Vẫn chưa có mức án cuối cho kiều nữ ngân hàng chiếm đoạt 50 tỷ đồng

Ngọc Tú |

Được dự kiến sẽ tuyên án, tuy nhiên do có nhiều tình tiết về đường đi của nguồn tiền mà Lam chiếm đoạt chưa được làm rõ nên Hội đồng xét xử đã kéo dài phần nghị án.

Chiều 13/7, Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đối với Nguyễn Thị Lam (31 tuổi, trú xã Yên Sơn, Đô Lương, Nghệ An; nguyên là nhân viên Phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh ngân hàng Eximbank TP. Vinh) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong vụ án này, ngoài Lam còn có 15 cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương và Chi nhánh Eximbank TP. Vinh cũng bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Vẫn chưa có mức án cuối cho kiều nữ ngân hàng chiếm đoạt 50 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bị cáo Lam cùng những người liên quan tại phiên toà ngày 13/7.

Trước đó, trong phiên toà xét xử bị cáo Lam cùng những người liên quan vào ngày 6/7, Hội đồng xét xử thông báo sẽ tuyên án vào phiên toà chiều 13/7.

Tuy nhiên, do đường đi của nguồn tiền mà Lam chiếm đoạt chưa được làm rõ nên Chủ toạ phiên toà tiếp tục quay lại phần xét hỏi.

Trước những câu hỏi của Chủ toạ phiên toà về số tiền mà Lam chiếm đoạt được dùng để mua nhà là bao nhiêu và đất rộng bao nhiêu m2, Lam trả lời khá nhỏ nhẹ. Nhiều cầu hỏi Lam suy nghĩ lâu và không nhớ rõ.

Sau khi xét hỏi về nguồn tiền mà Lam chiếm đoạt được, Hội đồng xét xử sẽ kéo dài phần nghị án và dự kiến sẽ tuyên án vào chiều ngày 16/7.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh, từ năm 2012 đến 2016, Lam làm nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương đã lừa khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền.

Vẫn chưa có mức án cuối cho kiều nữ ngân hàng chiếm đoạt 50 tỷ đồng - Ảnh 2.

Bị cáo Lam trả lời nhỏ nhẹ trước những câu hỏi của Chủ toạ phiên toà.

Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này để lấy chữ ký khống.

Lam sau đó về hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Cũng có nhiều trường hợp, Lam giả mạo chữ ký của khách hàng rồi nói dối các giao dịch viên là rút, chuyển tiền hộ cho khách hàng.

Do tin tưởng Lam, và sự quản lý lỏng lẻo của nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương Đặng Đình Hồng, các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Lam rút, chuyển tiền mặc dù sổ tiết kiệm khách hàng đang giữ và khách hàng không có mặt.

Như trường hợp khách hàng Hương gửi tiết kiệm 6 tỷ đồng. Khi bà Hương muốn rút tiền, Lam nói bà Hương không cần rút mà làm thủ tục cho vay với lãi suất thấp chỉ 0,3%/năm. Bà Lam tin thật nên đồng ý. Tuy nhiên thực tế Lam đã lấy tiền trong sổ tiết kiệm của bà Hương để cho người này vay.

Sau đó bà Hương hoàn trả lại số tiền đã vay nhưng Lam không nộp vào sổ tiết kiệm cho bà Hương mà chiếm đoạt luôn.

Một thủ đoạn khác của Lam là lợi dụng các khách hàng thân quen để nhận gửi tiết kiệm giúp và hứa trả cao gấp đôi mức lãi suất của ngân hàng khiến nhiều người tưởng thật.

Bằng các thủ đoạn trên, Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng ở Nghệ An trong hệ thống ngân hàng Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Lam khai nhận, sau khi chiếm đoạt tiền của các khách hàng, Lam chuyển vào tài khoản của bạn bè, người thân. Ngoài ra, Lam còn dùng số tiền này để mua xe ô tô, mua đất, làm nhà và cho vay cá nhân lãi suất cao.

Tháng 8/2016, Lam đã trả cho một khách hàng hơn 4,7 tỷ đồng trước khi bị cơ quan công an bắt giữ.

Cơ quan chức năng xác định, Giám đốc phòng Giao dịch Eximbank Đô Lương đã buông lỏng quản lý. Các lãnh đạo không thực hiện đúng quy định của ngân hàng nhà nước và dẫn đến sự việc như trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại