Một trong những kết quả của đề án nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo mà nhà trường đạt được trong thời gian qua là nhà trường đã tranh thủ sự đầu tư giúp đỡ của trên, tập trung nâng cấp các phòng học chuyên dùng, đầu tư mới các thiết bị dạy học sao cho đủ điều kiện để giảng dạy bậc đại học cho học viên phi công quân sự, học viên dù tìm kiếm cứu nạn đường không, học viên cao đẳng kỹ thuật hàng không và các đối tượng học viên khác.
Để thực hiện có hiệu quả dự án xây dựng và đổi mới hệ thống trang thiết bị dạy học có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thống nhất, hiện đại, chất lượng và hiệu quả cao, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường luôn chú trọng đầu tư đồng bộ các trang thiết bị, khuyến khích đội ngũ giảng viên tự nghiên cứu và hợp tác với các chuyên gia phần mềm của các viện, nhà trường trong và ngoài quân đội để phát triển kỹ thuật viết phần mềm cũng như xây dựng các phòng học chuyên dùng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục-đào tạo.
Đại tá Nguyễn Tiến Học, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết:
“Thực hiện chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không-Không quân về tiến hành đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, từ năm 2011 đến nay, Trường Sĩ quan Không quân đã triển khai thực hiện nhiều dự án đầu tư nâng cấp các phòng học chuyên dùng, chuyên ngành; làm mới hàng chục mô hình học cụ cho học viên học tập.
Các trang thiết bị và mô hình học cụ sau khi được nâng cấp, trang bị mới đã góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên và học viên, nhất là các đối tượng học viên phi công, điển hình là mô phỏng các ca-bin tập lái máy bay L-39, Iak-52, trực thăng Mi-8…”.
Nhờ có các ca-bin mô phỏng tập lái mà các học viên phi công đã chủ động được trong việc thực hành luyện tập ở mặt đất trước khi thực hành bay trên máy bay; nâng cao trình độ kỹ thuật lái, dẫn đường, ứng dụng chiến đấu trong mọi điều kiện khí tượng, thời tiết, đặc biệt có thể tập luyện nâng cao năng lực xử lý các tình huống bất trắc như trong chuyến bay thật, từng bước hình thành kỹ năng điều khiển, ý chí, bản lĩnh xử lý các tình huống khẩn cấp cũng như nâng cao sức chiến đấu và bảo đảm an toàn bay.
Đổi mới, phát triển, đầu tư hệ thống phương tiện kỹ thuật đào tạo là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo cho nhà trường.
Trong quá trình thực hiện các dự án, nhà trường luôn chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hoàn thiện dứt điểm từng phòng học, trong đó tập trung vào các phòng học mũi nhọn đào tạo học viên phi công trên các loại máy bay hiện có của trường và mô phỏng nguyên lý làm việc của một số máy bay hiện đại khác.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân khẳng định: Với phương châm “cấp trên và cấp dưới cùng lo, cùng làm”, trong những năm tới nhà trường sẽ tập trung hoàn thành quy hoạch xây dựng cơ bản các dự án đầu tư trang thiết bị đã được cấp trên phê duyệt; hoàn thiện các trang thiết bị mô phỏng của Trung tâm mô phỏng đa chức năng của trường; tiếp tục chuẩn hóa các phòng học chuyên dùng, chuyên ngành; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí của trên đầu tư; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục-đào tạo của nhà trường.