Chì là một kim loại nặng có trữ lượng lớn trong vỏ Trái Đất. Do sự phân bố rộng rãi, tính chất dễ chiết tách và gia công, chì đã được con người tiếp cận và sử dụng phổ biến từ hàng ngàn năm trước đây.
Tuy nhiên, không giống như một số kim loại khác, chì hoàn toàn không có một vai trò sinh lý nào trong cơ thể con người. Đó là lí do tại sao những tác hại do sự phơi nhiễm chì gây ra là vô số.
Nhiễm độc chì được ghi nhận từ thời La Mã, Hy Lạp và Trung Quốc cổ đại. Cho đến nay, kim loại độc hại này đã được hạn chế sử dụng.
Dù vậy, hàng năm vẫn có khoảng 143.000 trường hợp tử vong do phơi nhiễm với chì, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Không ngoại trừ khả năng bạn và gia đình đang uống nước nhiễm chì mà không hề hay biết.
Mọi người thường nghĩ rằng chỉ có những công nhân làm trong ngành công nghiệp liên quan đến chì như luyện kim, xăng dầu, sơn, đạn dược… mới có nguy cơ phơi nhiễm. Tuy nhiên, bạn có biết nhiễm độc chì có thể đến ngay từ nguồn nước?
Điều này là đặc biệt nguy hiểm bởi bạn không thể nhìn thấy, nếm hoặc ngửi để phát hiện chì trong nước. Do đó, không ngoại trừ khả năng bạn và gia đình đang uống nước nhiễm chì mà không hề hay biết.
Chì nhiễm vào nước như thế nào?
Việc sử dụng chì phổ biến trong nhiều thập kỷ trước đây để lại rất nhiều con đường cho kim loại nặng này nhiễm vào nước uống, từ nguồn nước ngầm cho đến các loại nước đóng chai.
Tuy nhiên, có một dấu mốc quan trọng, từ những năm 1970, chì đã bị cấm sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp.
Từ dấu mốc này, nguyên nhân phơi nhiễm chì có thể được phân loại. Ví dụ như nếu bước vào một căn nhà xây dựng trước năm 1978, khi sơn chứa chì chưa bị cấm, bạn sẽ có nguy cơ phơi nhiễm.
Năm 2014, khi thành phố Flint, Michigan, Hoa Kỳ chuyển sang sử dụng một hệ thống cấp nước cũ, ngay lập tức điều này gây ra cuộc khủng hoảng nước nhiễm chì.
Tổng thống Obama sau đó đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên bang. Hệ thống lọc nước và đường ống cũ của Flint đã khiến hàng ngàn trẻ em phơi nhiễm với chì ở mức độ gấp 20 lần cho phép.
Tổng thống Obama uống một cốc nước ở Flint để trấn an dư luận, sau khủng hoảng nước nhiễm chì
Một đường ống chì có thể bị ăn mòn, phát tán chì hoặc các ion chì vào nước theo nhiều cách khác nhau. Đầu tiên, nước có khả năng hòa tan một lượng chì nhỏ khi nó chảy trong đường ống.
Nếu đường ống được làm từ chì kết hợp với đồng, nó sẽ tạo thành một hệ pin Galvanic. Trong đó, chì đóng vai trò là cực dương, đồng là cực âm. Nước giống như dung dịch điện ly, sẽ khiến chì bị ăn mòn tích cực hơn.
Các yếu tố như oxy hòa tan, độ pH và hàm lượng khoáng chất trong nước cũng ảnh hưởng đến quá trình phát tán của chì vào nước.
Ví dụ, oxy trong nước kết hợp với chì, tạo thành chì hydroxit Pb(OH)2, đây là một hợp chất kết tủa, có tác dụng ngăn chặn sự phát tán của chì vào nước, nhưng chỉ hiệu quả trong khoảng pH từ 7 đến 10.
Trong trường hợp các ống nước tại Flint, nguồn cung cấp nước ban đầu chứa nhiều gốc phosphate tạo ra bên trong thành ống một lớp khoáng chất không tan.
Nó có tác dụng chống ăn mòn cho lớp chì bên trong. Tuy nhiên, khi đổi nguồn nước, lớp khoáng chất nhanh chóng bị hòa tan, để lộ ra bề mặt kim loại mà sẽ dễ dàng bị oxy hóa bởi các tác nhân như oxy và clo, khiến ion chì phát tán và nhiễm vào nước.
Đường ống với chì và đồng tạo thành một pin Galvanic, trong đó chì sẽ bị ăn mòn
Các nghiên cứu chỉ ra rằng đường ống chì bị ăn mòn nhiều hơn nếu nước bên trong nó là nước mềm, chứa ít các ion canxi và magie hoặc có độ pH thấp.
Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm cũng có thể nhiễm chì từ lâu như hệ quả của hoạt động công nghiệp sản xuất kim loại.
Nước uống đóng chai có thể lấy nguồn chì từ dây chuyền sản xuất cũ, với cơ chế tương tự nếu xuất hiện các đường ống, chi tiết máy chứa chì. Hoặc một nguyên nhân khác, chì có thể phát tán từ chai nhựa hoặc kim loại.
Nước nhiễm chì ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Chì có trong nước có thể phơi nhiễm qua đường tiếp xúc với da, nhưng chủ yếu vẫn là đường tiêu hóa, nếu bạn uống nước nhiễm chì.
Trẻ em sẽ hấp thụ khoảng 40-50% lượng chì hòa tan trong nước vào cơ thể. Trong khi đó, người lớn chỉ hấp thụ khoảng 3-10%. Đây chính là lý do tại sao trẻ em là đối tượng gặp nguy hiểm chính nếu tiếp xúc với chì.
Khi đi vào cơ thể, chì lưu trữ chính ở máu, mô mềm và xương. Nó sẽ tồn tại trong máu qua một vài tuần, một vài tháng ở các mô mềm và hàng năm ở xương.
Chì trong xương, răng, tóc và móng tay được ràng buộc chặt chẽ và ít gây hại.
Đối với người lớn, 94% lượng chì hấp thụ được lắng đọng trong xương và răng. Tuy nhiên, đối với trẻ em chỉ khoảng 70%. Thực tế này tiếp tục chỉ ra trẻ em nhiễm chì có nguy cơ hại đến sức khỏe cao hơn nhiều so với người trưởng thành.
Ở trẻ em, ngay cả mức thấp tiếp xúc với chì có thể gây ra các thiệt hại cho hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học.
Trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về hành vi học tập, IQ thấp, hiếu động… Trong trường hợp hiếm hoi, ngộ độc chì có thể gây co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong.
Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.
Ở người trưởng thành, tiếp xúc với chì cũng được ghi nhận tác dụng lên hệ tim mạch như tăng huyết áp. Nó cũng gây suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến sinh sản. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, điều trị nhiễm chì có thể không để lại di chứng ở người trưởng thành.
Ngược lại, đối với trẻ em, nhiễm chì ở nồng độ thấp cũng có thể để lại di chứng về suy giảm nhận thức trong suốt phần đời còn lại.
Cuộc khủng hoảng ở Flint đã tiêu tốn 28 triệu USD phân bổ khẩn cấp, tập trung vào các xét nghiệm cho trẻ em nghi nhiễm chì. Nếu mở rộng ra đối tượng dưới 21 tuổi, có thể Michigan sẽ cần tới khoảng 600 triệu USD.
Bao nhiêu chì trong nước thì nguy hiểm?
Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, mức độ chì trong nước uống phải được giới hạn ở dưới 0.015 mg/L. Nhiều chuyên gia còn chỉ ra con số gây nguy hiểm thậm chí còn phải thấp hơn thế, dưới mức 0.01 mg/L.
Tình trạng nhiễm độc trên người được chẩn đoán bằng xét nghiệm lượng chì trong máu. Đối với người lớn kết quả bình thường là dưới 0.2 mg/L.
Mức độ cao hơn không đáng kể được coi là không nghiêm trọng. Một người được tính là ngộ độc và phải điều trị khi có mức độ chì trong máu cao hơn 0.6 mg/L.
Đối với trẻ em, mức độ chì trong máu được giới hạn thấp hơn. Kết quả bình thường sẽ là dưới 0.05 mg/L.
Mức độ chì từ 0.1 đến 0.25 mg/L đã có thể liên quan đến suy giảm chức năng thần kinh. Mức độ trên 0.25 mg/L sẽ gây ra đau đầu, khó chịu và các vấn đề thần kinh nghiêm trọng hơn.
Điều trị được chỉ định bắt đầu ở mức 0.45 mg/L. Mức độ 0.5-0.7 mg/L được tính là nhiễm độc vừa phải. Trên 0.7 mg/L được tính là nhiễm độc nặng và có thể gây co giật, tử vong.
Mức độ chì trong nước uống phải được giới hạn ở dưới 0.015 mg/L
Trở lại với nồng độ chì trong nước, nó liên quan như thế nào đến các mức độ nguy hiểm trên? Nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ chì trong máu tăng khoảng 0.1 mg/L, với nồng độ 0.05 mg chì trong 1 lít nước tiêu thụ.
Như vậy, chỉ cần uống nước có nồng độ chì 0.05 mg/L, trẻ đã có thể phơi nhiễm chì với mức độ trong máu gấp hai lần bình thường.
Đối chiếu với dữ liệu trên, mức độ chì này đủ gây ra sự suy giảm chức năng thần kinh của trẻ. Tuy nhiên, con số phải cao hơn nữa mới gây thiệt hại cho người trưởng thành.
Làm thế nào để phòng tránh nước nhiễm chì?
Như đã nói, nước nhiễm chì là không thể phát hiện theo cách thông thường. Nếu nghi ngờ đang sử dụng một nguồn nước nhiễm chì, bạn cần đặt hàng kiểm tra mẫu nước ở các cơ sở khoa học.
Các nguồn nước nghi ngờ có nguy cơ nhiễm chì cao, nếu sử dụng hệ thống ống dẫn bằng kim loại như chì, đồng thau, đồng hàn chì, các hệ thống cấp nước thế hệ cũ.
Hãy cẩn thận với những đường ống cũ như thế này, chúng đã gây ra khủng hoảng nước nhiễm chì ở Flint, Hoa Kỳ
Nếu kết quả kiểm tra nồng độ chì trong nước vượt quá 0.015 mg/L, bạn nên thông báo với cơ quan cung cấp nước để xử lý.
Mẫu nước nên được kiểm tra từ đầu cấp nước và vòi lấy nước cuối cùng, nhằm loại trừ chì được phát tán trong chính đường ống nhà bạn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên để ý một số loại nước uống đóng chai cũng có thể nhiễm chì, thông qua lon, chai hoặc từ quá trình sản xuất.
Chì cũng có thể đến từ các sản phẩm khác như xăng, sơn, đồ chơi, đồ nhựa, ắc quy… nếu nhà sản xuất sử dụng những công nghệ lỗi thời.
Vì vậy, để đảm bảo cho sức khỏe, bạn nên yêu cầu một lời cam kết từ nhà sản xuất, trước khi mua bất kể một sản phẩm có nguy cơ nhiễm chì nào.
Nếu lo lắng cho sức khỏe của con cái hay chính mình, hãy thực hiện kiểm tra mức độ chì trong máu tại các cơ sở y tế.
Tổng hợp