Đây là lần đầu tiên các hạt sol khí chứa urani-235 được phát hiện trên bầu trời bang Alaska trong 20 năm qua. Urani-235 rất hiếm trong tự nhiên và có thể đã được tạo ra trong quá trình đốt nhiên liệu hạt nhân.
Theo trang News.com.au hôm 21-2, các nhà nghiên cứu cho rằng quá trình phân tích cho thấy chúng có thể bắt nguồn từ nhiều khu vực khác nhau ở châu Á. Giới chuyên gia loại trừ khả năng do tai nạn hạt nhân, chẳng hạn như vụ Chernobyl ở Ukraine hay Fukushima ở Nhật Bản vì cả hai vụ đã xảy ra từ rất lâu.
Các chuyên gia nhận thấy hướng di chuyển của gió vào vùng khí quyển giữa Alaska và Hawaii đến từ Trung Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Thành phần của hạt khí cho thấy chúng chứa urani được tinh chế gần đây.
Máy bay nghiên cứu của NOAA. Ảnh: NOAA
Chuyên gia hạt nhân Arnie Gundersen cho rằng Triều Tiên có thể phải chịu trách nhiệm về sự xuất hiện của urani-235.
Ông Gundersen cho biết: "Nó có thể xuất phát từ Triều Tiên. Nước này có một lò phản ứng nhỏ và có máy ly tâm khí để làm giàu urani-235. Có thể trong quá trình tạo nhiên liệu mới hoặc phân tách plutoni từ nhiên liệu trong lò phản ứng, một số urani làm giàu đã thoát ra ngoài và bay vào không khí".
Giới khoa học ghi nhận phát hiện nói trên sau khi máy bay nghiên cứu của họ bay trên quần đảo Aleut vào năm 2016 và tìm thấy loại urani này lơ lửng cách chuỗi hòn đảo vùng viễn Tây của Alaska khoảng 6,4 km.
Trước đó, Triều Tiên đã âm thầm tăng cường khả năng hạt nhân cho đến năm ngoái khi bắt đầu thử tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, đã xuất hiện nỗi lo cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên đang trên bờ vực sụp đổ. Hồi tháng 11 năm ngoái, một số thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng một vụ sập hầm đã xảy ra tại cơ sở Punggye-ri khiến hàng trăm công nhân thiệt mạng.