Zalo “bóp tính năng” người dùng cá nhân, liệu có “giọt nước tràn ly”?

Thy Hằng |

Chuyên gia tin rằng chuyện Zalo "bóp tính năng", thu phí có thể trở thành "giọt nước tràn ly" khiến người dùng rời bỏ nền tảng để chuyển sang sử dụng dịch vụ miễn phí khác, nơi họ ít bị giới hạn hơn.

Zalo thông báo thu phí khách hàng doanh nghiệp khiến cộng đồng người dùng tỏ ra hoang mang, cho rằng Zalo sắp thu phí cả người dùng cá nhân.

Zalo thông báo thu phí khách hàng doanh nghiệp khiến cộng đồng người dùng tỏ ra hoang mang, cho rằng Zalo sắp thu phí cả người dùng cá nhân.

Trên trang chủ, Zalo thông báo sẽ cung cấp 3 gói trả phí dành cho tài khoản Bussiness (Zalo Official Account - Zalo OA) gồm Standard, Pro và Elite.

Trong đó gói Pro (5.500 đồng/ngày) đang cung cấp dùng thử miễn phí tới ngày 30.8, có một số lợi ích như 120 lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm mỗi tháng, danh bạ 3.000 liên hệ, tiện ích hỗ trợ kinh doanh, 120 lượt phản hồi chat với người lạ... Hai gói còn lại ở tình trạng "Sắp ra mắt", mức phí dự kiến lần lượt là 2.800 đồng/ngày và 55.000 đồng/ngày.

Ngoài quyết định thu phí đối với tài khoản doanh nghiệp, dù Zalo chưa có động thái nào cho thấy sẽ thu phí đối với người dùng thông thường nhưng ứng dụng đang dần mất thiện cảm với nhóm đối tượng khách hàng này do những động thái "bóp tính năng" như bước "dọn đường" cho việc thu phí sau này.

Theo đó, trong những "cập nhật quan trọng" về chính sách của Zalo từ ngày 1/8 tới ngoài việc sẽ tiến hành thu phí Zalo OA, ứng dụng này cũng thừa cơ "bóp tính năng" đối với người dùng thông thường vốn dĩ hầu hết là người dùng cá nhân, sử dụng Zalo như một phương tiện truyền thông trong trao đổi, tương tác qua các hình thức nhắn tin, gọi điện, gửi nhận tài liệu… miễn phí.

Cụ thể, có 6 sự thay đổi lớn trong chính sách của Zalo đối với người dùng thông thường mà trong đó có thể thấy rõ động thái, dấu hiệu "bóp tính năng" đối với người dùng ở từng mức độ khác nhau.

Thứ nhất, là tài khoản người dùng thông thường không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký. Sự hạn chế này trên thực tế không thay đổi quá nhiều so với chính sách hiện hành của Zalo.

Thứ hai, Zalo chỉ cho phép tài khoản thông thường hiển thị tối đa 40 lần/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại. Trên thực tế, việc "bóp tính năng" trong trường hợp này là không cần thiết, bó buộc người dùng, thay vì hệ thống đưa ra cơ chế cho người dùng tự chọn.

Thứ ba, mỗi tài khoản được phản hồi tối đa 40 hội thoại từ người lạ. Ở sự hạn chế này cũng tương tự trường hợp thứ hai, tốt nhất hệ thống nên mở ra cho người dùng cơ chế tự chọn và điều chỉnh thì người dùng cảm thấy được hỗ trợ nhiều hơn.

Thứ tư, Zalo không còn hỗ trợ tính năng Username, đồng nghĩa người dùng mất đi một tiện ích.

Thứ năm, mỗi tài khoản Zalo sẽ chỉ mặc định được 5 mẫu tin nhắn nhanh. Đặc biệt, chiêu "bóp tính năng" lộ liễu nhất chính là việc Zalo giới hạn danh bạ trong tài khoản Zalo thông thường không quá 1.000 liên hệ. Cần biết rằng, hầu hết mạng xã hội hiện nay đều cho phép người dùng lưu danh bạ từ mức 5.000 liên hệ trở lên. Việc Zalo giới hạn cho tài khoản thông thường chỉ 1.000 liên hệ, được dư luận cho rằng là chiêu cố tình ép người dùng chuyển sang sử dụng loại tài khoản trả phí.

Với những người sử dụng nhiều, có mối quan hệ và tương tác rộng, đây thực sự là một bất tiện và có khả năng sẽ gây tác dụng ngược "gậy ông đập lưng ông" đối với Zalo.

Zalo “bóp tính năng” người dùng cá nhân, liệu có “giọt nước tràn ly”? - Ảnh 1.

Có 6 sự thay đổi lớn trong chính sách của Zalo đối với người dùng thông thường mà trong đó có thể thấy rõ động thái, dấu hiệu “bóp tính năng” đối với người dùng ở từng mức độ khác nhau.

"Ưu điểm của Zalo là độ phủ, không phải về dải tính năng có thể cung cấp cho người dùng. Trong khi các OTT khác muốn thu phí sẽ giữ nguyên bản gốc và bổ sung tính năng, tiện ích mới ở gói thuê bao nhằm thu hút người dùng thì Zalo đang làm điều ngược lại. Điều tôi muốn nói là việc ứng dụng này thu hồi, giới hạn các tính năng vốn đã thân thuộc với người dùng, đẩy họ vào tình huống phải trả tiền để có lại những điều đó. Đây không phải là một tín hiệu tốt đối với tập khách hàng phổ thông", một chuyên gia đánh giá Zalo khó có thể thu phí được người dùng thông thường.

Đặc biệt trong bối cảnh có rất nhiều các ứng dụng miễn phí và phổ biến trong bối cảnh hiện tại như Skype, WhatsApp, Telegram, iMessage hay Viber. Hơn nữa, ứng dụng "quốc dân" Zalo vốn cũng nhận nhiều chỉ trích khi khả năng đồng bộ đa thiết bị chưa tốt, người dùng khi đổi hoặc thất lạc máy dễ mất toàn bộ dữ liệu.

Do vậy, giới quan sát tin rằng chuyện Zalo thu phí có thể trở thành "giọt nước tràn ly" khiến người dùng rời bỏ nền tảng để chuyển sang sử dụng dịch vụ miễn phí khác, nơi họ ít bị giới hạn hơn.

"Với thói quen sử dụng miễn phí nhiều năm nay, nếu Zalo thu phí sẽ có cuộc dịch chuyển người dùng sang các ứng dụng miễn phí khác", chuyên gia viễn thông Nguyễn Ngọc Minh bình luận.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, bởi thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha (của Viettel) xấp xỉ 591 MB, chiếm 58,84% toàn thị trường, nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam (Messenger, Viber và Telegram là 413,3 MB, chiếm 41,16%). Do đó chuyên gia có căn cứ để tin rằng thị trường Internet sẽ có thay đổi lớn sau động thái này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại