Ủy viên Tư pháp Châu Âu - ông Didier Reynders đã nêu chính xác số lượng tài sản có chủ quyền thuộc về Liên bang Nga mà các nước EU đã đóng băng sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nó hiện ở mức 207 tỷ euro, thông tin trên được đưa ra trong một cuộc họp báo ở The Hague.
"Ủy ban châu Âu (EC) đang thảo luận về khả năng sử dụng số tiền thu được từ tài sản của Nga trị giá 207 tỷ euro đã bị đóng băng ở các ngân hàng trên lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả tài sản của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, để tài trợ cho việc khôi phục Ukraine", ông Reinder lưu ý.
Theo quan chức phụ trách công tác đóng băng, tái đầu tư và tìm kiếm cơ hội tịch thu tài sản Nga của Ủy ban châu Âu, EU dự kiến nhận được tới 3 tỷ euro mỗi năm theo cách này, mặc dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra đối với số tài sản trên.
Phương Tây quyết tịch thu số tài sản của Nga đang bị đóng băng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trước đó cũng nói rằng các tài sản bị đóng băng của Nga nên được sử dụng để tái thiết Ukraine sau chiến tranh.
Đồng thời, nhà lãnh đạo Đức gọi vấn đề tịch thu là quá trình vô cùng khó khăn.
Sau hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra gần đây, ông Scholz nói rằng các nhà lãnh đạo của EU đã chỉ đạo Ủy ban châu Âu làm việc về vấn đề này và sớm thông báo về kết quả.
Bên cạnh đó, cũng nằm trong diện bị phong tỏa là tài sản của những người Nga thuộc danh sách trừng phạt cá nhân. Theo Bộ Tài chính Hoa Kỳ, số tài sản bị đóng băng nói trên có trị giá 58 tỷ USD.
Trước đó, có thông tin cho biết Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chuyển giao tài sản bị đóng băng của Nga cho Ukraine. Dự luật trao cho Tổng thống Mỹ quyền tịch thu và chuyển khoản tiền của Moskva đang bị đóng băng cho Kyiv.