Văn bia cổ trên vách núi ca ngợi chiến công thời Trần

Phạm Tâm |

Tấm văn bia được khắc trên vách núi (huyện Con Cuông, Nghệ An) ghi lại chiến công của quân dân nhà Trần khi bảo vệ bờ cõi phía Tây Nam Tổ quốc.

Áng hùng văn “tựa sơn, vọng thủy”

Huyện miền núi Con Cuông (tỉnh Nghệ An) xưa nay nổi tiếng với cảnh sắc núi non hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Vào thế kỷ thứ XIV, vùng đất này là biên ải phía Tây Nam của nước Đại Việt, từng chứng kiến nhiều chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần.

Nằm ẩn khuất sau dãy núi đá vôi trùng điệp, “Ma nhai kỷ công bi văn” (bia Ma nhai) nằm trên núi Thành Nam (thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông) là tấm bia khắc trực tiếp lên núi cổ nhất tại Việt Nam.

Theo sử sách ghi chép, bia do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn biên soạn và khắc lên vách núi, kỷ niệm chiến công của Thái thượng hoàng Trần Minh Tông (1300 - 1357) chống giặc Ai Lao.

Trần Minh Tông là hoàng đế thứ năm của triều đại nhà Trần. Năm 1329, sau 15 năm trị vì đất nước, ông nhường ngôi cho Thái tử Trần Vượng (vua Trần Hiến Tông) rồi lui về làm Thái thượng hoàng.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá về vua Trần Minh Tông: “Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày”.

Vào đầu thế kỷ XIV, quan hệ bang giao giữa Đại Việt với nước láng giềng Ai Lao có nhiều mối bất hòa. Lợi dụng tình hình đó, một số bộ tộc ở phía Tây Nghệ An được sự hậu thuẫn của Ai Lao đã nhiều lần đem quân đánh chiếm, cướp phá khiến người dân vô cùng cực khổ.

Để bảo vệ bờ cõi và cuộc sống bình yên của nhân dân, đồng thời thể hiện sức mạnh của nước Đại Việt, năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (năm 1335), Thái thượng hoàng Trần Minh Tông quyết định thân chinh chỉ huy quân đội, hiệu lệnh tiến đánh Ai Lao.

Thấy binh hùng tướng mạnh của nhà Trần, giặc Ai Lao thất thế nên rút quân, từ bỏ ý định xâm phạm bờ cõi Đại Việt.

Sau thắng lợi, Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân. Trên đường hồi kinh, trong lúc nghỉ ngơi dưới chân núi Thành Nam, ông lệnh cho Phát vận sứ Nguyễn Trung Ngạn soạn văn, khắc chữ ghi lại chiến công đánh đuổi quân Ai Lao trên vách đá.

“Cuối Thu năm Ất Hợi (năm 1335), nhà vua thống lĩnh lục quân đi tuần ở cõi Tây. Thế tử nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, nước Xiêm và tù trưởng đạo thần là Quỳ, Cầm, Xa, Lặc rồi các bộ mán mới phụ thuộc là tù trưởng rợ Bôi Bồn và rợ Thanh Xa đều dâng sản vật của địa phương mình và tranh nhau đón rước.

Chỉ một mình tên giặc Bổng cứ giữ thói u mê, sợ tội mà chưa tới chầu ngay. Đến cuối Đông, vua đóng quân ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu, rồi lệnh cho các tướng cùng với quân lính mọi rợ vào tận nơi ở của chúng. Tên giặc Bổng nghe uy thế liền trốn chạy, vua bèn xuống chiếu đem quân về”, trích nội dung trên văn bia.

Điều khá thú vị, bia Ma nhai được giới nghiên cứu xếp vào hàng bia đá có nét chữ lớn nhất Việt Nam. Qua đo đạc, trung bình mỗi chữ cái có đường kính khoảng 10,5cm trên tổng diện tích gần 3,5m2.

Tấm bia được khắc ở độ cao gần 100m nên khi du khách đi dọc Quốc lộ 7A, hay chèo thuyền trên sông Lam qua núi Thành Nam đều có thể chiêm ngưỡng bức “thư pháp” độc đáo này.

Trải qua gần 700 năm, bia đá vẫn trường tồn, vững chãi như một “áng hùng văn” nhắc nhở hậu thế luôn ghi nhớ công lao to lớn của cha ông trong sự nghiệp bảo vệ bờ cõi, độc lập của dân tộc.

Văn bia cổ trên vách núi ca ngợi chiến công thời Trần- Ảnh 2.

Bia Ma nhai nằm dưới chân núi Thành Nam, thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông.

Văn bia cổ trên vách núi ca ngợi chiến công thời Trần- Ảnh 3.

Nội dung văn bia có tổng cộng 155 chữ, được khắc thành 14 dòng.

Địa chỉ giáo dục lịch sử dân tộc

Ông Phan Anh Tài, Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông cho biết, bia Ma nhai là di sản lịch sử quý giá của địa phương, chứng minh tinh thần đoàn kết, khát vọng thống nhất giang sơn, giữ yên bờ cõi của quân dân Đại Việt.

Tuy nhiên, trước đây do công tác bảo tồn còn sơ sài nên suốt hàng chục năm tấm bia bị “lãng quên”, đường lên núi bị cỏ dại, cây cối bao phủ.

Tháng 7/2011, sau khi bia được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chính quyền đã làm biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu, xây lối lên xuống bằng bê tông. Trải qua thăng trầm của thời gian, hiện nay văn bia vẫn còn nguyên vẹn, chữ trên vách núi không hề bị mờ.

Văn bia cổ trên vách núi ca ngợi chiến công thời Trần- Ảnh 4.

Trải qua gần 7 thế kỷ, những nét chữ khắc trên vách đá vẫn còn sắc nét, rõ ràng.

Bên dưới núi có một hang đá nhỏ rộng chừng 10m2, được người dân địa phương lập bàn thờ, đặt lư hương, cử người tuần tra bảo vệ. Vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch, du khách thập phương thường đến cung tiến lễ vật hương, hoa, quả…, tưởng nhớ các tướng lĩnh đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên cương.

Theo Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông, nhằm phát huy tối đa giá trị văn hóa và lịch sử của di tích này, chính quyền địa phương đang lập đề án, quy hoạch 7ha đất quanh núi Thành Nam để bảo vệ và phát triển du lịch.

Ngoài ra, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cũng trình hồ sơ, đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận tấm bia là Di sản tư liệu thế giới.

Theo thống kê, ở Việt Nam có hàng nghìn văn bia, đa số là bia chế tác có từ triều Lê và triều Nguyễn. Độc đáo hơn cả phải kể đến loại văn bia Ma nhai, bởi đây là bia khắc trực tiếp lên núi đá. Văn bia của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn được giới chuyên môn đánh giá là bia đá trên núi cổ nhất và có nét chữ lớn nhất tại Việt Nam. Đây là tư liệu đặc biệt quý hiếm trong công tác nghiên cứu sử học, văn học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại