Theo tờ The Sun của Anh, hiện tại, có hàng nghìn người Việt ở xứ sở sương mù đã sa vào cái bẫy trá hình của các tay buôn người.
Trong những tiệm nail chật hẹp, thiếu an ninh, họ phải làm việc quần quật suốt 60 tiếng/tuần với mức lương rẻ mạt, thậm chí có người còn không được nhận đồng nào.
Tuyến đường mà người nhập cư phi pháp từ Việt Nam hay sử dụng để “đi chui” vào Anh.
Khốn khổ là thế, song nhiều người ở quê nhà vẫn bị lừa bởi lời ngon tiếng ngọt của bọn tội phạm.
Vì tin lời chúng, họ cố chạy vạy số tiền hơn 1 tỷ VND để đổi lấy cơ hội được sang Anh.
Nhưng rồi, khi bước chân vào bẫy rập, họ mới bàng hoàng nhận ra lũ buôn người có thể trở mặt bất cứ lúc nào.
Nhiều người ôm mộng đổi đời đã phải sống cuộc đời tủi nhục vì bị ép bán dâm, vận chuyển ma túy hoặc tiếp tay cho vô số tội ác khác.
39 người đã tử vong thương tâm trong container vì giấc mộng đổi đời.
Li Tan vượt biên sang Anh năm 15 tuổi. Ban ngày, cô phải làm việc không ngơi tay trong salon thẩm mỹ, song khi đêm xuống, cơn ác mộng của cô gái trẻ mới thực sự bắt đầu khi nơi cô làm việc chuyển hẳn thành nhà thổ.
Bị bóc lột cả ngày lẫn đêm, thậm chí ép buộc bán dâm, nhưng Li Tan chỉ biết ngậm ngùi khi nhìn số tiền "lương" mỏng dính chỉ đủ mua một bát mì ăn tối.
Bị đối xử không khác gì nô lệ, song người nhập cư không dám phản kháng, bởi bọn tội phạm đã cảnh cáo rằng nếu "cả gan" báo cảnh sát hoặc tìm ai đó trợ giúp, họ sẽ bị trục xuất khỏi nước Anh ngay lập tức.
Mỗi năm, có hơn 18.000 người Việt Nam nhập cư trái phép vào các quốc gia châu Âu.
Đối với họ, được làm việc trong tiệm nail là một cơ hội trời ban, vừa không cần trình độ tiếng Anh vừa có thể thạo nghề nhanh chóng.
Tuy nhiên, họ lại quên rằng bên cạnh mình luôn có ánh mắt rình rập của các băng nhóm buôn người.
Nếu không có tiền đi máy bay và lo hộ chiếu giả, họ phải túm tụm băng rừng.
Hiện tượng này trở nên cực kỳ phổ biến trong vòng 10 năm qua. Nhiều người Việt nhập cư phi pháp chờ sang Anh sẽ bị đưa vào một trại tị nạn ở miền bắc nước Pháp.
Qua thời gian, số lượng tù nhân Việt cứ dần tăng, đến nỗi nơi này được mệnh danh là "cứ địa" của người Việt Nam.
Một người đàn ông cho biết bất chấp thảm kịch với 39 đồng hương, anh vẫn quyết định lên đường sang Anh bởi cả nhà đã dốc hết vốn liếng cho mình.
Những ai đủ khả năng chi trả hơn 1 tỷ sẽ dùng hộ chiếu giả hoặc hộ chiếu tị nạn để bay sang Anh.
Song, nếu kinh phí eo hẹp, họ vẫn có thể chọn "phương án B" trị giá gần 360 triệu VND - băng đường vượt núi trong hành trình kéo dài mấy tháng trời.
Trước đó, họ phải sang Nga hoặc Trung Quốc, hay Pháp, Đức và Ba Lan để làm "bước đệm". Sau đó, nhóm người bắt đầu băng rừng, sống chui nhủi trong điều kiện hết sức kham khổ.
Nếu có ai đó kéo chậm tốc độ của cả đoàn, bọn buôn người sẽ giết họ.
Người Việt tại một khu trại tị nạn ở Pháp chờ ngày sang Anh.
Đa số người nhập cư phi pháp đến từ các tỉnh thành có nền kinh tế ảm đạm.
Tại Nghệ An và Hà Tĩnh, quê hương của nhiều người bị nghi là nạn nhân trong thảm kịch, đâu đâu cũng thấy biển quảng cáo cho các công ty xuất khẩu lao động, hứa hẹn cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài.
Một thân nhân của người bị nghi mất tích cho biết giới trẻ ở đây rất khó tìm được việc làm với mức lương khá khẩm. Vì vậy, họ tìm cách ra nước ngoài sinh sống và dần dần kéo theo các anh chị em trong nhà.
Cuộc sống thiếu thốn trăm bề trong khu trại.
Khi xin việc ở một tiệm nail nào đó, những người này không biết liệu căn tiệm sạch sẽ, khang trang kia có phải là sào huyệt của bọn buôn người và bóc lột sức lao động không, cho đến khi họ thực sự làm việc ở đó.
Hardeep Walker, thuộc Cơ quan tội phạm quốc gia (NCA), cho biết bóc lột sức lao động tại các tiệm nail ở Anh đang là vấn nạn khiến giới chức vô cùng đau đầu.
Kẻ giám sát luôn có mặt trong tiệm để chào đón khách, thu tiền và nhìn chòng chọc vào các nhân viên, đảm bảo họ không có cơ hội "làm phản".
Nếu không có tiền đi máy bay và lo hộ chiếu giả, họ phải túm tụm băng rừng.
Đến khi ca làm việc kết thúc, họ vẫn phải sống chui rúc trên căn gác xép của tiệm, ngủ trên chiếc giường chật hẹp, dơ bẩn và không được phát đồng lương nào.
Năm 2016, hai chủ tiệm nail ở Bath là Viet Hoang Nguyen và Thu Huong Nguyen đã bị tuyên án lần lượt là 4 và 5 năm tù giam vì thông đồng vận chuyển và cưỡng bức lao động, ép các nữ nhân viên làm việc liên tục.
Lương nhân viên chỉ ở mức 900.000 VND/tháng, nhưng Thu Huong Nguyen vẫn chây lì không trả mà giấu số tiền hơn 2 tỷ VND trong con gấu bông ở tiệm.
Thu Huong Nguyen.
Viet Hoang Nguyen.
Cùng năm đó, 280 tiệm nail đã bị cảnh sát khắp London, Cardiff và Edinburgh đột kích, bắt giữ 97 đối tượng liên quan đến nạn buôn người.
Trận truy quét này diễn ra 6 năm sau khi gã trùm buôn người Do Huan Nguyen - kẻ lừa đảo hơn 50 người Việt sang Anh để buôn ma túy và làm việc phi pháp trong tiệm nail - bị dẫn độ để xét xử.
Con gấu bông mà Huong dùng để giấu tiền.
Năm ngoái, cơ quan chức năng Anh ghi nhận hơn 700 trường hợp mang quốc tịch Việt Nam bị coi là nạn nhân của hoạt động buôn người, dù rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Trong số đó, có đến 320 người trong độ tuổi vị thành niên.