Cấm vận Nga tạo hiệu ứng ngược: BRICS đẩy nhanh chính sách mang kịch bản đáng sợ cho Mỹ

Duy Anh |

Nỗ lực ban hành đồng tiền mới của BRICS được cho là thông điệp thách thức quá trình đô la hóa.

Lãnh đạo các quốc gia BRICS

Lãnh đạo các quốc gia BRICS

Vào tháng 8/2023, nhóm các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi sẽ họp ở Nam Phi. Một trong số các vấn đề được nhóm đưa ra trao đổi là việc tạo ra một loại tiền tệ chung. Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra khi các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với bối cảnh địa chính trị thay đổi, thách thức sự thống trị của phương Tây.

Nhà kinh tế học Mihaela Papa nhận định trên tờ Asia Times, trong khi các nước BRICS đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong hơn một thập kỷ, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine đã đẩy nhanh quá trình này.

Trong khi đó, lãi suất tăng và cuộc khủng hoảng trần nợ gần đây ở Mỹ đã làm dấy lên lo ngại giữa các quốc gia khác về khoản nợ bằng đồng USD của họ và sự sụp đổ của đồng USD nếu nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ vỡ nợ.

Cấm vận Nga tạo hiệu ứng ngược: BRICS đẩy nhanh chính sách mang kịch bản đáng sợ cho Mỹ - Ảnh 1.

Tin không vui đối với Mỹ: Phi đô la hóa được đẩy mạnh

88% giao dịch quốc tế được thực hiện bằng đồng USD và đồng tiền này cũng chiếm tới 58% dự trữ ngoại hối, sự thống trị toàn cầu của đồng USD là không thể chối cãi. Tuy nhiên, quá trình phi đô la hóa đã được đẩy nhanh sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Các nước BRICS đã và đang theo đuổi một loạt các sáng kiến nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Trong năm qua, Nga, Trung Quốc và Brazil đã chuyển sang sử dụng nhiều hơn các loại tiền tệ không phải đồng USD trong các giao dịch xuyên biên giới của họ.

Iraq, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang tích cực khám phá các lựa chọn thay thế đồng USD. Đồng thời, các ngân hàng trung ương cũng đã tìm cách hạn chế sự phụ thuộc của dự trữ tiền tệ vào USD và vàng.

Tất cả các quốc gia BRICS đều chỉ trích sự thống trị của đồng USD vì những lý do khác nhau. Các quan chức Nga đã ủng hộ việc phi đô la hóa để xoa dịu nỗi đau từ các lệnh trừng phạt.

Do lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga, các ngân hàng Nga không thể sử dụng SWIFT (Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu – tổ chức đứng sau hầu hết các giao dịch chuyển tiền quốc tế hiện nay). Đồng thời, phương Tây đã đóng băng 330 tỷ USD dự trữ của Nga vào năm ngoái.

Cấm vận Nga tạo hiệu ứng ngược: BRICS đẩy nhanh chính sách mang kịch bản đáng sợ cho Mỹ - Ảnh 2.

Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu

Tham vọng tiền tệ

Mặc dù tương lai về đồng tiền chung của BRICS đang được đem ra thảo luận, nhưng có rất ít các thông tin về các mô hình đang được xem xét để xây dựng đồng tiền này.

Tuy nhiên, bà Mihaela Papa nhận định, đàm phán về một đồng tiền chung sẽ gặp khó khăn do sự bất cân xứng về kinh tế.

Từ tầm nhìn của BRICS đến hiện thực

Asia Times chỉ ra, một số sáng kiến ​​đầy tham vọng trong quá khứ của nhóm nhằm thiết lập các dự án lớn của BRICS để đối trọng với các cơ sở hạ tầng ngoài phương Tây đã thất bại. Những ý tưởng lớn như phát triển cơ quan xếp hạng tín dụng BRICS và tạo ra tuyến cáp quang biển BRICS có lẽ khó thành hiện thực. Các nỗ lực phi đô la hóa cũng đang gặp khó khăn cả ở cấp độ đa phương và song phương.

Vào năm 2014, khi các quốc gia BRICS ra mắt Ngân hàng Phát triển Mới (NDB), mục tiêu của ngân hàng này là cung cấp tài chính bằng đồng nội tệ của quốc gia mà các hoạt động của ngân hàng đang diễn ra. Tuy nhiên, cho tới năm 2023, NDB vẫn phụ thuộc nhiều vào đồng USD.

Nga và Ấn Độ đã tìm cách phát triển cơ chế giao dịch bằng đồng nội tệ, cho phép nhà nhập khẩu Ấn Độ thanh toán tiền mua dầu và than giá rẻ của Nga bằng đồng rupee. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ sau khi ý tưởng tích lũy đồng ruppee của Moscow "hạ nhiệt".

Cấm vận Nga tạo hiệu ứng ngược: BRICS đẩy nhanh chính sách mang kịch bản đáng sợ cho Mỹ - Ảnh 3.

Cam kết của BRICS đã là điều đáng dè chừng

Bất chấp những rào cản đối với việc phi đô la hóa, quyết tâm của BRICS là đáng chú ý. BRICS đã tăng cường hợp tác, đầu tư vào các tổ chức tài chính mới và không ngừng mở rộng phạm vi các vấn đề chính sách mà tổ chức này giải quyết.

Ngay cả khi chưa đạt được bước tiến nào trong việc xây dựng đồng tiền chung, các quốc gia vẫn thường xuyên phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề.

Chuyên gia kinh tế Mihaela Papa khẳng định: " Không còn nghi ngờ gì nữa, bản thân động thái trao đổi về một loại tiền tệ mới của BRICS đã là một tín hiệu quan trọng cho thấy mong muốn của nhiều quốc gia trong việc phi đô la hóa. Tôi tin rằng một trật tự kinh tế mới sẽ không xuất hiện từ một loại tiền tệ của BRICS và phi đô la hóa sẽ không diễn ra một sớm một chiều. Tuy nhiên, phi đô la hóa có thể xuất hiện từ cam kết của BRICS trong việc điều phối các chính sách và những đổi mới của họ."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại