“Ê, đọc tin chưa? Nghe nói…”
“Nghe nói” là cụm từ thường dùng nhất khi những người thân thiết kể chuyện cho nhau nghe. Đối với loại tin tức “nghe nói” này, niềm tin giữa người nói và người nghe thường đóng vai trò then chốt trong việc kiểm tra đâu là tin thật, đâu là tin giả.
Công chúng Việt Nam truyền tai nhau tin tức từ chương trình thời sự, từ báo chí, từ mạng xã hội và cả từ người nổi tiếng. Vì là người nổi tiếng, những lời “nghe nói” từ họ có sức nặng rõ rệt, bởi những người yêu mến nghệ sĩ chắc chắn sẽ đặt vào họ ít nhiều niềm tin.
Đầu tháng 2 vừa qua, “Đả nữ” Ngô Thanh Vân bị sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phạt 10 triệu đồng vì đưa tin sai lệch về dịch Covid-19. Cụ thể, ngày 31/1, Ngô Thanh Vân đăng tải dòng trạng thái trên fanpage về việc các hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam.
Cô viết: "Nghe bạn nói, tối thứ 4, tức sáng sớm thứ 5 vẫn còn chuyến bay trực tiếp từ Vũ Hán đáp vào Việt Nam. Tại sao? Chúng ta không phải đã ngưng rồi sao? Nguy hiểm quá. Chặn luôn đi chứ. Phải bảo vệ người dân và con em chúng ta chứ?".
Vào thời điểm dòng trạng thái của Ngô Thanh Vân xuất hiện, Cục Hàng không Việt Nam đã tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam. Tương tự, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và nghệ sĩ hài Cát Phượng cũng đã phải chịu mức phạt 10 triệu đồng khi đăng những thông tin gây hoang mang dư luận về dịch Covid-19 lên mạng xã hội.
Nghệ sĩ Việt lên tiếng về những vấn đề nóng của xã hội và sau đó vấp phải phản ứng trái chiều của khán giả không phải là điều hiếm hoi. Bên cạnh sản phẩm nghệ thuật, có không ít người nổi tiếng đã đem tặng khán giả những “sản phẩm” là bài đăng sai lệch kiến thức hoặc quá cảm tính về một vấn đề xã hội.
Trước khi được mời lên làm việc vì dịch virus Corona, Đàm Vĩnh Hưng từng gây tranh cãi khi kêu gọi người hâm mộ “dạy dỗ” người cha lộ clip bạo hành con ở Tiền Giang bằng ngôn từ kích động bạo lực.
Văn Mai Hương – một gương mặt quen thuộc khác từng bị lên án vì chia sẻ bài viết phản đối việc ăn thịt chó với lời lẽ vô cùng gay gắt và đính kèm toàn bộ thông tin về một công ty sản xuất thực phẩm tại Ninh Bình, dù mặt hàng thịt chó đóng hộp của công ty này đã ngưng sản xuất từ nhiều năm trước đây.
Gần đây nhất, BB Trần – người nổi tiếng được đông đảo bạn trẻ yêu thích đã gây tranh cãi trên mạng xã hội khi đưa ra phát ngôn ẩn ý bênh vực người Hàn Quốc sau sự việc chê bánh mì Việt Nam.
Sau một bài đăng dài dòng là một bài xin lỗi vì “đã sai khi nói những điều này không đúng thời điểm”, không ít người vẫn lên tiếng đòi tẩy chay cựu trưởng nhóm BB&BG vì cho rằng những phát ngôn của anh là thiếu suy nghĩ và “so sánh một cách thiếu hiểu biết”.
BB Trần có hơn 1,6 triệu người theo dõi tài khoản Facebook cá nhân. Với Ngô Thanh Vân, số người theo dõi “đả nữ” của làng điện ảnh Việt lên đến hơn 2,3 triệu. Những con số này là minh chứng cho độ nổi tiếng của nghệ sĩ, đồng thời cũng dễ dàng khiến ta mường tượng ra số lượng khán giả tiếp cận những thông tin mà họ chia sẻ lớn đến thế nào.
Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, tin tức và quan điểm mà những ca sĩ, người mẫu, diễn viên nói ra đôi khi sẽ có sức ảnh hưởng không thua kém tin bài trên trang chủ của tờ báo có lượng truy cập hàng đầu.
Liệu nghệ sĩ có được quyền lên tiếng về những vấn đề xã hội hay không? Đương nhiên là có. Trước khi là nghệ sĩ, họ vẫn là một công dân có quyền tự do ngôn luận, quyền biểu đạt ý kiến của mình. Tuy nhiên, việc ý thức được lời mình nói ra sẽ được phát tán trên diện rộng, việc giữ cho mình một cái đầu tỉnh táo khi phát ngôn là điều nghệ sĩ phải đặc biệt để tâm.
Bởi chỉ cần một dòng tin tức hay một quan điểm lệch lạc, không đơn giản chỉ nghệ sĩ gặp rắc rối với phát ngôn mà khán giả cũng sẽ bị “ngộ độc tin tức”.
Không riêng gì ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, áp lực phải lên tiếng đúng lúc, có mặt đúng nơi trước các vấn đề xã hội của nghệ sĩ là rất lớn.
Năm 2018, chiến dịch #MeToo kêu gọi nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục lên tiếng vạch trần sự thật lan tỏa từ phương Tây sang Hàn Quốc. #MeToo sẽ không trở thành hashtag gây chao đảo xã hội Hàn Quốc nếu như không có sự lên tiếng từ những người nổi tiếng trong làng giải trí trước tiên.
Bê bối xâm hại, quấy rối tình dục của hàng loạt nghệ sĩ, diễn viên, giám đốc nhà hát… lần lượt được đưa ra ánh sáng. Những diễn viên nổi tiếng như Kim Namjoo, UEE, Kim Taeri đều thẳng thắn bày tỏ quan điểm ủng hộ chiến dịch này.
Công chúng một mặt thương cảm những nghệ sĩ đã phải làm việc trong một nền giải trí có quá nhiều khuất tất, mặt khác luôn dành lời có cánh cho những người dám lên tiếng ủng hộ một trào lưu có thể ảnh hưởng nhạy cảm đến mối quan hệ công việc của họ.
Nhưng cũng trong làn sóng #MeToo, “tình đầu quốc dân” Suzy lại phải vất vả vượt qua scandal lớn nhất nhì sự nghiệp. Tháng 6/2018, Suzy chia sẻ lên mạng xã hội hình ảnh mình đã kí vào lá đơn kiến nghị điều tra vụ án xâm hại tình dục giữa một nữ vlogger họ Yang và studio có tên Once Picture.
Với tầm ảnh hưởng của Suzy, lá đơn có 16 nghìn lượt kí tên đã tăng vọt lên 188 nghìn trong thời gian rất ngắn. Song song với đó, studio Once Picture cũng đã bị đình trệ kinh doanh và tổn thất nặng nề về uy tín.
Tưởng rằng đã làm được việc tốt, Suzy lại bị Once Picture kiện ngược vì một lí do hi hữu: sau quá trình điều tra, studio này không hề liên quan đến bê bối quấy rối tình dục nữ vlogger họ Yang. Sự việc xảy ra vào năm 2015, trong khi Once Picture bắt đầu mua lại studio và kinh doanh vào năm 2016.
Sau vụ kiện, tòa án Seoul yêu cầu nữ thần tượng cùng với người liên quan phải trả cho studio 20 triệu Won tiền bồi thường. Công chúng lúc này lại xoay chiều trách móc Suzy rằng càng là người nổi tiếng thì càng phải cẩn trọng về lời nói.
Ngay khi dịch bệnh Corona bùng lên tại Trung Quốc, bên cạnh những biện pháp đối phó của chính quyền, công chúng đặc biệt quan tâm tới nhất cử nhất động của giới nghệ sĩ.
Không có nghệ sĩ nào dám leo lên top tìm kiếm trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc, những bộ phim hay đến mấy cũng lặng lẽ công chiếu rồi lặng lẽ kết thúc, bởi nghệ sĩ sẽ bị chỉ trích rằng thiếu suy nghĩ khi đẩy mối hiểm họa toàn dân xuống dưới lợi ích cá nhân.
Nếu như ở Kbiz hay Cbiz, những “quan điểm cá nhân” mà người nổi tiếng phát ngôn đều có sự thận trọng và chuẩn mực, thì tại showbiz Việt, quan điểm cá nhân của nghệ sĩ đôi khi là để thỏa mãn bản thân và vô cùng tùy hứng.
Đa phần việc phát ngôn gây tranh cãi, chia sẻ tin tức vội vã mà không kiểm chứng là dấu hiệu cho thấy các ngôi sao vẫn đang dùng mạng xã hội theo sở thích và thói quen cảm tính chứ chưa ý thức được quyền lực cũng như trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Trong thời buổi mà mạng xã hội đã trở thành một kênh cung cấp thông tin như hiện nay, mỗi nghệ sĩ với hàng trăm nghìn cho đến hàng triệu lượt theo dõi gần như đã mang trách nhiệm của một người đưa tin. Và vì thế, “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết như thế nào?”, những câu nói mà Bác Hồ căn dặn người làm báo có lẽ cũng nên trở thành những câu hỏi mà nghệ sĩ nên đặt ra mỗi khi muốn chia sẻ quan điểm của mình.
Khi tiếp tay cho tin giả, hay truyền đi những suy nghĩ tiêu cực; những gì do người nổi tiếng đưa ra gần như sẽ trở thành một dạng tin tức “siêu lây nhiễm”.
Showbiz Việt được khán giả nhận xét là một sân chơi tương đối dễ dàng cho nghệ sĩ. Bê bối không mấy khi giết chết họ.
Khác với showbiz Việt, những nền giải trí khác như Trung hay Hàn đều không mấy khi dễ dãi với người nổi tiếng phạm sai lầm. Vì 1 lần vạ miệng cũng đủ phá tan sự nghiệp, nghệ sĩ Trung và Hàn đa số chỉ đều phát ngôn thông qua công ty quản lý.
Phương pháp hạn chế phát ngôn bừa bãi của showbiz Trung - Hàn dù cực đoan nhưng luôn mang lại hiệu quả. Họ làm tốt công việc của nghệ sĩ – diễn viên chuyên tâm đóng phim, ca sĩ thể hiện tâm tư qua âm nhạc.
Công chúng ít khi bị phân tâm rằng ca sĩ này hát hay nhưng tầm nhìn hạn hẹp, diễn viên này đóng phim tốt nhưng thường phát ngôn thiếu trách nhiệm, thỉnh thoảng lại hăng máu cãi tay đôi với những ý kiến trái chiều.
Người nổi tiếng tại Hàn Quốc hay Trung Quốc lựa chọn cẩn trọng hết mức khi phát ngôn, không có nghĩa họ hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong những vấn đề xã hội. Họ vẫn đóng góp trong thầm lặng, và những đóng góp đó đã thay họ lên tiếng thể hiện quan điểm của mình cũng như khẳng định đúng về vị trí, vai trò người của công chúng.
Ngôn từ đôi khi có thể gây hiểu lầm, nhưng đóng góp bằng hành động sẽ không khiến bất kì ai hiểu sai lòng tốt.
Ngay sau khi đại dịch Corona bùng phát tại Hàn Quốc với số ca nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân, các sao Hàn đều nhanh chóng quyên góp tiền bạc, vật dụng thiết yếu cho các đơn vị y tế, tổ chức cộng đồng và chính quyền địa phương ở vùng dịch. Park Seo Joon đã quyên góp tới 100 triệu won cho Tổ chức gây quỹ phúc lợi xã hội cộng đồng tỉnh Daegu hay Suga (BTS) quyên góp gần 2 tỉ đồng để rồi ARMY đáp lại bằng 8 tỉ đồng từ tiền vé concert bị hủy.
Danh sách người nổi tiếng ủng hộ cho cuộc chiến chống dịch được nối dài thêm mỗi ngày với nhiều cái tên đình đám như Lee Min-ho, IU, Hyun Bin, Jeon Ji Hyun… Họ thể hiện rõ sự gương mẫu và trách nhiệm khi chia sẻ vấn đề xã hội một cách rất kịp thời và tự giác, bên cạnh việc chăm chỉ hoạt động trong lĩnh vực của mình.
Ngoài những đóng góp về vật chất, nghệ sĩ cũng góp phần củng cố niềm tin trong cộng đồng. Tại Trung Quốc, hàng loạt nghệ sĩ lớn nhỏ lần lượt phát hành những bài hát để động viên, cổ vũ nhân dân và đội ngũ y tế, mỗi bài hát đều khiến người nghe thổn thức, không ngừng tự hào và có thêm niềm tin - điều cần thiết không kém vật tư y tế trong khi dịch bệnh hoành hành.
Nhiều ngôi sao lần theo dấu vết của người hâm mộ là nhân viên y tế đang ở trong vùng dịch, để lại những lời động viên cho họ. Không có một hành động nào thừa thãi, càng không có những tin tức sai lệch hay là phát ngôn thiếu kiềm chế đến từ vị trí của các ngôi sao.
Đây cũng là 1 điều khá đáng tiếc cho Ngô Thanh Vân, khi cô đã làm rất tốt ở phần “đóng góp thầm lặng”, nhưng lại chưa trọn vẹn phần “cẩn trọng phát ngôn”.
Nữ nghệ sĩ bị phạt 10 triệu đồng vì đưa tin sai lệch, nhưng bản thân cô có chương trình từ thiện có tuổi thọ gần 10 năm với hàng tỉ đồng hỗ trợ trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh do cô khởi xướng.
Suốt một thời gian dài, Ngô Thanh Vân luôn là một nghệ sĩ truyền cảm hứng. Sau vài dòng chia sẻ thiếu chính xác, hình tượng của cô trong mắt khán giả đã bị sứt mẻ ít nhiều.
Khi hiểu rõ vai trò xã hội của mình, những hành động đẹp của nghệ sĩ có thể ví như hiệu ứng quả cầu tuyết, truyền cảm hứng cho rất nhiều người.
“Cố lên, chú ý giữ an toàn, vé concert lần sau sẽ giữ cho bạn” – Ngô Diệc Phàm, 1 trong “tứ đại lưu lượng” của Trung Quốc bình luận dưới bài đăng của một nữ y tá là người hâm mộ của nam ca sĩ đang ở đầu tiền tuyến chống virus Corona.
Gần 50 triệu người theo dõi ở trong nước và hàng trăm ngàn fan ở nước ngoài đều biết đến lời nhắn, họ biết đến sự dũng cảm của một cô gái vô danh, sự đồng lòng của nhân dân không kể tầng lớp và sự tôn vinh những anh hùng thầm lặng của Trung Quốc.
Không cần tiền bạc phô trương, chỉ với 1 bình luận và 1 tấm vé concert trong tương lai, Ngô Diệc Phàm đã ghi điểm tuyệt đối trong cuộc tuyên truyền chống dịch bệnh.
Tại Hàn Quốc, người ta thường bắt gặp người nổi tiếng ở vai trò đại diện danh dự cho một vài đơn vị hành chính hoặc địa danh. Năm 2015, YoonA (SNSD) trở thành đại sứ của cục thuế quốc gia Hàn Quốc.
Năm 2019, “em gái quốc dân” IU và nam tài tử Ma Dong Seok được bổ nhiệm làm trung sĩ danh dự của cơ quan cảnh sát quốc gia, còn nam thần mới nổi Kang Daniel chính thức trở thành đại sứ quảng bá của tỉnh Busan.
Từ những hoạt động này, công chúng biết đến họ như những người nổi tiếng có hình tượng tích cực, đồng thời họ cũng có thể mang đến cho công chúng hình ảnh thân thiện, bớt khô khan hơn về các đơn vị hành chính sự nghiệp.
Thật may mắn khi việc hợp tác giữa người nổi tiếng và các cơ quan xã hội giờ đây đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam mang lại thành công ngoài sức tưởng tượng. “Ghen Cô Vy”, “hiện tượng âm nhạc” đặc biệt của Vpop lan truyền khắp thế giới trong những ngày qua là lần hợp tác không thể thành công hơn giữa Min, Erik, Khắc Hưng - 3 nghệ sĩ trẻ tài năng với viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (thuộc Bộ y tế).
Với giai điệu quen thuộc, hình ảnh dễ thương và thậm chí còn tự sắm sửa vũ đạo rửa tay gây sốt, “Ghen Cô Vy” khiến cho công cuộc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng chưa bao giờ sinh động và gần gũi đến thế.
Cùng xuất hiện tại Tuần lễ thời trang Milan và trở về từ vùng dịch, nhưng nếu Vũ Khắc Tiệp gây phẫn nộ cho công chúng vì thái độ thiếu hợp tác trong việc cách ly thì Châu Bùi – influencer nổi tiếng của Việt Nam lại khiến cộng đồng mạng phải mỉm cười vì những hình ảnh lạc quan khi cô nàng tự giác tham gia cách ly tập trung.
Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhưng chắc hẳn tầm ảnh hưởng của "Ghen Cô Vy" hay là "nhật ký cách ly" tràn đầy tình cảm của Châu Bùi sẽ mở ra một hướng tuyên truyền mới cho các cơ quan nhà nước.
Từng chút một, những người nổi tiếng luôn có cơ hội đem đến cho cộng đồng năng lượng tích cực khi đối mặt với các vấn đề nan giải của xã hội.
MV "Ghen Cô Vy" - Min, Erik, Khắc Hưng (Animation Video)
Loạt hành động nói trên của người nổi tiếng chỉ là những ví dụ hợp thời nhất để cho thấy sức mạnh của họ trong việc lan truyền thông tin. Dịch bệnh sẽ kết thúc trong nay mai, còn những vấn đề xã hội cùng với tiếng nói của nghệ sĩ thì sẽ không bao giờ dừng lại.
Mỗi cá nhân đều có quan điểm và đức tin riêng, nhưng nếu ý thức được rằng càng nổi tiếng bao nhiêu thì trách nhiệm đối với cộng đồng sẽ lớn bấy nhiêu, chắc hẳn nghệ sĩ sẽ phải suy nghĩ kĩ hơn khi chạm tay vào nút “đăng bài” bên dưới những con chữ có khả năng tác động tiêu cực đến sự nghiệp bản thân và cả suy nghĩ của những người hâm mộ.