Trung Quốc đã phê chuẩn thử nghiệm vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA do nước này tự sản xuất để làm mũi tiêm tăng cường cho người dân. Quyết định này giúp chiến dịch tiêm ngừa virus corona của Trung Quốc có thêm sự lựa chọn về các loại vắc xin.
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã phê chuẩn thử nghiệm tính hiệu quả và an toàn của vắc xin mRNA mang tên ARCoVax làm liều tăng cường trên người trưởng thành từng tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 dùng công nghệ bất hoạt.
Trung Quốc thử nghiệm vắc xin mRNA Covid-19 tự bào chế làm mũi tiêm tăng cường. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu)
Vắc xin truyền tin RNA (mRNA) dạy các tế bào cách tạo protein giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna là 2 loại vắc xin mRNA thuộc nhóm vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt sử dụng tại Mỹ.
Vắc xin mRNA ARCoVax là sản phẩm hợp tác nghiên cứu và phát triển của Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc cùng 2 công ty Abogen Biosciences Tô Châu và Walvax Biotechnology.
Vắc xin ARCoVax đang được thử nghiệm giai đoạn cuối trên người ở nhiều nước với khoảng 30.000 tình nguyện viên tham gia. Cụ thể, hồi tháng Chín, các tình nguyện viên ở Mexico đã được tiêm vắc xin mRNA ARCoVax và tới tháng 10 là trên tình nguyện viện ở Malaysia.
Trong giai đoạn đầu thực hiện chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 toàn dân, Trung Quốc chủ yếu dựa vào các loại vắc xin sử dụng công nghệ bất hoạt. Giờ đây Trung Quốc đang triển khai nghiên cứu xem những loại vắc xin sử dụng công nghệ hiện đại hơn có thể tăng khả năng miễn dịch của người tiêm hay không.
Vắc xin bất hoạt dùng xác virus khi virus được nuôi và giết chết bằng nhiệt, tia xạ hoặc hóa chất. Mặc dù virus đã chết nhưng kháng nguyên vẫn còn, hệ miễn dịch con người vẫn tạo ra kháng thể kháng bệnh như bình thường.
Trong tháng Chín, nghiên cứu chưa được bình duyệt đăng trên trang medRxiv.org cho thấy, khi được dùng làm mũi tiêm tăng cường, vắc xin CanSino sản xuất bằng công nghệ vector virus có khả năng sản sinh miễn dịch cao hơn đáng kể so với các loại vắc xin virus bất hoạt.
Cũng trong tháng Chín, tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin so với vắc xin mRNA do Mỹ và Đức phát triển gồm Moderna và Pfizer, vắc xin mRNA của Trung Quốc "an toàn hơn nhiều", với kháng thể trung hòa được tạo ra cao hơn.
Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, chi phí bảo quản vắc xin ARCoVax thấp hơn so với các loại vắc xin của nước ngoài. Theo đó, vắc xin ARCoVax có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong 1 tuần, hoặc ở 4 độ C trong thời gian dài nên dễ sử dụng hơn. Trong khi đó, vắc xin Moderna và Pfizer cùng sử dụng công nghệ mRNA được bảo quản ở nhiệt độ thấp hơn nhiều kèm theo các tiêu chuẩn kiểm soát nhiệt độ nghiêm ngặt.
Đẩy mạnh sản xuất vắc xin mRNA
Công ty Stemirna Therapeutics tại Thượng Hải cũng đã đăng ký thử nghiệm để so sánh mức độ kháng thể tạo ra khi dùng vắc xin mRNA làm mũi tiêm tăng cường cho những người từng tiêm vắc xin bất hoạt.
Hiện Trung Quốc chỉ cho phép tiêm mũi tăng cường bằng loại vắc xin giống 2 mũi ban đầu. Cụ thể, Trung Quốc đã cấp phép cho 2 loại vắc xin bất hoạt do Sinopharm và Sinovac sản xuất, cùng vắc xin vector của CanSino Biologics để làm liều tăng cường.
Tuy nhiên, việc tiêm lẫn vắc xin Covid-19 đang được cho là có khả năng tăng miễn dịch của cơ thể trước virus corona.
Tại diễn đàn ở Thượng Hải vào tuần trước, ông Zeng Guang, cựu trưởng nhóm chuyên gia dịch tễ tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), cho biết việc sử dụng cùng một công nghệ để tiêm nhắc lại sẽ an toàn hơn và nhận được sự đồng tình lớn hơn của cộng đồng.
“Nhưng chúng ta có thể xem xét dữ liệu từ nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan và Lebanon. Theo đó, việc sử dụng vắc xin mRNA hoặc vắc xin protein tái tổ hợp làm liều tăng cường cho vắc xin virus bất hoạt sẽ đạt được kết quả tốt hơn”, ông Zeng nói thêm.
Ở một số nước như Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Brazil và Indonesia, những người đã tiêm vắc xin Covid-19 bất hoạt do Trung Quốc sản xuất hiện có quyền lựa chọn tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin mRNA.
Được biết công ty Walvax Biotechnology đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối trên 2.000 tình nguyện viên ở tỉnh Vân Nam và Quảng Tây. Hồi tháng 10, công ty đã hoàn thành xây dựng cơ sở sản xuất ở tỉnh Vân Nam với công suất cho ra đời 200 triệu liều vắc xin mRNA và vắc xin vector mỗi năm.
Trong khi đó, nhà máy của công ty Abogen ở thành phố Tô Châu có thể sản xuất khoảng 40 triệu liều vắc xin Covid-19 mỗi năm. Hồi đầu tháng này, công ty đã được cấp phép sản xuất vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA.