Ủng hộ trừng phạt Triều Tiên, Nga - Trung có thể sẽ hứng phải "quả đắng" từ Mỹ

Ngọc Việt |

Nga và Trung Quốc đã dùng hành động thực tế của mình để đổi lấy hành động mang tính kỳ vọng của Washington trong vấn đề Triều Tiên.

Nghị quyết 2375: Tỷ lệ bỏ phiếu 15 - 0

Reuters ngày 16.9 đưa tin, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã kêu gọi Mỹ nhanh chóng thực hiện các nội dung trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên được thông qua ngày 12.9, trong đó cả Nga và Trung Quốc đều bỏ phiếu thuận ủng hộ đề xuất của Mỹ.

Với sự ủng hộ của Trung Quốc và Nga, HĐBA LHQ đã bỏ phiếu với tỷ lệ tuyệt đối 15 - 0, thông qua Nghị quyết 2375 nhằm gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thử bom H lần thứ 2.

Theo Nghị quyết 2375, LHQ áp đặt lệnh cấm đối với mặt hàng dệt may xuất khẩu từ Triều Tiên, giới hạn nguồn cung cấp các sản phẩm dầu mỏ cũng như các chuyến hàng dầu thô đến Triều Tiên. Ngoài ra, nghị quyết cũng duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên đối với Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 2375 yêu cầu những quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên phải báo cáo lên LHQ số lượng và thời gian kết thúc hợp đồng. Nghị quyết cũng phong tỏa tài sản của Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.

Nghị quyết 2735 cũng ghi nhận việc HĐBA LHQ ủng hộ các cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và kêu gọi nối lại các cuộc đối thoại này. HĐBA hoan nghênh nỗ lực của các quốc gia "thúc đẩy một giải pháp hòa bình và toàn diện thông qua đối thoại".

Đại sứ Nebenzia cũng cho biết Moscow đang chờ những giải pháp chính trị và ngoại giao từ phía Washington. Đó được xem là cơ sở cho việc Moscow và Bắc Kinh ủng hộ gia tăng trừng phạt Bình Nhưỡng sau khi ông Kim Jong-un cho thử bom nhiệt hạch vào ngày 3.9.

Tuy nhiên, ngay sau khi nghị quyết được HĐBA LHQ thông qua thì ngày 15.9, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo bay qua phía bắc Nhật Bản. Trước hành động này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cảnh báo sẽ hủy diệt Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục có những động thái leo thang.

Tới ngày 19.9, phát biểu tại kỳ họp thứ 72 Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Donald Trump tiếp tục khẳng định: "Người tên lửa đang tự sát cùng chính quyền của ông ta. Chúng ta sẽ không có lựa chọn nào ngoài hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên", Reuters đưa tin.

Theo giới phân tích, với quan điểm cứng rắn của Washington, việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, song giải pháp chính trị và ngoại giao thì sẽ khó có thể xúc tiến, nghĩa là đề xuất của Mỹ sẽ phải được thực hiện, còn yêu cầu của Nga - Trung thì phải chờ đợi.

Các biện pháp định lượng và định tính

Giới phân tích cho rằng Moscow và Bắc Kinh đã dùng hành động thực tế của mình để đổi lấy hành động mang tính kỳ vọng của Washington. Bởi lẽ, những biện pháp mà Nga và Trung Quốc ủng hộ Mỹ mang tính định lượng, còn những biện pháp mà Mỹ hứa hẹn lại nặng về định tính.

Rõ ràng, những biện pháp trừng phạt Triều Tiên ghi trong Nghị quyết 2375 rất cụ thể và dễ kiểm soát, bởi nó liên quan đến các hành động cụ thể, gắn liền với phương tiện, công cụ, con người cụ thể, diễn ra trong thời gian và không gian cụ thể. Mọi số liệu không phù hợp đều có thể bị phát hiện.

Không những vậy, những biện pháp này phải thực hiện trong mọi trường hợp, bất chấp thái độ của Washington hay hành động của Bình Nhưỡng. Và quan hệ Mỹ - Triều càng căng thẳng thì những biện pháp này càng phải thực hiện triệt để. Hành động của các bên trở thành cơ sở để triển khai biện pháp.

Theo Reuters ngày 20.9, kể từ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp đặt, mọi tàu thuyền gắn cờ Triều Tiên rời khỏi cảng Vladivostok đều được theo dõi. Thương mại giữa Nga và Triều Tiên đang được kiểm soát chặt chẽ, nhất là sau khi Bình Nhưỡng thử bom H lần thứ 2, ngày 3.9.

Ủng hộ trừng phạt Triều Tiên, Nga - Trung có thể sẽ hứng phải quả đắng từ Mỹ - Ảnh 2.

Cảng thương mại ở Vladivostok. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, những vấn đề chính trị và ngoại giao được nêu ra trong Nghị quyết 2375 rất khó xúc tiến, bởi nó là giải pháp, mà xây dựng giải pháp là cả một quá trình, thường bắt đầu từ quan điểm, rồi mới tới xây dựng biện pháp, lựa chọn phương pháp. Đây là một quá trình mang nặng tính chủ quan.

Hơn thế nữa, nếu như hành động của Bình Nhưỡng là cơ sở buộc các biện pháp trừng phạt phải được thực hiện triệt để, song song với giải pháp chính trị và ngoại giao thì ngược lại, hành động của Bình Nhưỡng luôn được xem là cơ sở khiến Washington không thay đổi lập trường để đối thoại.

Rõ ràng, Moscow và Bắc Kinh đã phải dùng những hành động rất thực tế, thậm chí có thể gây thiệt hại cho mình để đổi lấy những hành động chỉ mang tính kỳ vọng của Washington. Chỉ cần một động thái từ Washington, khiến Bình Nhưỡng hành động, là có thể khiến mọi kỳ vọng lùi xa hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại