Thu hoạch lúa mì tại Ukraine. Ảnh: AP
Dữ liệu thống kê từ ba quốc gia này cho thấy lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine do Slovakia, Hungary và Ba Lan ban hành có thể khiến Kiev thiệt hại tới 230 triệu USD mỗi tháng.
Không chỉ có vậy, Ukraine sẽ chịu thiệt hại đáng kể, khoảng 112 triệu USD mỗi tháng, do lệnh cấm nhập khẩu của Ba Lan liên quan đến các mặt hàng lúa mì, ngô, bột mì, hạt cải dầu, hạt hướng dương cùng một số loại bánh làm từ hạt.
Lệnh cấm của Hungary về việc nhập khẩu 24 loại sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, bao gồm ngũ cốc, một số loại hạt, đường, cùng với dầu và mật ong, có thể khiến Ukraine hao tổn 89 triệu USD mỗi tháng.
Đối với Slovakia, nước này đã cấm nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương của Ukraine. Lệnh giới hạn trên có thể khiến Kiev thiệt hại thêm khoảng 26,4 triệu USD mỗi tháng, theo số liệu thống kê.
Tuần trước, Ba Lan, Slovakia và Hungary đã công bố các biện pháp kiểm soát riêng đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, sau khi lệnh cấm của EC hết hiệu lực vào ngày 15/9.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus giải thích nước này đã mở rộng các biện pháp cấm vận để bảo vệ thị trường trong nước, theo yêu cầu của người nông dân.
Về phần mình, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki lưu ý rằng Warsaw sẽ gia hạn lệnh cấm này bất chấp việc EC phản đối.
Đáp lại, Kiev cũng cảnh báo cấm nhập khẩu một số hàng hóa từ Ba Lan, Hungary và Slovakia nếu họ không dỡ bỏ lệnh giới hạn. Kiev thậm chí đã nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì động thái cấm vận của ba quốc gia này. Thủ tướng Ba Lan ngay lập tức phản ứng bằng cách cảnh báo rằng Warsaw sẽ mở rộng danh sách cấm nhập khẩu từ Ukraine nếu quốc gia láng giềng leo thang căng thẳng hơn nữa.