V-League ‘lên giá’ từ hiệu ứng U-23 Việt Nam

Anh Nhật |

Sau một mùa giải vắng khán giả và nhà tài trợ chính “bỏ chạy”, các nhà làm bóng đá Việt Nam hy vọng V-League sẽ lên hương từ cơn sốt U-23 Việt Nam, á quân giải châu Á.

Sau thành công của đội tuyển U-23 Việt Nam tại vòng chung kết U-23 châu Á, có tin một doanh nghiệp tính toán tài trợ lớn cho V-League 2018. Đây là một tín hiệu vui của làng bóng quốc nội sau một mùa thất bát về tiếng tăm lẫn tiền bạc.

Không hẳn nhà tài trợ quen thuộc Toyota không còn muốn gắn bó với V-League trong khi hỗ trợ cho Thai-League gấp cả chục lần. Điều quan trọng là nhà đầu tư không cảm thấy sinh lời cho thương hiệu như mong muốn đã chọn giải pháp hạ giá V-League.

Các nhà làm giải lo sốt vó khi ngày khai mạc đã đến gần và buộc phải trở về thời kỳ rất cũ theo kiểu lấy tiền “doanh nghiệp nhà” ra trang trải cho giải đấu.

Việc có nhà tài trợ khác nhảy vào V-League mùa bóng mới từ hiệu ứng của U-23 Việt Nam do biết nắm bắt thị hiếu của giới hâm mộ đang phát cuồng với các tuyển thủ trẻ. Ai cũng hiểu rằng sự xuất hiện của những nhà á quân U-23 châu Á trên sân cỏ V-League là một nguồn hấp dẫn khán giả bỏ tiền mua vé vào xem rất lớn.

V-League ‘lên giá’ từ hiệu ứng U-23 Việt Nam - Ảnh 1.

V-League 2018 sẽ hấp dẫn khán giả hơn từ thành công của đội tuyển U-23 Việt Nam . Ảnh: HUY PHẠM

Cách đây bốn năm, lứa cầu thủ trẻ U-19 Việt Nam với nòng cốt là quân của bầu Đức sau khi nổi đình nổi đám ở các giải quốc tế đã gây cơn sốt kéo dài. Đội bóng HA Gia Lai đi đến đâu là quyến rũ khán giả đến đó.

Nói như HLV Guillaume là vui thì có vui nhưng cỡ Công Phượng ra đường không có nổi khoảng trống 2 m để đi thì mệt lắm! Hồi đó, chỉ riêng HA Gia Lai đã chiếm 1/4 lượng khán giả đến sân, trong tổng số 14 đội bóng V-League .

Nói thế để biết 23 cầu thủ U-23 Việt Nam vừa vinh danh ở giải châu Á ở các CLB thì sức hút của họ càng lớn hơn và trải đều trong những trận đấu hơn. Nhưng có một thực tế cầu thủ dưới 23 tuổi thường khó chen chân vào đội hình 1 chơi V-League do phải nhường chỗ cho đàn anh kinh nghiệm hoặc ngoại binh hiệu quả hơn.

Chính vì thế, VPF mới có động tác tiếp theo là đưa đề xuất lên VFF bắt buộc mỗi CLB phải cho 1-2 cầu thủ U-23 có mặt trong đội hình ra sân.

Vấn đề còn lại của các nhà tổ chức giải, các CLB là làm sao giữ được “lửa” cho người yêu bóng đá bằng sự trong sạch, sòng phẳng, cao thượng từ những thành phần tham gia cuộc chơi thì mới mong V-League không bị đại hạ giá.

U-23 Việt Nam sau ánh hào quang

Bốn ngày sau khi trở về từ Trung Quốc, rất nhiều tuyển thủ U-23 Việt Nam vẫn còn say sưa với những cuộc gặp gỡ, nhận thưởng, giao lưu ở nhiều cấp độ. Họ không thể từ chối trước tấm thịnh tình quá lớn từ nhiều giới và họ xứng đáng được ca ngợi.

Nhưng mọi thứ cũng cần có mức độ. Sau ánh hào quang á quân giải châu Á, cũng có rất nhiều ý kiến lo ngại các tuyển thủ trẻ khó giữ mình khi xung quanh là những lời có cánh và bủa vây bằng tiền bạc.

Bài học của các đàn anh không thể kiểm soát mình và rất nhiều cầu thủ sa ngã như những vết xe đổ mà các tuyển thủ trẻ cần tránh. Sợ học trò sa lầy vào cám dỗ cũng là điều HLV Park Hang-seo dặn đi dặn lại trước khi chia tay về CLB, bởi chặng đường phía trước của họ còn rất dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại