùng cá nhân vẫn được sử dụng gói miễn phí nhưng bị giới hạn một số tính năng. Chẳng hạn chỉ lưu được 1.000 người trong danh bạ, không được sử dụng username, gửi được tối đa 5 tin nhắn nhanh, không thể xem bình luận trên nhật ký, số điện thoại chỉ hiển thị với người lạ 40 lần/tháng, trả lời tối đa 40 hội thoại từ người lạ. Người dùng nào muốn gỡ bỏ giới hạn thì phải nâng cấp lên các gói tính phí.
Nghe đến hai chữ "thu phí" thì nhiều người nghĩ đây là bước đi sai lầm của Zalo vì bên ngoài thị trường hiện đang có rất nhiều ứng dụng nhắn tin rất tốt và miễn phí để thay thế. Thế nhưng trên thực tế, có vẻ đây là một chiến lược được tính toán cẩn thận và rất khôn ngoan của Zalo.
Với những người dùng phổ thông, tức là chỉ dùng Zalo cho các mục đích giao tiếp thông thường, thì vốn dĩ các hạn chế của Zalo cũng không ảnh hưởng là bao. Chẳng hạn giới hạn trả lời hội thoại, nếu không phải là dân kinh doanh, làm ăn nhiều, thì chẳng ai kết bạn mới đến hơn 40 lần một tháng, và 1.000 người lưu trong danh bạ là quá đủ cho hầu hết tất cả mọi người.
Chính vì không ảnh hưởng nhiều, nên người dùng phổ thông sẽ ít có khả năng chuyển "nhà" sang các ứng dụng nhắn tin khác.
Với người dùng phổ thông chỉ dùng Zalo cho các mục đích giao tiếp thông thường
Thêm vào đó, hiện tại Zalo đang có rất đông người dùng. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng người dùng thường xuyên của Zalo đạt 74,7 triệu vào tháng 2/2022, trong khi đó dân số Việt Nam là khoảng 100 triệu người và số người sử dụng Internet là hơn 75 triệu. Hay nói cách khác, hầu như tất cả ai dùng internet ở Việt Nam đều dùng Zalo.
Không chỉ vậy, thời gian sử dụng Zalo trung bình hằng ngày tương đối cao, khoảng 28 phút, tức là gần xấp xỉ Facebook (30 phút) và cao hơn Messenger (20 phút).
Với những con số này, có thể thấy Zalo đang quá quen thuộc với người Việt Nam, cộng thêm việc "bóp" tính năng gần như không ảnh hưởng gì nhiều nên người dùng phổ thông càng khó chuyển sang dùng ứng dụng tin nhắn khác. Thành thử, Zalo có vẻ sẽ giữ nguyên được tập người dùng phổ thông ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đối với tập khách hàng dùng Zalo để kết nối, kinh doanh thì những hạn chế tính năng của Zalo lại cực kỳ ảnh hưởng. Chẳng hạn người làm ăn thì số danh bạ trên 1.000 có lẽ không phải chuyện hiếm. Hằng tháng họ phải tiếp xúc với cả hàng trăm khách hàng, đối tác mới. Nếu chỉ dừng lại ở con số 40 cuộc trò chuyện với người lạ hằng tháng thì thật đúng là bóp đường làm ăn.
Dù có thể không thoải mái với chính sách mới của Zalo, nhưng bản thân người kinh doanh lại không thể bỏ Zalo. Tất cả cũng chỉ vì số lượng người dùng quá khủng của Zalo, đặc biệt tại thị trường Việt Nam. Không phải ai cũng có thể bỏ Zalo và chuyển sang một ứng dụng khác. Tức là nếu người kinh doanh "nghỉ chơi" Zalo, họ sẽ mất kênh thông tin liên lạc với một bộ phận khách hàng rất lớn.
Và khi đã ở trong thế đã rồi, họ phải chấp nhận bỏ tiền để sử dụng các gói tính năng không bị giới hạn.
NHƯ VẬY LÀ
Zalo vẫn giữ được lượng người dùng phổ thông, và bắt được người dùng kinh doanh phải nộp tiền. Một chiến thuật rất khôn ngoan và sáng nước của Zalo.