Ủy ban trên đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ cung cấp danh sách tất cả các cuộc thảo luận kể từ tháng 12/2018 về vấn đề tài trợ cho WHO và chuyển những đánh giá chưa qua chỉnh sửa về tác động của quyết định này đối với cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel cảnh báo, Quốc hội Mỹ có thể buộc Bộ Ngoại giao phải chuyển giao những tài liệu này trước 5 giờ chiều 4/5.
Trong một bức thư gửi tới Ngoại trưởng Mike Pompeo, Hạ nghị sĩ Engel nêu rõ: “Đến nay, lời biện minh của Bộ Ngoại giao về việc ngừng tài trợ cho WHO đã được gửi tới Quốc hội theo hình thức văn bản dài một trang giấy, trong đó nêu ra một số luận cứ cho quyết định này, tuy nhiên, không đưa ra kế hoạch và bất cứ lý giải nào về việc đình chỉ các khoản tài trợ dành cho WHO - tổ chức sẽ cứu vớt những sinh mạng ở đây hoặc trên khắp thế giới”.
Mặc dù thừa nhận những sai sót của WHO, song ông Engel vẫn coi vai trò của tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc này là “vô giá”, đồng thời cáo buộc Tổng thống Trump đang tìm cách đánh lạc hướng dư luận về những thất bại của mình trong công tác đối phó với dịch bệnh COVID-19. Ông Engel nhấn mạnh: “Chắc chắn rằng quyết định ngừng tài trợ cho WHO trong lúc thế giới đương đầu với thảm họa COVID-19 không phải là một lời giải đáp”.
Động thái trên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện diễn ra giữa lúc các Hạ nghị sĩ của đảng Dân chủ cáo buộc chính quyền của Tổng thống Trump cố tình “đổ lỗi” cho WHO nhằm đánh lạc hướng sự chú ý đối với công tác xử lý tình trạng bùng phát của đại dịch COVID-19 của Mỹ, đồng thời hối thúc Washington ngay lập tức nối lại hoạt động tài trợ cho WHO.
Bức thư gửi Tổng thống Trump - đề ngày 22/4, do ông Engel dẫn đầu, và có chữ ký của tất cả 26 thành viên thuộc đảng Dân chủ trong ủy ban - khẳng định: “Chính sách này là hết sức sai lầm và dường như là một nỗ lực đổ lỗi cho WHO nhằm đánh lạc hướng sự chú ý đối với công tác ứng phó yếu kém và bị chính trị hóa từ chính quyền của Ngài”.
Bức thư trùng với thời gian Ngoại trưởng Mike Pompeo phát biểu trên kênh Fox News rằng, Mỹ có thể không bao giờ nối lại hoạt động tài trợ cho WHO. Ông Pompeo cho rằng cần thiết phải "cải tổ về mặt cấu trúc của WHO" để sửa chữa "những thiếu sót" của tổ chức này. Ông Pompeo nói: "Thậm chí nhiều hơn thế, Mỹ có thể không bao giờ nối lại việc tài trợ, đưa tiền đóng thuế của người dân Mỹ cho WHO".
Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo cũng đã tuyên bố Mỹ đang tìm cách "thay đổi căn bản" WHO. Trong một phát biểu, Ngoại trưởng Pompeo cho biết: "Trong lịch sử, WHO đã thực hiện tốt một số công việc. Thật không may trong trường hợp này, tổ chức này đã không thể hiện tốt vai trò của mình". Ông Pompeo cũng đồng thời khẳng định Mỹ cần đảm bảo thúc đẩy những nỗ lực để thay đổi căn bản điều đó hoặc đưa ra một quyết định khác cho thấy Mỹ đang làm phần việc của mình để đảm bảo những nghĩa vụ y tế thế giới quan trọng này - những điều cũng giúp giữ vững sự an toàn cho người dân Mỹ - thực sự hoạt động.
Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho WHO với khoảng 400 triệu USD, tương đương 15% ngân sách, chỉ trong năm 2019. Tuy nhiên, Tổng thống Trump ngày 14/4 tuyên bố ông đã chỉ thị tạm ngừng tài trợ cho WHO do cách tổ chức này xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của tổ chức này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm".