Uống trà sen tươi bạn cần phải biết điều này

Hà Dương |

Chỉ với 30-50.000 đồng, bạn có thể được thưởng thức một ấm trà sen tươi hảo hạng ngay tại đầm sen hay tại nhà. Tuy nhiên, để pha được ấm trà sen vừa giữ được hương sen, vừa giữ được màu nước và vị chát dịu của chè mộc thì bạn cần phải biết cách pha trà sen theo những cách dưới đây.


Uống trà sen tươi bạn cần phải biết điều này - Ảnh 1.

Pha trà sen tươi xong nên uống ngay mới thơm và ngon. Ảnh: T.G

Ấm nào dùng để pha trà sen?

Trà sen trước đây chỉ dành cho giới thượng lưu vì giá thành quá đắt (khoảng 7 triệu đồng/kg chè). Vài năm trở lại đây, giới làm trà sen đã ướp trà vào những bông sen tươi vừa hái sớm mai để phục vụ trà sen với giá bình dân khoảng từ 30-50.000đ/bông sen cho phần đông người có nhu cầu.

Theo chị Vũ Dung (nhà sản xuất trà sen ở Tây Hồ, Hà Nội), với mức giá bình dân như trên, trà sen tươi (trà sen xổi) đã tiếp cận đến nhiều tầng lớp người tiêu dùng. Giá thành tuy không cao như trà sen khô truyền thống nhưng trà sen tươi cũng có những yêu cầu nhất định. Hoa sen để ướp trà muốn có hương thơm đượm phải được làm 100% từ hoa sen Tây Hồ (dùng hoa sen các vùng khác sẽ không đượm hương).

Xưa hoa sen ướp trà phải là sen bách hoa ở Đầm Trị (còn gọi là sen bách diệp, sen ngàn cánh ở làng Quảng Bá, Hồ Tây). Loại sen này bên ngoài là các cánh hoa lớn, bên trong là hàng trăm cánh nhỏ ôm sát, che úp nhụy hoa, gạo sen và gương sen. Quy trình thu hái sen phải làm trước bình minh, phải lựa ngày nắng ráo, tránh ngày mưa thì làm trà sen mới thơm ngát. Trà ướp sen tươi là trà khô (trà mộc, trà xanh), và búp trà là loại "một tôm hai lá" có vị chát dịu.

Theo nghệ thuật thưởng trà của CLB Trà Việt, các cụ xưa chia làm ba cung bậc: Độc ẩm, đối ẩm và quần ẩm. Dù ở cung bậc nào thì bên chén trà nóng mọi người cởi mở, gần gũi, làm nên nét đẹp cộng đồng văn hóa trà Việt. Dân gian đúc kết kinh nghiệm để có ấm trà ngon là: "Nhất nước, nhì trà, tam pha, tứ ấm".

Nước pha trà xưa là nước mưa, giếng khơi, cầu kỳ là nước đọng trên lá sen buổi sáng sớm. Còn ngày nay thường lấy nước máy để sau 30 giờ mới pha trà mới đủ trừ được hàm lượng kim loại ion, cấn, cặn có trong nước máy làm mất hương vị trà. Nước pha trà là nước nóng 90-95 độ C để nước trà không quá đậm, ảnh hưởng đến vị trà và hệ tiêu hóa trong cơ thể. Cũng không pha trà bằng nước nguội, vì uống sẽ bị thu hút đờm.

Tùy thời tiết, cung bậc mà có đồ pha trà phù hợp: Trà mộc dùng ấm đất, trà hương dùng ấm sành, trời nóng dùng chén miệng loa để trà tỏa nhiệt nhanh, trời lạnh chọn chén miệng khum nhằm giữ nhiệt. Một bộ ấm chén pha trà gồm: 1 ấm lớn và 1 ấm chuyên (hoặc chén tống để rót trà từ ấm lớn ra rồi chia ra các chén), 1 thanh tre nhỏ để lấy trà. Các dụng cụ đều phải tráng nước sôi trước khi dùng.

Cao cấp nhất là ấm tử sa (ấm gốm tự nhiên), thành ấm có nhiều lỗ thông khí kép nhỏ li ti (để hấp thu hương trà sen), nước trà lâu thiu, nóng lâu, không bị rạn nứt vì nóng lạnh tức thời, không bỏng tay, giữ được tinh hoa của trà sen… Dùng lâu ngày hương vị trà sen còn đọng trong lòng ấm rất thơm, và giá cao tới 1,7 - 3 triệu đồng/chiếc.

Rẻ tiền nhất là các loại ấm Bát Tràng, ấm hai da, ấm da lươn, ấm tráng men… chỉ cần chọn loại có quai, núm nắp vừa tay cầm, miệng ấm nhỏ để "nhốt" hương, vòi ấm thoát nước nhanh khi rót. Muốn giữ nhiệt lâu (nhất là vào mùa lạnh) thì đặt ấm trà vào trong thuyền trà (như bát to đựng nước nóng).

Cách pha trà sen tươi đúng

Cách 1:

Theo tư vấn của Câu lạc bộ Trà Việt, lấy bông sen ướp trà tươi bóc ra, dùng thanh tre gạt trà vào ấm (không nên tráng trà sen vì sẽ làm giảm hương sen, nhưng phải đảm bảo là trà sạch).

Nước sôi già để tự nguội còn khoảng 90-95 độ để nước trà không bị nồng. Đổ nước cao tay thành dòng lớn để cánh trà được đảo đều. Khi gần đầy miệng ấm thì đổ nhẹ tay cho bọt trào qua miệng ấm, vòi ấm rồi lau khô, như thế ấm trà mau có lớp cao trà thơm bóng.

Ủ trà 10 giây rồi rót hết ra ấm chuyên (hoặc chén tống) để nước trà hòa đều mới rót ra các chén nhỏ, như thế các chén nước không bị đậm nhạt. Pha trà cách này thời gian ngâm trà ngắn, nước xanh đẹp, hương không nồng gắt, bảo tồn dược tính của trà.

Sau đó mở nắp ấm, dùng que tre đảo trà cho tơi để không bị om nhiệt, trà không bị nồng. Rót nước nóng vào ấm lần 2, ngâm lâu hơn lần 1vài giây.

Cách pha trà này dễ làm để có chén trà sen tươi Hồ Tây đạt được sắc, hương, vị.

Cách 2:

Gồm thưởng trà cả bông sen (trà sen tươi, đài sen, gạo sen, tâm sen):

Nước 1: Pha trà như trên để thưởng lãm trà sen tươi nguyên chất.

Nước 2: Tách gạo sen cho vào ấm trà, hương sen sẽ thơm hơn cả nước 1.

Nước 3: Tách riêng tâm sen cho vào ấm ngâm 15 giây rồi rót ra thưởng thức.

Nước 4: Lấy phần đài sen vàng tước nhỏ cho vào ấm ngâm.

Trà sen tươi nên uống buổi sáng sau bữa ăn 30 phút sẽ giúp kích hoạt hệ thần kinh, hệ miễn dịch, tăng cường chống ôxy hóa, bổ sung nước sau 1 đêm dài, giúp hạ huyết áp.

Cách 3:

Những người có kinh nghiệm uống trà lâu năm ở Hà Nội cho rằng, uống trà như trên là nghệ thuật, giống uống trà kiểu Nhật. Còn dân dã thưởng trà sen tươi đơn giản hơn, có nước trà uống ngay không phải chờ lâu như uống trà nghệ thuật: Đầu tiên họ tráng nóng ấm trà, sau đó mới đổ trà sen tươi vào và dội chút nước tráng trà thật nhanh, rưới nước tráng đó lên các chén để các chén cần uống có mùi thơm.

Sau đó mới đổ nước sôi áng chừng rót đủ các chén cần uống vào trà (ví dụ có 2 người thì rót đủ 2 chén để không bị loãng, phí ấm trà). Một số người có thói quen dội thêm lần nước sôi già nữa lên vỏ ngoài ấm trà rồi ủ nóng một lúc mới rót tuần trà đầu khoảng 2/3 mỗi chén (không rót đầy vì trà nguội mất ngon, hoặc lỡ có việc cần đứng lên lại không được thưởng hết ấm trà). Hết ấm trà 1 mới pha nước 2 và có thể uống 3 nước mới nhạt trà.

Tuy cách pha này ưu điểm là nước trà liên tục nóng khi uống, nhưng cách rót trà này sẽ có chén đậm, chén nhạt. Vì cách thưởng trà này không cầu kỳ nên được nhiều người thưởng thức. Dù cách pha trà nào thì người biết thưởng trà không uống trà để thỏa cơn khát, mà phải nhâm nhi hương thơm, vị chát nơi đầu lưỡi, thơm hương thiên nhiên, lòng người hòa quyện trong chén trà.

- Trà sen tươi để nguyên lá, chứa trong tủ lạnh, khi dùng mới lấy ra.

- Pha trà sen tươi xong nên uống ngay mới thơm và ngon. Không nên để lâu vì nước sẫm, mất hương vị thơm. Nên uống buổi sáng, sau bữa ăn khoảng 30 phút, hương sen thấm sâu vào hệ thần kinh, giúp tỉnh táo làm việc.

- Để chén trà trên lòng bàn tay để cảm nhận hơi nóng, đưa nhẹ qua mũi để thưởng hương trà sen tươi. Uống trà từng ngụm nhỏ, chậm rãi để cảm nhận vị trà chát, rồi ngọt nhẹ, thơm lâu…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại