Nạn nhân đầu tiên là một cô bé 12 tuổi tên Mary Kellerman. Cô bé sống tại làng Elk Grove này tử vong ngày 29-9-1982, sau khi uống một viên con nhộng Extra-Strength Tylenol để trị các triệu chứng đau họng và sổ mũi.
Làn sóng khiếp sợ lan rộng
Nạn nhân thứ hai, anh Adam Janus - nhân viên bưu điện, 27 tuổi - thiệt mạng chỉ vài giờ sau trong ngôi nhà trên phố Arlington Heights.
Không lâu sau đó, em trai và em dâu của Adam là Stanley, 25 tuổi và Theresa, 19 tuổi, cũng mất mạng khi uống viên thuốc trong lọ Extra Strength Tylenol để trong bếp nhà anh. Cả 2 uống thuốc vì bị đau đầu khi cùng người thân tập trung ở nhà người anh mới qua đời để lo đám tang.
Ba nạn nhân sau đó là Mary Reiner, một người mẹ 27 tuổi đang trong giai đoạn hậu sản cùng 2 phụ nữ đều ở tuổi 35 là Paula Prince và Mary McFarland.
Những cái chết này đã khiến làn sóng khiếp sợ lan rộng khắp nước Mỹ. Người Mỹ tự hỏi liệu họ có thể tin tưởng vào những sản phẩm thân thuộc trên kệ các tiệm tạp hóa, dược phẩm hay không.
"Mọi người bị khủng bố" - cựu sĩ quan Richard Brzeczek của Sở Cảnh sát Chicago nói với báo The New York Times về sự việc xảy ra 36 năm trước. Lúc đó, các nhà điều tra nhanh chóng xác định vấn đề không nằm trong khâu sản xuất loại thuốc trị cảm vốn được hàng triệu người khắp thế giới tin dùng này.
Những cửa hàng thuốc mới chính là điểm sơ hở và khả năng cao nhất là xyanua đã được tẩm vào các viên Tylenol qua con đường này. Tuy nhiên, động cơ phía sau những cuộc tấn công tàn độc này là gì? Đến nay, mọi việc vẫn nằm trong tấm màn bí ẩn.
"Chẳng có một ý nghĩa rõ ràng nào cả. Không có nạn nhân rõ ràng hay cố ý nào, như thể là chúng nhằm vào bất cứ ai, bất cứ ai xui xẻo mua phải một chai Tylenol (tử thần)" - cựu tổng chưởng lý bang Illinois bức bối.
Nghi vấn lớn nhất rơi vào James W. Lewis, một chuyên gia tư vấn thuế. Lewis từng gửi thư tay tới hãng Johnson & Johnson (J&J), công ty mẹ của McNeil Consumer Products - nhà sản xuất thuốc Tylenol, vào tháng 10-1982 và hứa hẹn rằng vụ giết chóc sẽ chấm dứt nếu gã nhận được 1 triệu USD.
Hai tháng sau, các đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt được Lewis và gã bị kết án 12 năm tù vì tội tống tiền. Tuy vậy, giới chức trách không thể tìm ra bất cứ manh mối nào để có thể truy tố gã liên quan đến các vụ đầu độc bằng thuốc Tylenol.
Một số nghi phạm khác cũng nằm trong tầm nghi vấn nhưng các cuộc điều tra liên quan đều đi vào ngõ cụt. FBI và các cơ quan điều tra của Chicago buộc phải đồng ý với nhau rằng kẻ khủng bố vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Thay đổi bước ngoặt
Năm 1982 thực sự là cơn ác mộng bất tận với J&J. Uy tín của công ty đã bị hủy hoại hoàn toàn, không ai dám mua loại thuốc cảm Tylenol nữa. J&J đã phải phát lệnh thu hồi trên cả nước tổng cộng 31 triệu chai Tylenol trị giá hơn 100 triệu USD, tương đương khoảng 267 triệu USD ngày nay.
J&J còn muốn đổi tên cho Tylenol nhưng không được chấp thuận. Sáu tuần sau khi khủng hoảng bùng phát, J&J phải đưa ra giải pháp khác - một loại chai mới với các lớp bảo vệ an toàn mà ngày nay đã quá quen thuộc với người tiêu dùng. Viên nhộng cũng bắt đầu được thay thế bằng các viên nén trong năm sau đó.
J&J được xem như một hình mẫu về trách nhiệm của doanh nghiệp khi đặt sự an toàn của người tiêu dùng lên trên lợi nhuận của mình. Điều này có thể làm giảm lợi nhuận của công ty trong ngắn hạn nhưng sẽ bảo đảm một sự thịnh vượng về lâu dài.
Trước hậu quả trực tiếp của vụ việc trên, tháng 5-1983, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật mới mang tên "Luật Tylenol", coi việc can thiệp xấu vào các sản phẩm tiêu dùng là một loại tội phạm liên bang.
Năm 1989, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cũng đặt ra một quy định trên cả nước: Đòi hỏi các sản phẩm phải tuân thủ thiết kế chống can thiệp, nhằm bảo đảm chúng đến tay người tiêu dùng một cách an toàn. Ngày nay, tất cả sản phẩm đều được đặt trong bao bì chống can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng tốt nhất.
Đừng quên bài học Tylenol!
Nhiều doanh nghiệp đã tiếp thu bài học đạo đức trong câu chuyện Tylenol, điển hình là Odwalla - nhà sản xuất nước trái cây ở California. Năm 1996, một bé gái 16 tháng tuổi thiệt mạng và 60 người khác đổ bệnh sau khi uống nước ép táo của Odwalla được xác định nhiễm khuẩn E.coli. Công ty này lập tức thu hồi tất cả sản phẩm chứa nước ép táo hoặc cà rốt.
Odwalla phải chi hàng triệu USD để dàn xếp kiện tụng và trang trải tiền phạt liên bang. Họ đã phải nhanh chóng thay đổi quy trình an toàn sản phẩm và đưa nước táo trở lại thị trường chỉ 2 tháng sau khi khủng hoảng nổ ra.
Tuy nhiên, nhiều vụ việc xảy ra gần đây cho thấy các doanh nghiệp có vẻ không còn mặn mà với bài học năm 1982. Thậm chí, chính J&J cũng "sẩy chân".
Năm 2010, có tin tiết lộ rằng công ty này đã bí mật thu mua các dược phẩm có vấn đề mà không thông báo cho người tiêu dùng hay các cơ quan điều tiết của chính phủ Mỹ. Một năm trước đó, trong một cuộc "thu hồi ma", J&J đã cử người giả làm khách hàng tới gom 88.000 viên thuốc Motrin có vấn đề từ các kệ hàng ở Mỹ.
Alan Hilburg - chuyên gia tư vấn truyền thông và thương hiệu, từng tham gia xử lý vụ khủng hoảng truyền thông năm 1982 của J&J - cho rằng ngày nay, thế giới đang chứng kiến quá nhiều trường hợp doanh nghiệp để tình hình rơi vào tồi tệ bởi đơn giản họ đã quên bài học Tylenol.
Theo Hilburg, người ta sẽ không đánh giá doanh nghiệp ở nguyên nhân gây ra khủng hoảng mà ở chỗ họ xử lý nó ra sao.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 24-11
Kỳ tới: Tống tiền bằng thức ăn tẩm độc